Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất cơ chế đặc thù trong khai thác đất đắp phục vụ cao tốc Bắc - Nam
Anh Minh - 24/05/2021 09:10
 
Đang xuất hiện việc khan hiếm vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thi công nền đường tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.
Thi công nền đường tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất san lấp cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 Luật Khoáng sản, quyết định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang triển khai xây dựng.

Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp  phép khai thác đối với khoáng sản, cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được áp dụng điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã khảo sát, thăm dò, khai thác để cung cấp cho Dự án.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng mà thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; xem xét ưu tiên cấp cho các nhà thầu đã trúng thầu thi công tuyến cao tốc để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên chỉ áp dụng cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo khối lượng đã xác định trong Dự án.

“Sau khi đã cung cấp đủ khối lượng theo yêu cầu của Dự án thì chấm dứt hoạt động khai thác, không tiếp tục áp dụng cơ chế này, đơn vị khai thác phải đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng khoáng sản đã khai thác (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường,…) theo quy định”, Bộ GTVT kiến nghị.

Được biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT  đang triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, với 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,85km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Trong quá trình thực hiện Dự án đã xuất hiện một số vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu (đặc biệt là vật liệu đất đắp nền đường) làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành Dự án.

Theo số liệu báo cáo từ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3, khối lượng vật liệu đất được tận dụng (điều phối) từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3, tổng khối lượng vật liệu đất đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất (khối lượng sau điều phối) khoảng 53,5 triệu m3; khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua theo khảo sát khoảng 164,6 triệu m3 (184 mỏ), đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, bao gồm: 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác và 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác (gồm các mỏ còn trữ lượng nhưng đã hết hạn giấy phép khai thác và các mỏ đất đã có trong quy hoạch của địa phương nhưng chưa có giấy phép khai thác).

Tuy nhiên, do các gói thầu, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đồng loạt triển khai đắp nền đường trong cùng một thời gian nên hiện tại mới đủ kiện khai thác cung cấp cho dự án (tại 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác nêu trên) với khối lượng khoảng 33,6/53,5 triệu m3 (tương đương 62,8% nhu cầu), khối lượng còn lại khoảng 19,9/53,5 triệu m3 (tương đương 37,2% nhu cầu) chưa thể khai thác và cung cấp được cho Dự án, tập trung tại 08 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc địa bàn 8 tỉnh (Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận và Đồng Nai) do khối lượng này nằm tại 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác nêu trên.

Hiện nay để hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản và158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản thì tổng thời gian từ khi trình cấp phép thăm dò cho tới khi hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng từ 9 tháng đến 15 tháng (mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1488/BTNMT-ĐCKS ngày 29/3/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án).

Lý do là theo quy định tại Điều 47 và Điều 59 Luật Khoáng sản; Điều 49 và Điều 51 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nói chung, bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông đường phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ áp dụng chung (không phân biệt nhóm, loại khoáng sản cũng như quy mô dự án).

Với quy định này, các địa phương muốn cấp phép khai thác thì khu vực dự kiến cấp phép phải: thuộc quy hoạch khoáng sản liên quan, nếu chưa thăm dò thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, sau đó thi công đề án thăm dò theo Giấy phép thăm dò; lập Báo cáo thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản; lập dự án đầu tư khai thác trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác khoáng sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập hợp Hồ sơ xin cấp phép khai thác; lập Hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế mỏ; lập Hồ sơ đất đai theo quy định pháp luật về đất đai.

Thời gian thực hiện các thủ tục để cấp phép khai thác khoảng làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên, theo Bộ GTVT, là dẫn đến kéo dài tiến độ, thậm chí phải dừng thi công ở một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam vì phải chờ thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất dùng để san lấp tại một số địa phương, không đáp ứng tiến độ thông xe tuyến cao tốc Bắc Nam theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư đánh giá tác động của biến động giá thép
Các chủ đầu tư phải dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư