Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EU siết kiểm soát với một số nông sản Việt Nam từ tháng 7/2024
Nhung Bùi - 09/05/2024 08:05
 
Nếu không có biện pháp cải thiện, các sản phẩm này có thể bị tạm dừng nhập khẩu vào thị trường châu Âu.

Thông tin được bà Coulon Sylvie - chuyên gia cao cấp Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) của Ủy ban châu Âu chia sẻ tại hội nghị phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU, do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp cùng DG-SANTE tổ chức.

“Khi chúng tôi thấy có những rủi ro gia tăng về nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu từ các quốc gia xuất khẩu, EU sẽ áp dụng biện pháp bổ sung. Với Việt Nam có mối nguy về dư lượng thuốc trừ sâu, nhiễm khuẩn của vi sinh (salmonella) và aflatoxins", bà Coulon Sylvie nhấn mạnh.

Vì vậy, từ tháng 7 tới, các lô hàng thanh long, đậu bắp của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ bị gia tăng tần suất kiểm tra, thay vì 20% và 50% lô hàng như hiện tại.

"Nếu tiếp tục không cải thiện, EU sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ nhập khẩu. Đây là sản phẩm có nhu cầu rất cao tại thị trường châu Âu, chỉ có điều dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm này rất đáng quan ngại", bà Coulon Sylvie cảnh báo.

Một nông sản khác của Việt Nam cũng khiến bà Coulon Sylvie quan ngại chính là hạt tiêu. Hạt tiêu Việt Nam đang phải chịu tần suất kiểm tra 50% khi nhập khẩu vào EU. Nếu tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm không cải thiện, bà Coulon Sylvie cảnh báo hạt tiêu Việt Nam có nguy cơ chịu sự kiểm soát ngặt nghèo hơn.

“Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý Việt Nam cần kiểm tra rất kỹ các lô hàng trước khi xuất khẩu sang châu Âu”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát và cập nhật định kỳ danh mục các sản phẩm trong phụ lục kiểm soát được nhập khẩu từ các quốc gia. Đây là cơ hội để nông sản Việt Nam cải thiện tình hình, nếu không sẽ bị kiểm soát kỹ hơn, thậm chí đối diện với tình trạng tạm dừng nhập khẩu.

Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết các quy định của châu Âu không có tính phân biện đối xử, tức là áp dụng chung với chính nhà sản xuất châu Âu, cũng như nhà nhập khẩu từ các quốc gia thứ 3 như Việt Nam; do đó đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

“Châu Âu thay đổi quy định kiểm soát để hướng tới sự tốt đẹp hơn cho người tiêu dùng. Việt Nam cần thấu hiểu điều này, cùng chia sẻ và có hướng phấn đấu để các mặt hàng áp dụng đúng quy định của châu Âu”, ông Lê Kỳ Anh khẳng định.

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, mặc dù có nhiều thông tin về thị trường châu Âu cũng như xuất khẩu nhiều năm vào châu Âu, song việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vẫn vướng nhiều khó khăn. Về tổng thể, sau 4 năm triển khai EVFTA, sản phẩm có nguồn gốc thủy sản, động vật và thực vật của Việt Nam xuất sang EU đều giảm so với trước năm 2020.

Ông Hòa Lý giải một trong những lý do đến từ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU, cũng như quy định về rào cản kỹ thuật khác liên quan đến vấn đề lao động, môi trường, phát triển bền vũng,…

Đại diện Văn Phòng SPS Việt Nam mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.

Nông sản Việt dần thoát bóng chợ đầu mối
Hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh chợ đầu mối.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư