Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh
Huy Hào - 20/06/2014 09:24
 
() Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã nói những lời giản dị mà thấm thía: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là ‘đề tài’, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘đề tài’ là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nghĩa tình trên quê hương Bác Hồ
Đức ‘Nhân’ trong đạo làm tướng của Võ Nguyên Giáp
Ảnh quý về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay cách gọi trìu mến mà các thế hệ người Việt vẫn gọi - Bác Hồ, ta nghĩ ngay tới một lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, người đưa dân tộc Việt Nam rũ bùn nô lệ, khai sinh nước Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa, giành lấy độc lập, tự do, đi tới bến bờ hạnh phúc.

  “Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh  
  Ham muốn tột bậc của Bác Hồ là làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, dân được tự do  

Với người làm báo, Bác Hồ còn là người thầy vĩ đại mà gần gũi, với đức độ, tài năng của mình, soi rọi cho người làm báo cả về tâm và nghề, đem tâm và tài của người làm báo phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân.

Nhưng trước khi là một người thầy, trước hết, Bác là một nhà báo thực thụ. Ít người biết rằng, năm 1919, Bác đã viết báo ở nước ngoài, bằng tiếng Pháp, với một chủ đề tưởng như quá tầm với chàng thanh niên châu Á nhỏ bé. đó là bài Quyền của các dân tộc thuộc địa, đăng trên Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp.

Trong chặng đường bôn ba tìm chân lý, tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã sáng lập, trực tiếp tổ chức thực hiện tới 9 tờ báo. Đó là các tờ: Người cùng khổ (năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên, Công Nông (1925), Lính Kách Mệnh (1927), Thân Ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942).

Sau này, khi đã giữ cương vị cao nhất của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Người vẫn trực tiếp viết báo. Tính đến bài báo cuối cùng của Người còn được lưu lại (Thư trả lời Tổng thống Mỹ, đăng trên Báo Nhân dân ngày 26/8/1969), Người đã có tới 50 năm làm báo, viết hơn 2.000 bài báo với 150 bút danh ở những thời điểm khác nhau.

Là người trực tiếp cầm bút, với nhiều tác phẩm sắc sảo, Người không chỉ nhận ra sức mạnh của báo chí, chỉ rõ trách nhiệm của báo chí và người cầm bút, mà còn truyền cảm hứng và ý thức trách nhiệm đó một cách sâu sắc tới những người làm báo.

Lịch sử báo chí Việt Nam còn lưu, ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (khi đó có tên là Hội Những người viết báo Việt Nam, đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam tại Đại hội này), Bác Hồ đến dự và nói chuyện với giới báo chí.

Về mục tiêu làm báo của mình, Người nói rất giản dị mà sâu sắc: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là ‘đề tài’, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘đề tài’ là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, trang 419 - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000).

Người cũng nói thẳng và chỉ rõ, báo chí chính là chính trị, với nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc: “Báo chí của ta, thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng, thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Đại hội tiếp theo (lần thứ III) của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 8/9/1962, Bác cũng dành thời gian tới dự và nói chuyện với các nhà báo. Người một lần nữa khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Rồi Người nêu những chuyện nghiệp vụ một cách mộc mạc, dễ hiểu nhất: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”; “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?”.

Trước đó, trong bài Cách viết (ngày 17/8/1953), Bác chỉ dẫn cụ thể: “Lấy tài liệu đâu mà viết? Muốn có tài liệu, thì phải tìm, tức là: 1- Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2 - Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3 - Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4 - Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5 - Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”…

Những lời ấy của Người có lẽ đã gói đủ quan niệm về báo chí, cũng như phong cách làm báo của Bác, đồng thời cũng không tách rời “ham muốn tột bậc” mà Người từng nhắc khi Cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, khi Chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, cho đến những lời muôn vàn yêu thương Người để lại qua từng dòng của bản Di chúc khi Người đi xa.

Nhớ lại rằng, trên Báo Cứu quốc, số ra đúng ngày 21/6/1946, có đăng những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài, rằng:

“Nhân dịp các bạn tân văn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ nước ngoài đều biết:

Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác, thì tôi phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận vậy...

Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi, sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để không dính líu gì với vòng danh lợi…”.

Qua gần 9 thập kỷ kể từ ngày 21/6/1925, khi Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra Báo Thanh Niên, được lấy làm dấu mốc của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Việt Nam có quyền tự hào với đội ngũ ngày càng lớn mạnh, bản lĩnh và trình độ ngày càng được trui rèn, nâng cao. Báo chí Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc chiến tranh ái quốc và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.

Dù đây đó còn những cây bút lạc giọng, những người mang danh nhà báo lén lút lẩn khỏi hàng ngũ để mưu lợi cá nhân, nhưng nhìn vào đời sống báo chí đất nước 89 năm qua, chúng ta có quyền tự hào với những nhà báo đã không chỉ cầm bút, mà còn trực tiếp cầm súng ra trận; tự hào về những nhà báo đã lăn lộn, tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, hay dũng cảm đấu tranh với những tệ nạn, những ung nhọt đang tàn phá xã hội trong cuộc trở mình của đất nước; tự hào với những nhà báo đang lặn lội không quản hiểm nguy nơi sóng gió Hoàng Sa, truyền tải kịp thời những tin tức nóng hổi về cuộc đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Trong hành trình ấy, “đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh - đó là độc lập dân tộc, phụng sự dân tộc và nhân dân - chính là tài sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam nói chung, cho những người cầm bút nói riêng, để người làm báo luôn là những chiến sĩ cách mạng “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư