Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy du lịch khu vực Miền Trung – Tây Nguyên
Ngọc Tân - 16/02/2019 15:25
 
Tại Hội nghị Phát triển Du lịch Miền Trung và Tây Nguyên diễn ra vào ngày 16/2 tại TP Huế với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung đã có những đề xuất kiến nghị các cơ chế chính sách cụ thể nhằm tạo động lực cho sự bứt phá của du lịch Miền Trung- Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho rằng, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch Miền Trung và Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, đó là đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…Hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây kết nối các nước Myanmar, Lào, Thái Lan với các tỉnh miền Trung; các chương trình du lịch như: "Ba quốc gia - một điểm đến", chuỗi các sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch di sản, du lịch lịch sử của các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên…

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

“Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung và Tây Nguyên khoảng 56 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt hơn 8,4 triệu lượt; tổng thu từ du lịch chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước. Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nhất là ở những địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng,...”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho rằng, một thực tế đang hiện hữu đó là du lịch Miền Trung và Tây Nguyên đang chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch. Du lịch Miền Trung- Tây Nguyên nổi lên những tồn tại như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều; tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 18,75% cả nước); chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu (khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước); tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…

“Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế so sánh của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nâng cao tính cạnh tranh so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á”, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nói trên đó là sự thiếu liên kết hoặc liên kết chưa sâu giữa các địa phương trong phát triển du lịch.

Theo Chủ tịch Phan Ngọc Thọ:" Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung" từ đó, tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch Điểm (từng địa phương) sang Vùng. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm trọng điểm tập trung nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Miền Trung và Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn”.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung cũng đã có những đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành một số vẫn đề nhằm đưa du lịch Miền Trung- Tây Nguyên vượt qua ngưỡng để có sự đột phá mới.

Trong đó có một số đề xuất trọng tâm như cho phép đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, PleiKu; áp dụng chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch Vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 3 cảng du lịch biển Chân Mây, Tiên Sa và Nha Trang; hoàn thiện tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng; xây dựng tuyến đường ven biển Miền Trung; ưu tiên hỗ trợ bố trí vốn Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp để có những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc Việt Nam; có cơ chế hỗ trợ đặc thù vốn trùng tu, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới (di sản vật thể); áp dụng cơ chế ưu đãi theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 03 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: tại Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam Miền Trung với vùng du lịch Bắc Miền Trung), Cù Lào Chàm (gắn với Di sản VHTG Phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt)1.3.

Cho phép thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch. Dự kiến thu (thí điểm) 1 USD/khách du lịch quốc tế lưu trú tại các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phan Thiết - Mũi Né/Đà Lạt - Lâm Đồng. Mục đích duy nhất của quỹ là sử dụng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; cho phép lấy visa tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo,…Gia hạn thời gian đối với thị thực rời cho khách du lịch quốc tế đến vùng Duyên hải Miền Trung bằng đường biển và duy trì mức thu phí thị thực nhập cảnh là 5 USD/người, như mức cấp giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam được quy định tại Thông tư số 66/2009/TT-BTC ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính.

“ Nàng công chúa Miền Trung với bờ biển cát vàng rực nắng đang thức giấc cùng chàng hoàng tử đại ngàn Tây Nguyên cùng nắm tay nhau đón chờ những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để mở đường Thiên Lý cho Miền Trung và Tây Nguyên khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để có thể vươn xa, vươn cao sánh vai cùng cả nước trên bước đường hội nhập và phát triển”. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung chia sẻ.

Thừa Thiên Huế: Hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp
Ngày 14/2, Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khách sạn, dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư