Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đề thi THPT quốc gia theo hướng mở và hạn chế học thuộc
Vinh Hương (ANTĐ) - 01/03/2016 09:01
 
Các trường THPT đang tập trung vào việc chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Việc công bố đề thi minh họa đang được trông đợi vào thời điểm này để giáo viên cũng như học sinh có những điều chỉnh thích hợp với yêu cầu kỳ thi về cách ra đề theo hướng mở, hạn chế học thuộc.
Đề minh họa thi THPT quốc gia sẽ được công bố trong tháng 3-2016
Đề minh họa thi THPT quốc gia sẽ được công bố trong tháng 3-2016



Sẽ có đề thi minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ tiếp tục đặt ra yêu cầu ở 2 mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, dự kiến tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và nâng cao 40% để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Trước thắc mắc của thí sinh về định hướng với đề thi mở, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Các câu hỏi đều nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thời sự của đất nước. Đề thi cũng sẽ được tính toán nhằm hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện”.

Năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng đã ra đề thi minh họa để thí sinh có được hình dung về cách ra đề cho một kỳ thi 2 mục đích. Đối với nhiều thí sinh dự thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, nếu so với đề thi tốt nghiệp các năm trước, nhiều thí sinh phản ánh câu hỏi khó hơn nhiều. Việc tiếp thu ý kiến đóng góp để điều chỉnh khi ra đề thi chính thức đã được Bộ GD-ĐT thực hiện từ cuối tháng 3-2015 bởi đây cũng là lần đầu tiên thí sinh làm quen với hình thức đổi mới này.

Năm 2016, thí sinh có nhiều thuận lợi hơn sau 1 năm làm quen với yêu cầu đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ sẽ sớm công bố đề thi minh họa cho kỳ thi năm nay. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề thi năm nay sẽ tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao trong số 40% các câu hỏi yêu cầu nâng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015.

Câu hỏi nâng cao làm khó thí sinh không luyện thi

Nhận xét về đề thi năm ngoái, ông Phạm Văn Sáng - Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa B, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phân tích, đề thi có độ phân hóa ở câu hỏi dành điểm 10. Tuy nhiên, cách hỏi này thường có lợi thế đối với học sinh các trường chuyên, được cọ xát với các câu hỏi dạng nâng cao hay có tính ứng dụng, thực hành.

“Dạng câu hỏi này dễ gây bất lợi cho học sinh vùng nông thôn, vốn chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản, ít có điều kiện nâng cao. Chính vì vậy việc ban hành sớm đề thi minh họa các môn thi là rất cần thiết trong việc giúp các thí sinh làm quen và khắc phục những kiến thức chưa đáp ứng được yêu cầu kỳ thi sắp tới” - ông Phạm Văn Sáng chia sẻ.

Cũng theo ông Sáng, việc nắm bắt kỹ cách ra đề sẽ sớm giúp các thầy cô định hướng cho học sinh qua các bài kiểm tra hàng tuần, bài thi cuối kỳ…

Định hướng về cách học môn Ngữ văn để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, Hà Nội cho rằng, với cách ra đề mở, học sinh buộc phải chịu khó đọc nhiều văn bản ngoài sách giáo khoa, học cách phân tích để hiểu rõ văn bản… Có kiến thức thực tế, học sinh mới có thể làm tốt được bài thi với cách ra đề chú trọng nhiều kỹ năng, quan tâm cả kiến thức ngữ văn lẫn hiểu biết xã hội, thời sự. “Nếu học sinh chỉ học tủ theo tác phẩm, văn mẫu sẽ không làm tốt được bài thi” - ông Đặng Đình Đại nhấn mạnh.

Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đề thi năm nay cần phải đảm bảo được 2 mục đích của một kỳ thi, tránh hiện tượng đề thi để xét tốt nghiệp THPT thì quá nặng mà để xét tuyển ĐH, CĐ lại quá nhẹ hoặc ngược lại. “Chúng tôi không yêu cầu đề thi dễ hơn nhưng đề thi phải phù hợp với đối tượng dự thi vì mỗi năm chất lượng thí sinh mỗi khác. Ngoài ra, việc công bố đề thi minh họa sẽ giúp học sinh, giáo viên hình dung rõ hơn cách ra đề và góp phần định hướng thế nào là đề thi mở để ôn luyện, đảm bảo tâm lý tốt nhất trước kỳ thi”.

Cùng quan điểm, ông Đặng Đình Đại cũng đề nghị, đổi mới cách ra đề thi phải bám sát với thực tiễn dạy học và đánh giá thường xuyên của các nhà trường hiện nay vì thực tế không phải trường nào cũng áp dụng đồng bộ được đổi mới phương pháp, chưa thực sự thay đổi được cách dạy học đọc, chép, ghi nhớ máy móc.

Chỉ làm tròn tổng điểm 3 môn thi 

Ngày 29-2, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, quy định mới về cách làm tròn điểm thi THPT quốc gia năm nay sẽ tăng độ chính xác và công bằng nhất trong việc sử dụng kết quả thi của thí sinh.

Thay vì làm tròn điểm từng môn thi, thí sinh sẽ chỉ được làm tròn sau khi cộng kết quả của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển đại học. Năm 2015, các môn thi trắc nghiệm có 50 câu trắc nghiệm, như vậy mỗi câu là 0,2 điểm. Điểm số 0,2 làm tròn lên 0,25; 0,8 làm tròn xuống 0,75, trong khi điểm số 0,4 và 0,6 làm tròn về cùng 0,5. Việc làm tròn như vậy là thiếu nhất quán và không công bằng trong xét tuyển. 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư