Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Để nông sản Việt giữ được thị trường tỷ dân
Nhung Bùi - 12/08/2024 09:08
 
Nếu không tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của Pháp lệnh 248 đối với các mặt hàng thực phẩm, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói..., doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể bị loại khỏi cuộc đua xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Siết chặt quy định

Với kinh nghiệm tư vấn cho hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật, động vật, thủy sản sang Trung Quốc, bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ Sutech tiết lộ, trên hệ thống website một cửa (www.singlewindow.cn) của Trung Quốc không có mã phân loại (HS/CIQ) cho sản phẩm hữu cơ như Mỹ hay EU.

“Hạt cà phê bán tại Việt Nam hay một số thị trường nước ngoài, nếu được cấp chứng nhận hữu cơ, giá sẽ cao hơn, tăng niềm tin cho khách hàng về một sản phẩm được gieo trồng, chăm sóc theo đúng quy trình hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nước bạn chỉ quan tâm đó là hạt cà phê đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đúng quy trình như đã thương thảo”, bà Mến nói.

Những năm gần đây, Trung Quốc siết chặt các yêu cầu đối với nông sản nhập khẩu, bao gồm việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chất lượng an toàn thực phẩm.

Từ ngày 1/1/2022, Pháp lệnh 248 của Trung Quốc có hiệu lực, quy định toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.

Sau 30 tháng thực hiện Pháp lệnh 248, Việt Nam đã đăng ký thành công hơn 3.000 mã số xuất khẩu vào Trung Quốc, đồng thời phân giao các cơ quan chuyên môn cụ thể chịu trách nhiệm quản lý từng nhóm ngành hàng.

Để được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, doanh nghiệp phải chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (HACCP)… Thực tế đã xảy ra trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rất lớn của Việt Nam từng bị Trung Quốc từ chối hồ sơ xuất khẩu chỉ vì không chứng minh được nguồn nước sử dụng.

Thời gian duy trì mã số xuất khẩu là 5 năm, tính từ thời điểm phía Trung Quốc phê duyệt cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường. Trong 5 năm đó, nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về kiểm chứng thực vật và an toàn thực phẩm, thì nước bạn hoàn toàn có thể thu hồi mã số xuất khẩu đã cấp. Đặc biệt, sau khi bị thu hồi, việc lấy lại mã số xuất khẩu rất khó.

Tuân thủ để giữ thị trường

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường tiếp nhận nhiều loại trái cây tươi nhất của Việt Nam, gồm xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít, thanh long, măng cụt, sầu riêng, chuối, dưa hấu…

Việt Nam và Trung Quốc đang tích cực đàm phán, xúc tiến ký kết nghị định thư với mặt hàng trái cây có múi (bưởi), dược liệu, sầu riêng đông lạnh và quả dừa tươi.

Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, khi một mặt hàng được thị trường Trung Quốc chấp nhận sẽ mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức. Với một số mặt hàng, thời gian đàm phán, đánh giá rủi ro lên tới 3 -5 năm, thậm chí như ngành sầu riêng phải mất tới 7 năm để ký được nghị định thư.

Do đó, khi đã mở được cửa, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Trường hợp lô hàng xuất khẩu vi phạm và bị Trung Quốc trả về, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại nặng. Hàng trả về phải chờ lưu kho, lưu bãi, nhưng nông sản tươi thì không thể chờ lâu.

Chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp có dự định xuất khẩu sang Trung Quốc cần tìm hiểu rõ quy trình, cách thức đăng ký mã số phù hợp đối với từng sản phẩm. Cùng một ngành hàng, nhưng các sản phẩm lại có quy trình đăng ký hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ, dừa tươi Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng cơm dừa được xuất khẩu dưới Pháp lệnh 248, thuộc sự quản lý của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT); sản phẩm dầu dừa cũng đăng ký dưới Pháp lệnh 248, nhưng cơ quan quản lý và gửi thông tin sang phía nước bạn là Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương).

Với ngành hàng quế, quế thanh, quế bột cùng đăng ký xuất khẩu qua sự giới thiệu của Cục Bảo vệ thực vật, nhưng quế bột đăng ký trực tiếp trên Cifer (hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc, thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc); quế thanh đăng ký qua công thư giới thiệu; còn dầu quế đăng ký xuất khẩu qua Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương).

Thời hạn Trung Quốc chấp nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có thể dao dộng 45 - 60 ngày. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch, tránh trường hợp nông sản đã qua mùa vụ mà mã xuất khẩu vẫn chưa được cấp.

Nông sản Việt dần thoát bóng chợ đầu mối
Hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh chợ đầu mối.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư