Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Đề xuất 3 kịch bản hỗ trợ thực hiện SDG
Nguyễn Hương - 12/11/2024 07:37
 
Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết phát triển bền vững vào cuối thập kỷ này nếu không có kịch bản mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp, các giải pháp tài chính dài hạn và việc triển khai nhanh hơn trên các lĩnh vực then chốt.
Việt Nam đang tìm mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp để phát triển bền vững
Việt Nam đang tìm mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp để phát triển bền vững

Tại Hội thảo ngày 6/11/2024 về kết quả nghiên cứu liên quan đến việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ, nhưng con đường đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề huy động nguồn lực tài chính.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra, viện trợ phát triển chính thức đã giảm đáng kể từ khi Việt Nam đạt được vị thế là nước có thu nhập trung bình thấp, khiến việc tài trợ bền vững trở nên phức tạp hơn.

“Mặc dù dòng vốn FDI đang tăng lên, nhưng đóng góp vào phát triển bền vững vẫn chưa rõ ràng. Khu vực tư nhân trong nước chưa hoàn thành vai trò được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tính bền vững. Để đẩy nhanh việc thực hiện SDG, việc thu hẹp khoảng cách tài chính và ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi chính là rất quan trọng”, Thứ trưởng nói.

TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI KÉP VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN

Thời gian qua, Chính phủ luôn nhấn mạnh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Với mong muốn truyền tải thông điệp, cũng như chia sẻ những nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi kép, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo thường niên Phát triển bền vững 2024, với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”.

Hội thảo sẽ tạo cầu nối giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước và các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế quý báu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh bền vững, qua đó lan tỏa nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo để phát triển xanh hơn, bền vững hơn… trong các lĩnh vực trọng tâm.

Nhân dịp này, Lễ trao tặng Kỷ niệm chương cũng được tổ chức nhằm tri ân các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đồng hành trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Hội thảo diễn ra từ 8h00-12h00 ngày thứ Ba 12/11/2024 tại Khách sạn Pullman, 40 - Cát Linh (Hà Nội).

Các chuyên gia kinh tế từ Liên hợp quốc đã giới thiệu mô hình kinh tế vĩ mô hỗ trợ thực hiện chiến lược SDG dài hạn của Việt Nam. Ông Kongchheng Poch, Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, trình bày 3 kịch bản giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG của Việt Nam, gồm: tăng trưởng xanh, giảm nghèo và bất bình đẳng, tăng trưởng do đổi mới thúc đẩy.

“Trong kịch bản đầu tiên, nhằm đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0 và SDG 7 về tiếp cận năng lượng, Chính phủ có thể ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo và các biện pháp hiệu quả năng lượng trong khi triển khai các công cụ để hạn chế phát thải CO2. Các chính sách trong kịch bản này bao gồm tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và có thể áp dụng thuế carbon”, ông Poch cho biết.

Theo ông Poch, Chính phủ có kế hoạch đầu tư khoảng 13,5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 vào năng lượng tái tạo, tăng lên 23 tỷ USD mỗi năm từ năm 2031 đến năm 2050. Gói đầu tư đáng kể này, tương đương với khoảng 7% GDP năm 2020, có thể dẫn đến giảm đáng kể ô nhiễm và phát thải carbon, thúc đẩy năng suất và mang lại kết quả kinh tế tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu chỉ được Chính phủ tài trợ, gánh nặng tài chính sẽ rất lớn.

Kịch bản thứ hai ưu tiên giảm nghèo và bất bình đẳng, phù hợp với SDG 1, 4 và 10, trên cơ sở gia tăng trong chi tiêu xã hội thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Tác động đến khí hậu là tích cực, vì các khoản đầu tư vào hạ tầng dự kiến thúc đẩy hiệu quả năng lượng và giảm lượng khí thải. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hưởng lợi từ năng suất được cải thiện, trong khi giảm nghèo được tạo điều kiện thông qua việc tăng chi tiêu xã hội”, ông Poch tuyên bố.

Kịch bản thứ ba nhắm mục tiêu vào tăng trưởng do đổi mới thúc đẩy để hỗ trợ SDG 8, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện và lâu dài. Trọng tâm ở đây là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam bằng cách đầu tư vào hạ tầng CNTT, chủ yếu được tài trợ bởi khu vực tư nhân (95%). Với quy mô tương đối khiêm tốn của khoản đầu tư này, tác động môi trường sẽ không đáng kể, trong khi hiệu ứng tài chính là tích cực, vì vốn tư nhân chủ yếu tài trợ cho sự phát triển.

Các chính sách tài khóa toàn diện rất cần thiết để thúc đẩy thực hiện SDG. Theo ông Lin Zhuo, chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), để cải thiện tài chính dài hạn, cần tăng năng suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng doanh thu của Chính phủ mà không cần tăng thuế. Các chiến lược chính bao gồm cải thiện phép đo năng suất, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, giảm khoảng cách thu thuế và khám phá các công cụ tài chính sáng tạo.

“Ngoài ra, việc thu hẹp khoảng cách thuế và sử dụng các chính sách tài khóa ít thông thường hơn có thể giảm thiểu rủi ro tài khóa. Việc thúc đẩy và chuyển hướng tiết kiệm trong nước có thể làm tăng nguồn cung vốn dài hạn, trong khi các công cụ tài chính sáng tạo có thể giúp thu hút đầu tư bền vững”, ông Lin Zhuo cho biết.

Huy động nguồn lực để đầu tư cho tăng trưởng xanh
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và cam kết đưa phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050. TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư