Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp nếu cần
Nguyễn Lê - 24/07/2021 10:47
 
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp.
.
Sáng 24/7, Quốc hội đã nhất trí bổ sung nội dung về một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp

Theo đề nghị của Chính phủ, cần phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó cần cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ngày 24/7, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội tờ trình đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Mở đầu, tờ trình viết, ngày 15/7/2021 và ngày 21/7/2021, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có các công thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến tại các cuộc họp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về cơ sở trình Quốc hội một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, tờ trình nêu rõ, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết ngay trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn trên toàn thế giới như Covid-19.

Trong đó, có nhu cầu cần phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó cần cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (vì nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự...), các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiếm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Chính phủ đề xuất đưa vào nghị quyết nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

1. Chủ động áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các biện pháp cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký lưu hành, thử lâm sàng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, phát triển sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước, nội địa hoá trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

3. Khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021-2022.

4. Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

5. Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng chống dịch tuyến đầu; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không đứt gãy chuỗi cung úng sản xuất, kinh doanh, lao động.

6. Báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp trong Nghị quyết này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp. 

Theo chương trinh được điều chỉnh, chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư