Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Đề xuất đầu tư 6 cảng hàng không mới; 2,12 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 13/11/2021 08:21
 
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất đầu tư 6 cảng hàng không mới

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 vào khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giao thông - vận tải.

Đây là một trong những thông tin quan trọng trong Tờ trình về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước.

Mô hình sân bay Quảng Trị dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mô hình sân bay Quảng Trị dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tờ trình này đã được Bộ GTVT tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương; các hội nghề nghiệp (Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam); Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Báo cáo thẩm định số 107/BC-HĐTĐQH ngày 22/10/2021 của Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Trước đó, vào ngày 20/8/2021, Hội đồng thẩm định quy hoạch đã họp thông qua nội dung quy hoạch với 25/25 phiếu thông qua. Báo cáo thẩm định đã được Chủ tịch Hội đồng phê duyệt. Cơ quan lập quy hoạch đã hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ GTVT, trong thời kỳ 2021-2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, với 28 cảng hàng không  bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Như vậy, trong 10 năm tới, có thêm 6 sân bay mới được quy hoạch đầu tư, xây dựng là Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết và Nà Sản.

Cùng đó, Bộ GTVT vẫn kiến nghị duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/2011 để thay thế cho cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn sau năm 2030. Đồng thời nghiên cứu, khảo sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu quy hoạch là trong 10 năm tới, tổng công suất thiết kế hệ thống tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 278 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới trong phạm vi 100km.  

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 vào khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành GTVT.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT kiến nghị hình thành 29 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 15 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo).

Trong giai đoạn này sẽ hình thành cảng hàng không thứ 2 hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội) và một số cảng hàng không, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Tờ trình cũng đề xuất danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2021 trị giá hơn 220.000 tỷ đồng bao gồm việc đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối như: xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga T3 - cảng hàng không  quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất 20 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga T2 - cảng hàng không  quốc tế Nội Bài (nâng công suất lên 15 triệu hành khách/năm), xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 – cảng hàng không quốc tế Nội Bài  về phía Nam của Cảng.

Danh mục cũng bao gồm việc đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo như: Điện Biên, Côn Đảo, Sa Pa, Pleiku; đầu tư xây dựng, mở rộng các cảng hàng không bảo đảm quốc phòng - an ninh như: xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng cảng hàng không Phan Thiết, Thọ Xuân; mở rộng các cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải: Phú Bài, Đồng Hới, Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Liên Khương.

Cùng đó, sẽ đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không  tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo như: Điện Biên, Côn Đảo, Sa Pa, Pleiku,...; đầu tư xây dựng, mở rộng các cảng hàng không  bảo đảm quốc phòng - an ninh như: Xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng cảng hàng không  Phan Thiết, Thọ Xuân; mở rộng các cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải: Phú Bài, Đồng Hới, Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Liên Khương,...

Để thực hiện quy hoạch, Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật (Luật và các Nghị định liên quan) để có thể huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không; xây dựng và ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không.

Đặc biệt, tờ trình nêu rõ sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức PPP, trong đó giao UBND các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ chế phân cấp quản lý các cảng hàng không  để địa phương có thể huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

Tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Trước tình trạng sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, chính phủ đã yêu cầu tạm dừng thi công, tập trung khắc phục việc sạt lở.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Công điện số 1542/CĐ-TTg ngày 7/11/2021 gửi các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; UBND tỉnh Hòa Bình; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc khắc phục sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Toàn cảnh công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh: internet
Toàn cảnh công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh: internet

Theo báo cáo nhanh của EVN - chủ đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, khoảng 3h sáng ngày 06/11/2021 đã xảy ra sạt lở đất tại khu vực thi công hố móng Dự án với khối lượng ước tính khoảng trên 80.000 m3, gây lấp cửa hầm phụ thi công công trình, không gây thiệt hại về người, chưa ảnh hưởng đến an toàn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và các công trình quan trọng trong khu vực.

Để tập trung khắc phục sự cố sạt lở đã xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo đảm an toàn cho các công trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình triển khai ngay các biện pháp phù hợp để xử lý, khắc phục sạt lở, tuyệt đối không để nguy hiểm đến tính mạng người dân trong khu vực; không để xảy ra sạt lở lớn ảnh hưởng đến an toàn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và tượng đài Bác Hồ.

Đồng thời Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc chấp hành tạm dừng thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn của chủ đầu tư và các đơn vị thi công theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc ngày 30/10/ 2021 về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Theo báo cáo của EVN tại buổi làm việc ngày 30/10/2021, công trình xây dựng cấp đặc biệt này được khởi công từ ngày 10/1/2021, là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh, nâng cao khả năng điều tần, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Công trình có công suất thiết kế 480 MW, được xây dựng trong địa phận thành phố Hòa Bình, sử dụng chung hồ chứa đập dâng, đập tràn với công trình Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Cho đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành đắp đê quây thượng lưu, đang triển khai thi công đào hố móng nhà máy, đào hầm phụ phục vụ thi công hầm dẫn nước, đào hố móng cửa nhận nước,..., với tổng khối lượng đào đạt khoảng 1,63 triệu m3/3,55 triệu m3 theo thiết kế,  cơ bản đáp ứng mục tiêu tiến độ đã được phê duyệt.

Về ảnh hưởng của mưa kéo dài từ ngày 10-20/10,theo EVN, tổng lượng mưa tại khu vực đồi Ông Tượng trong thời gian này là 426,8 mm. Mưa kéo dài kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, dẫn tới hiện tượng sạt trượt đất đá tại một số điểm gần hố móng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. EVN nhận định, hiện tượng sạt trượt không ảnh hưởng đến an toàn đập chính của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và các công trình hiện hữu quan trọng xung quanh, không làm thiệt hại đến người, thiết bị thi công, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

EVN và các đơn vị trên công trường cam kết sẽ xử lý hiện tượng sạt trượt do ảnh hưởng mưa lũ để đảm bảo an toàn cho công trường và các công trình quan trọng xung quanh, tiếp tục theo dõi để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tiến độ thi công công trình.

EVN cũng đề xuất một số giải pháp cần thực hiện ngay như: thực hiện thi công xử lý đào, xúc đất đá giảm tải khối sạt, tránh nguy cơ khối sạt lan rộng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia đánh giá cao tiến độ thi công công trình và cho rằng, hiện tượng sạt trượt hiện tại chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập nhưng nếu không được xử lý đúng, kịp thời, có thể ảnh hưởng đến các công trình quan trọng xung quanh.

Ghi nhận các ý kiến, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc sạt lở, dịch chuyển địa tầng địa chất do nhiều nguyên nhân như mưa lớn kéo dài, do yếu tố tự nhiên, nhưng phần nào đó cũng có thể do có ảnh hưởng trong quá trình thi công. Do đó, phải thận trọng, bình tĩnh, nghiên cứu và đánh giá đúng nguyên nhân, không nóng vội trong giải quyết vấn đề bởi thời gian tới sẽ còn phải tiếp tục thi công với khối lượng lớn hơn nhiều lần.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình Thủy điện Hoà Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình; giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, an toàn cho các công trình trong khu vực, đặc biệt là Tượng đài Bác Hồ (trên đồi Ông Tượng). Trong quá trình thi công, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân. Cần rà soát kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của công trình, an toàn hồ đập Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Phó Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của các nhà khoa học và các Bộ, ngành, trước mắt tạm dừng thi công trên công trường để đảm bảo an toàn cho công nhân thi công, thực hiện các giải pháp ngăn nước mưa đổ dồn vào khe nét, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng lại toàn bộ quá trình thiết kế, thi công.

Việc thi công trở lại, cũng được Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình và an toàn tuyệt đối đối với tượng đài Bác Hồ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan của Tỉnh hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư xử lý kịp thời những phát sinh tại công trường bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại công trình cũng như thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.

Đắk Nông thu hút 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Công ty OriVi Highland vừa khởi công dự án nông nghiệp, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng tại Đắk Nông; đây là 1 trong 12 dự án nông nghiệp đăng ký đầu tư vào Đắk Nông.

Công ty Cổ phần OriVi Highland đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao cho sầu riêng, bơ và chanh dây tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).

Nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Nông.
Nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Nông.

Dự án được xây dựng trên quy mô 2,38 ha, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Các hạng mục Dự án sẽ xây dựng gồm: Trung tâm nghiên cứu phát triển các giống cây chất lượng cao; nhà máy chế biến trái cây. Dự kiến, đến tháng 5/2022 Dự án sẽ đi vào hoạt động và sẽ tạo việc làm cho 230 lao động thường xuyên, với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Dự án mang lại thu nhập cho nông dân vùng trồng nguyên liệu từ 300-500 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười cho biết đây là dự án đầu tiên được khởi công tại Đắk Nông sau Chương trình “Khát vọng Đắk Nông” được tổ chức vào ngày 13/10. UBND tỉnh Đắk Nông tin tưởng, sau dự án này sẽ có thêm nhiều nhà máy, dự án khác tiếp tục được doanh nghiệp triển khai thực hiện tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, yêu cầu các sở ngành và địa phương cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để nhà đầu tư kết nối với người nông dân, các hợp tác xã trên địa bàn; hỗ trợ để doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.750 tỷ đồng, trong đó: 12 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 01 dự án thuộc lĩnh vực y tế, 01 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, 01 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 01 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục.  

Tính đến ngày 10/10/2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 384 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (chưa bao gồm các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp). Trong đó có  41 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động; 75 dự án đang triển khai thực hiện nhưng chậm tiến độ so với chủ trương đã được phê duyệt; 77 dự án chấm dứt hoạt động (72 dự án do cơ quan có thẩm quyền chấm dứt vì vi phạm quy định của Luật Đầu tư, 05 dự án do nhà đầu tư đề nghị); còn lại là dự án đang triển khai thực hiện. 

Có đến 2,12 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lĩnh vực bất động sản thu hút 2,12 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng năm 2021.

Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bất động sản  đứng thứ 3 trong danh sách các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau 10 tháng đầu năm, với số tiền 2,12 tỷ USD.

bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2021.
Bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2021.

Trong đó 44 Dự án được cấp mới, giá trị vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD, 17 dự án điều chỉnh từ đầu năm giá trị điều chỉnh tăng gần 116 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 94 thương vụ, đạt gần 912 triệu USD.

Tính lũy kế đến nay, có 978 dự án bất động sản còn hiệu lực giá trị lên đến 61,3 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lũy kế lớn thứ 2 cho đến nay, xếp sau lĩnh vực chế biến chế tạo với  239 tỷ USD.

Mặt khác, ngành bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ. Có hơn 5.900 doanh nghiệp bất động sản ra đời kể từ đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng 13,8%, đạt 1.161 đơn vị. Đây cũng là một trong 3 ngành ghi nhận doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng lên kể từ đầu năm.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng trong Báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2021, mặc dù trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.

Ngân sách sắp thu được tiền thuê đất của hàng chục nghìn kilomet đường truyền tải điện

Hệ thống đường dây truyền tải điện sẽ phải nộp tiền thuê đất nhưng đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng thêm giá bán lẻ điện bình quân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vừa có kết luận về vấn đề thu tiền thuê đất của Hệ thống đường dây truyền tải điện.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý với ý kiến thống nhất của các bộ, ngành, đại biểu tại cuộc họp về việc thu tiền thuê đất của Hệ thống đường dây truyền tải điện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bộ tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan có liên quan đề xuất cụ thể thời điểm bắt đầu thu tiền thuê đất theo quy định của pháp luật, không chậm quá nửa đầu tháng 6 năm 2022.

Bộ Tài chính cũng được giao tổng hợp số liệu (tạm tính) về tiền thuê đất phải nộp theo pháp luật về đất đai của Hệ thống đường dây truyền tải điện hiện có tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo EVN rà soát, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất (tinh giản nhân lực, cải cách thủ tục hành chính,…), thực hành tiết kiệm các khoản chi, tính toán cùng với các yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ, hợp pháp khác để xây dựng Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021-2025 đã bao gồm tiền thuê đất của hệ thống đường dây truyền tải điện đảm bảo nguyên tắc không làm tăng thêm giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ thực hiện việc thu tiền thuê đất được xác định tại mục 1 Thông báo này.

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hành tiết kiệm các khoản chi; giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình xác định, thu, nộp, hạch toán tiền thuê đất của Hệ thống đường dây truyền tải điện bảo đảm tiến độ thực hiện việc thu tiền thuê đất được xác định.

Các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu, nộp, hạch toán tiền thuê đất của Hệ thống đường dây truyền tải điện theo quy định của pháp luật, không để tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng được giao xem xét xử lý, giải quyết những vấn đề cụ thể, theo đúng quy định của pháp luật.

Đề xuất đầu tư 148.492 tỷ đồng xây dựng 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

Chỉ có 4/12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được đầu tư theo hình thức PPP.

Theo thông tin của Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có tờ trình số 11792/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 tháng qua, Bộ GTVT trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 lên Chính phủ.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Phan Thiết.
Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Phan Thiết.

Tại tờ trình số 11792, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề xuất triển khai đầu tư khoảng 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chia thành 12 dự ánthành phần vận hành độc lập.

Trong số này có 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức PPP, gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh -Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang; 8 dự án thành phần còn lại đầu tư công gồm đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ -Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Bộ GTVT kiến nghị thực hiện giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư của Dự án là 148.492 tỷ đồng tỷ đồng, bao gồm vốn nhà nước khoảng 131.217 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 17.275 tỷ đồng.

Đối với phần vốn Nhà nước, giai đoạn 2021 – 2025 cần khoảng 91.851 tỷ đồng (khoảng 70%), phần còn lại khoảng 39.365 tỷ đồng (khoảng 30%) sẽ chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 – 2030.

Phần vốn nhà nước cần bố trí giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 91.851 tỷ đồng) được đề xuất bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khoảng 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu khoảng 44.683 tỷ đồng kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Viến độ thực hiện, Bộ GTVT đề xuất chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm2025.

Đề đảm bảo tính khả thi các dự án thành phần PPP, Bộ GTVT kiến nghị ho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án và kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công.

Trước đó, ngày 22/9/2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 334/TTr-CP trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025   để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Tại Tờ trình số 334/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị trong giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 9 dự án thành phần theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 552 km, 3 dự án thành phần còn lại từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), chiều dài khoảng 177 km, triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo phương án này, sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 124.619 tỷ đồng, bao gồm 61.628 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia Dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bố trí cho Dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác; 62.991 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Khu công nghiệp - Tâm điểm hút vốn FDI vào Quảng Ninh

Nhờ cải thiện tốt môi trường đầu tư, khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế về cơ chế chính sách, hạ tầng, Quảng Ninh đang tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ khi hình thành Khu công nghiệp đầu tiên là Cái Lân vào năm 1997, đến nay, Quảng Ninh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án thứ cấp đạt khoảng 7,4 tỷ USD. Trong đó, lượng vốn FDI chiếm 56,5%, tương đương 4,18 tỷ USD. Con số này được đánh giá là còn khiêm tốn với địa phương có tiềm năng lớn như Quảng Ninh.

Trong năm 2021, Jinko Sola đã đầu tư liên tiếp 2 Dự án vào Khu công nghiệp Sông Khoai, với tổng vốn hơn 865 triệu USD.
Trong năm 2021, Jinko Sola đã đầu tư liên tiếp 2 dự án vào Khu công nghiệp Sông Khoai, với tổng vốn hơn 865 triệu USD.

Nguyên nhân được nhìn nhận là do trong thời gian dài, Quảng Ninh chỉ chú trọng khai thác những tài nguyên sẵn có như khoáng sản, du lịch. Các yếu tố nguồn lực bên ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ít được cải thiện, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và tính kết nối kém đã khiến Quảng Ninh chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2012, môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh đã được cải thiện mạnh. Tỉnh đã được các nhà đầu tư ngoại để ý đến. Đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn Texhong với 2 dự án đầu tư có tổng vốn trên 500 triệu USD là Nhà máy sản xuất sợi Texhong Ngân Long (giai đoạn I) tại Khu công nghiệp Hải Yên (TP. Móng Cái) và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (giai đoạn I) tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà. Hiện tại đã có 11 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đang được triển khai tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, với tổng số vốn đầu tư được đăng ký trên 727 triệu USD.

Tháng 3/2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Thái Lan, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai, có quy mô 714 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 155,5 triệu USD cho Amata.

“Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây dựng một khu đô thị, công nghiệp sinh thái hiện đại và phát triển bền vững tại Quảng Ninh”, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam khẳng định.

Nhà đầu tư Khu công nghiệp DEEP C đến từ Bỉ cũng đã cùng các đối tác đầu tư 2 dự án hạ tầng gồm Khu công nghiệp Nam Tiền Phong 369,8 ha và Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong 1.192,9 ha (thuộc Khu công nghiệp - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc, nằm trong Khu kinh tế Quảng Yên).

Việc các khu công nghiệp được phát triển bởi những nhà đầu tư hạ tầng uy tín đã góp phần giúp Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án thứ cấp chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Điển hình, trong tháng 3/2021, Công ty Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng hàng đầu thế giới đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) để triển khai dự án tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam. Chưa đầy 6 tháng sau, doanh nghiệp này đã được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thứ hai là Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, với số vốn hơn 365 triệu USD. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ có doanh thu bình quân năm hơn 25.654 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 461,3 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm cho 2.188 lao động địa phương.

Trước đó, Foxconn, tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho các “ông lớn” công nghệ như Apple, Motorola, Nokia và HP…, đã đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên). Cuối năm 2020, sau 1 năm triển khai đầu tư, dự án đã cho ra mắt lô sản phẩm đầu tiên.

Động thái mới đây nhất của Tập đoàn Amata khi cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản (Tập đoàn Marubeni) và Hàn Quốc (Tập đoàn GS E&C) làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để phát triển quỹ đất công nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao đã cho thấy sức hút đối với dòng vốn FDI của Quảng Ninh ngày càng tăng.

Trong 9 tháng năm 2021, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh (trừ Khu Kinh tế Vân Đồn) vẫn có sự tăng trưởng tốt, đạt 40.350 tỷ đồng, tương đương hơn 1,75 tỷ USD, bằng 139% kế hoạch thu hút vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó vốn FDI đạt hơn 1,068 tỷ USD.

Quảng Ninh xúc tiến thu hút dòng vốn đầu tư từ Đài Loan

Ngày 9/11, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đài Loan vào Quảng Ninh được thực hiện bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại UBND tỉnh Quảng Ninh.

Sự kiện do UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đồng tổ chức, có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan bằng hình thức trực tuyến.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị là một hoạt động trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 của Quảng Ninh nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến, thu hút các Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Tại Hội nghị, các nhà đầu tư đã có những chia sẻ cảm nhận, đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và Quảng Ninh; đồng thời được thông tin về những tiềm năng và cơ hội đầu tư của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; ….

Là một trong những nhà đầu tư đến Đài Loan từ năm 2019, ông Lee Min Ho, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Trọng Vỹ cho biết: “Quảng Ninh là địa phương có môi trường đầu tư rất tốt. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn sâu sát cùng nhà đầu tư khi chúng tôi thực hiện các thủ tục đầu tư, cũng như triển khai xây dựng các Dự án”.

Từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Trọng Vỹ đã đầu tư 5 dự án tại Quảng Ninh (KCN Hải Yên 2 dự án dệt may với tổng vốn 57 triệu USD; KCN Việt Hưng 3 dự án, gồm 2 dự án dệt may và 1 dự án điện tử với tổng vốn 70 triệu USD).

Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ: Đánh giá chung của nhà đầu tư Đài Loan về Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng là rất tốt. Hiện Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng giao thông rất tốt. Và Quảng Ninh không chỉ có hạ tầng cứng đồng bộ và hạ tầng mềm cũng rất phát triển.

Hiện của các nhà đầu tư Đài Loan  đã có trên 2.800 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt trên 35 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư Đài Loan vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi tiếp tục đăng ký đầu tư trên 1,1 tỷ USD.

Tại Quảng Ninh, hiện số lượng dự án của nhà đầu tư Đài Loan chưa lớn (với khoảng 10 dự án, tương ứng 138,48 triệu USD, thuộc các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may...). Trong đó, có một số nhà đầu tư uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế đã đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn Vỹ Trọng...

Với hệ thống 16 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 2 khu kinh tế ven biển có tổng diện tích 377.670 ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch, trong đó có 08/10 khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng của các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có các nhà đầu tư Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

AFD cho vay ưu đãi không bảo lãnh 70 triệu Euro để mở rộng Thủy điện Hòa Bình

Khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro, tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư của Dự án.

Ngày 10/11/2021 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tổ chức Lễ ký kết Thoả ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro cho Dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.

Dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu EUR (tương đương 1.900 tỷ đồng) từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và số còn lại vay từ ngân hàng thương mại trong nước.

Ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết, tiếp nối những thành công trong những năm gần đây trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, AFD và EVN quyết định mở rộng hợp tác đối với dự án trọng điểm chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Việc ký kết này, phù hợp với những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26, chứng tỏ sự tin tưởng mà EVN dành cho AFD, đồng thời đánh dấu tham vọng của EVN trong việc phát triển năng lượng bền vững phù hợp với chiến lược "100% Thỏa thuận Paris" của AFD tại Việt Nam. 

Phát biểu tại Lễ ký, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV cho biết, dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN. Qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Bắc Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của EVN và Ban Quản lý dự án Điện 1, việc tổ chức đấu thầu Dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng qua mạng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện 02 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu đối với công tác lựa chọn nhà thầu.

EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Điện 1 phối hợp liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị tổ chức khởi công công trình và thi công đê quai hoàn thành trước giai đoạn tích nước của hồ chứa Hòa Bình hiện hữu; đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường - xã hội trong quá trình triển khai xây dựng dự án.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ mang lại các hiệu quả như sau: tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 495 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hoá thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra khi đưa vào vận hành, Dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Đề xuất đầu tư 9.600 tỷ đồng xây tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến đường bộ tốc độ cao Bắc Kạn – Cao Bằng dài khoảng 90 km sẽ được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng.

Một đoạn Quốc lộ 3 qua đèo Cao Bắc.
Một đoạn Quốc lộ 3 qua đèo Cao Bắc.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết được sự thống nhất của UBND 2 tỉnh (Bắc Kạn và Cao Bằng), theo đó giao cho UBND tỉnh Bắc Kạn làm đầu mối và đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư tuyến đường nối tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng theo quy định.

Ngày 18/10/2021, UBND hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã có công văn số 6968/UBND-GTCNXD gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, đánh giá sơ bộ thì để đầu tư tuyến đường đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 có tổng mức đầu tư lớn, khó triển khai được Dự án trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, trước mắt để đầu tư đồng bộ quy mô với tuyến đường Quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, đảm bảo liên kết phát triển kinh tế vùng và thu hút đầu tư của các địa phương có tuyến đường đi qua, đảm bảo tính khả thi dự án, UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị xem xét bố trí từ gói kích cầu để thực hiện ngay Dự án tuyến đường tốc độ cao nối tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Dự án có cấp đường là đường cấp III đồng bằng; tổng chiều dài tuyến khoảng 90km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.600 tỷ đồng (Trong đó: Chi phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 9.000 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 600 tỷ đồng bố trí từ nguồn ngân sách các địa phương).

Hướng tuyến chủ yếu bám theo tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT 07) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021) nhằm có thể tận dụng đưa lên thành đường cao tốc sau năm 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, tuyến Quốc lộ 3 mới đoạn từ thành phố Thái Nguyên đến thành phố Bắc Kạn dài khoảng 67km đạt quy mô đường cấp III đồng bằng.

Tuy nhiên việc lưu thông qua đoạn tuyến Quốc lộ 3 từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng dài khoảng 120km còn gặp nhiều khó khăn do đoạn tuyến hiện đang là đường cấp IV miền núi (có châm chước nhiều yếu tố thiết kế) với điều kiện địa hình phức tạp, khó khăn, hướng tuyến quanh co, một bên là núi cao, một bên vực sâu, nhiều bán kính nhỏ, hệ thống cầu có tải trọng khai thác thấp làm hạn chế khả năng lưu thông của tuyến đường qua các khu đông dân cư và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; không đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Sẽ có cơ chế đặc thù để huy động vốn tư nhân phát triển đường thủy nội địa

Chi phí vận tải hàng hóa sẽ giảm đáng nếu thực hiện đúng Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức vào chiều nay.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch quốc gia thứ 4 trong lĩnh vực GTVT được phê duyệt trong vòng 2 tháng qua.

Tàu vận chuyển hàng hóa từ Cảng thủy nội địa Terminal Cát Lái Giang Nam đi Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Phạm Hà
Tàu vận chuyển hàng hóa từ Cảng thủy nội địa Terminal Cát Lái Giang Nam đi Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Phạm Hà

Quá trình xây dựng các quy hoạch chính là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận các tiềm năng phát triển của các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đường thủy nội địa.

“Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có là nền tảng pháp lý quan trọng để Bộ GTVT đẩy mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, tư lệnh ngành GTVT cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hành lang vận tải ven biển Bắc - Nam là hành lang vận tải hàng hóa quan trọng của đất nước. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để vận chuyển hành khách, còn vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam được tập trung vào tuyến đường sắt hiện hữu và tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam hiện nay.

 “Tôi đề nghị chính quyền các địa phương trên tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang tiếp tục quan tâm đến hành lang vận tải này, thông qua việc khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp vận tải, tham gia đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

Được biết, tại Quyết định số 1829, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa sẽ đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng, Chính phủ đặt mục tiêu cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng, tập trung đầu tư cho luồng tuyến; vốn ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác khoảng 128.614 tỷ đồng sẽ được huy động để đầu tư cho cảng bến.

Để đạt được các mục tiêu quy hoạch, trong giai đoạn đến 2025 sẽ tập trung đầu tư các dự án giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến chính: cải tạo tĩnh không cầu Đuống trên hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; kênh nối Đáy - Ninh Cơ; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia trọng yếu; đầu tư các cảng thuỷ nội địa, gắn với các trung tâm logistics, cảng cạn.

Trong giai đoạn từ 2026 – 2030, quy hoạch đặt mục tiêu đầu tư các dự án gồm: nâng cấp các tuyến vận tải thuỷ nội địa chính trên toàn quốc; cơ bản hoàn thành việc cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đầu tư các cảng thuỷ nội địa trên toàn quốc.

“Bộ GTVT sẽ sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển theo quy hoạch, trong đó có kế hoạch đầu tư công để nâng cấp các cầu, luồng tuyến… với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; cũng như tham mưu cơ chế, chính sách thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng thủy, mua sắm phương tiện thủy hiện đại, phương tiện bốc dỡ hàng hóa chuyên dùng”, người đứng đầu ngành GTVT cho biết.

Thừa Thiên Huế thành lập mới 3 khu công nghiệp

Tổng vốn đầu tư 3 khu công nghiệp vừa được thành lập mới là hơn 2.950 tỷ đồng, với tổng diện tích lên đến 584,32ha.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có các quyết định về việc thành lập 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1 và Khu công nghiệp Gilimex tại thị xã Hương Thủy; Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1 tại thị xã Hương Trà.

Ba khu công nghiệp mới được thành lập được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều dư địa trong thu hút đầu tư các Dự án sản xuất kinh doanh cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Ảnh: KCN Phú Bài.
Ba khu công nghiệp mới được thành lập được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều dư địa trong thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Ảnh: KCN Phú Bài.

Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế có quy mô diện tích khoảng 85,87 ha; địa điểm thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu công nghiệp có vị trí phía Bắc giáp đường tránh phía Tây thành phố Huế, phía Nam giáp quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV đợt 2; phía Tây giáp sông Phú Bài và đường dân sinh nối ra tỉnh lộ 15, phía Đông giáp khu dân cư xã Thuỷ Phù.

Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1 là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư dự án là 127,494 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của khu công nghiệp là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, việc tổ chức và hoạt động của khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1 được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp có trách nhiệm tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt và quy định của pháp luật liên quan.

Khu công nghiệp thứ hai được thành lập đợt này là Khu công nghiệp Gilimex, cũng thuộc địa bàn thị xã Hương Thuỷ. Khu công nghiệp Gilimex được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2021. Dự án có địa điểm thuộc quy hoạch KCN Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu công nghiệp Gilimex có quy mô khoảng 460,85 ha. Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex. Tổng vốn đầu tư của khu công nghiệp này khoảng 2.614 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của khu công nghiệp là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Khu công nghiệp thứ 3 là Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1, thị xã Hương Trà. Địa điểm thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Tứ Hạ, có vị trí phía Bắc giáp lô A-01, A-02, A-11, A-12 thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Tứ Hạ; phía Nam giáp trục đường đi xã Hương Văn, thị xã Hương Trà; phía Đông giáp đường phía Tây thành phố Huế; phía Tây giáp lô B-01, B-03, CX-02 thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Tứ Hạ.

Quy mô diện tích Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1 vào  khoảng 37,6 ha. Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam. Tổng vốn đầu tư khu công nghiệp khoảng 210 tỷ đồng đồng. Thời hạn hoạt động của khu công nghiệp là 50 năm, kể từ được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.

Mô hình tăng trưởng chữ U và kỳ vọng vượt lên năm 2022

Theo mô hình tăng trưởng chữ U, kinh tế đang tăng trưởng cao, rồi xuống “đáy” và trong tình trạng này khoảng 2 năm, sau đó vượt lên trong những năm tiếp theo.

Với mô hình trên, hy vọng, kinh tế Việt Nam sẽ vượt lên trong năm 2022. 

Kinh tế tăng trưởng trên 7% đã đạt được trong 2018, 2019. Nhưng do đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP rơi xuống đáy vào năm 2020. Sang năm 2021, Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Tăng trưởng GDP quý III giảm sâu (6,17%) và tính chung 9 tháng chỉ đạt 1,42% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số 3-3,5%. ngân hàng Thế giới (WB) dự báo ở mức thấp hơn, chỉ tăng 2-2,5%...

Dù dự báo theo kịch bản nào, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 cũng là năm thứ hai bị rơi xuống “đáy”.

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ, xuất phát từ nhiều điểm. Mục tiêu thời kỳ 2021-2025 tăng bình quân 6,5-7%/năm, để đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, dự báo năm 2021 đạt rất thấp, nên càng phải quyết tâm cao.

Theo dự báo của WB, tốc độ tăng GDP năm 2022 của ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) là 5,8% so với mức 2,9% của năm 2021.

Tuy nhiên, chỉ tiêu còn phải có tính khả thi. Tính khả thi xuất phát từ các yếu tố có thể cản trở sự bật tăng của tăng trưởng kinh tế… Yếu tố quan trọng của khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội là đại dịch Covid-19 phải được kiểm soát tốt hơn, nhất là ở các trung tâm công nghiệp, có đông người lao động. Sau 2 năm bị đại dịch, nhiều nguồn lực bị bào mòn sẽ cản trở mức bật tăng cao trong năm tới.

Tốc độ tăng năng suất lao động có vai trò quan trọng nhất. Tốc độ tăng năng suất lao động thuộc loại cao, có phần quan trọng do thực hiện cơ chế thị trường làm cho việc chuyển dịch lao động từ những vùng, ngành có năng suất lao động thấp sang vùng, ngành có năng suất lao động cao hơn.

Tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP theo chỉ tiêu năm 2022 là 45% không phải là cao, do từ vài năm nay đã gần đạt mức này. Tuy nhiên, yếu tố làm tăng tỷ trọng đóng góp của TFP chủ yếu là từ khoa học - công nghệ, nên cần quan tâm nhiều hơn.

Chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2022 là 32-34%. Tỷ lệ này của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2013 đến năm 2020 và trong 9 tháng năm 2021 là 31,2% (tính trên GDP đánh giá lại). Với việc đẩy mạnh đầu tư công, với việc đưa một lượng vốn “cấp bù lãi suất” khoảng 30.000 tỷ đồng, kéo theo khoảng 100.000 tỷ đồng và nhiều khoản hỗ trợ khác, thì khả năng có thể đạt được chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả đầu tư, khi hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) năm 2020 lên quá cao (14,28, tức là để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư tới 14,28 đồng vốn).

Số doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1,5 triệu là chỉ tiêu quá cao. Nếu cộng đơn giản, số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối năm 2015 (442.500 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 2016 đến năm 2020 (641.300 doanh nghiệp), thì đến cuối năm 2020 đạt 1.083.800 doanh nghiệp. Nhưng thực tế, chỉ có 811.540 doanh nghiệp, do có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường là 129.100 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 48.500, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 35.000 doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục giải thể 13.600 (tổng cộng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường là 97.100 doanh nghiệp). Như vậy, số doanh nghiệp đang hoạt động tăng trong 10 tháng 2021 là 31.960 doanh nghiệp và tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối tháng 10/2021 là 843.500 doanh nghiệp - thấp xa so với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động đến năm 2021.

Người đứng đầu ngành giáo dục nhận trách nhiệm về dự án Làng Đại học Đà Nẵng treo 23 năm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hứa sẽ làm việc với Đại học Đà Nẵng về dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã treo 23 năm để có giải pháp.

Trước đó, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về Dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Dự án này được Chính phủ quy hoạch từ năm 1997 trên địa phận Quảng Nam và Đà Nẵng, với tổng diện tích gần 300 ha, đến nay đã treo 23 năm, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân trong vùng dự án. Người dân không được thực hiện các quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam)
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam)

“Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện dự án Làng đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng có nhận thấy trách nhiệm của mình khi dự án này treo suốt 23 năm?”, đại biểu Dương Văn Phước chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Hiện nay, sự chậm trễ của Bộ trưởng đang làm cho người dân trong vùng dự án tiếp tục hứng chịu những khó khăn do chính dự án này gây ra.

Ông Phước đặt câu hỏi: Đến khi nào Bộ trưởng mới triển khai dự án này để trả lại các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân trong vùng dự án, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân?

Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đây là một vấn đề rất chuyên sâu của một dự án. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch sẽ làm việc với Đại học Đà Nẵng về chuyên sâu việc này.

“Chắc chắn thuộc trách nhiệm của người đứng đầu bộ, để một dự án lâu, việc đầu tư không hiệu quả, ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của giáo dục, chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp”, Bộ trưởng trả lời.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Sơn cũng giải trình, có những việc gì thuộc về chính quyền thì phải phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng cũng như các đơn vị.

“Nhưng đây là một chuyên đề, chúng tôi sẽ lưu ý và thực hiện trong thời gian sắp tới”, người đứng đầu ngành giáo dục  cam kết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định điều chỉnh Dự án đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3

Trước đó Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8219/VPCP-CN về thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, thành phố Hà Nội.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, thành phố Hà Nội; trong đó có báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 21/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Mục tiêu đầu tư của dự án là hình thành tuyến đường theo quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt, giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía nam, đông nam trung tâm Thành phố. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020-2022.

Giải ngân vốn đầu tư chậm không thể “đổ cho pháp luật” mà nằm ở khâu thực thi

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm khi giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: vấn đề nằm ở các địa phương và khâu thực thi.

Ngoài nội dung về Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công chậm, nguyên nhân và trách nhiệm, cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ngoài các nguyên nhân được nhắc đến lâu nay, là công tác chuẩn bị Dự án rất kém, chất lượng không cao, giải phóng mặt bằng chậm, mà đây là “câu chuyện muôn thuở”, nếu các quy định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để thì cũng không giải quyết được…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng  đã nhấn mạnh cũng nguyên nhân riêng khác của năm 2021.

Đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; chuyện nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; thiếu nhân công. Hơn nữa, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm còn bận rộn việc tổ chức Đại hội Đảng cũng như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…

“Nhưng khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn là khâu chính”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Ông cũng “xin thưa với Quốc hội” rằng, toàn bộ các vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã được phân cấp cho các bộ ngành, địa phương. Ngay cả việc phê duyệt, giao vốn chi tiết, điều chỉnh kế hoạch cũng đang phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.

“Như vậy, bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay chỉ còn có 3 chức năng chính, đó là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để điều hành trong kế hoạch hàng năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về phân bổ vốn, đến nay, theo Bộ trưởng, sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng chỉ giao vốn một lần theo một cục, một khoản cho các bộ, ngành, địa phương và giao ngay từ trước ngày 30/11 của năm trước.

“Còn tất cả việc giao chi tiết, triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị dự án, tất cả các thủ tục là bộ, ngành, địa phương hết”, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.

Ông cũng “xin nói lại một lần nữa cho thật rõ” vấn đề này để “xem nó nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai”.

“Hôm nay, tôi có danh sách của 63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân, trong đó có khoảng 30 tỉnh, thành phố đến hết tháng 10 giải ngân dưới 60%. Nếu đại biểu nào cần làm rõ hơn tại sao ở các địa phương lại chưa giải ngân được, thì các đồng chí, các vị đại biểu Quốc hội cũng như các đoàn đại biểu Quốc hội ở đây trả lời giúp cho chúng tôi những vấn đề đó, thật sự là nó nằm ở địa phương và nằm ở các khâu đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông khẳng định: “Những gì thuộc trách nhiệm của Trung ương, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi trên tinh thần cầu thị, đã phân cấp triệt để và chỉ làm những công tác quản lý nhà nước như vậy thôi”.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng bày tỏ sự nhất trí với ý kiến là của Bộ trưởng là “do khâu tổ chức thực hiện là chính”. Từ xây dựng kế hoạch không sát, thậm chí không phải từ nhu cầu thực tế của địa phương, thậm chí có chuyện tư duy nhiệm kỳ...

“Nhưng chuyện này đã tồn tại nhiều năm, vậy với vai trò, trách nhiệm của bộ gác cửa giúp cho Chính phủ tham mưu về lĩnh vực này, thì giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói và cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ cũng như của Bộ trưởng về vấn đề này.

Tiếp lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng “có phát biểu giải trình thêm”.

“Ta nhớ lại năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ kỷ lục là 98%. Thể chế của năm 2021 thì phải tiến bộ hơn năm 2020. Vì sao trong một thể chế, pháp luật như nhau mà lại có đơn vị giải ngân cao, có đơn vị giải ngân thấp”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói và đặt câu hỏi, nguyên nhân khách quan, chủ quan và nguyên nhân cốt lõi của nó là gì? Bây giờ chúng ta phải đột phá vào đâu? Và giải quyết thế nào?

“Vấn đề hiện nay không phải là vấn đề luật pháp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ như vậy.

Ông khẳng định, tất cả các vấn đề về thể chế, luật pháp của đầu tư công đến nay là “rất rõ ràng, rất đầy đủ và trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương”.

“Không còn một vấn đề gì phải lên đến Trung ương cả. Ngay bản thân bộ chúng tôi quản lý tổng hợp chung và giúp cho Chính phủ, Quốc hội quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, trên hệ thống chứ không gặp nhau, không có giấy tờ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, tất cả các bộ, ngành, địa phương khi lập kế hoạch xong đưa vào máy, đưa lên hệ thống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát được ngay, thấy đúng thì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; thấy không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại.

“Như vậy đã rất thông thoáng, rất thuận lợi cho các địa phương. Bây giờ nó nằm ở đâu thì như tôi đã nói, chắc chắn là phải nằm ở tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định.

Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là tại sao cùng một thể chế, mà có những tỉnh hiện nay đã giải ngân hơn 100% vốn, còn vượt cả số được giao, còn phải ứng thêm vốn, nhưng có những tỉnh hiện nay mới có 18%, cả nước là 55,8% - cũng rất là thấp, cả năm cũng chỉ đạt khoảng 80-85%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Sắp tới các bộ ngành, địa phương, phải nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc thì mới giải quyết được vấn đề”.

Theo Bộ trưởng, bây giờ không thể “đổ cho pháp luật” được nữa, bởi hiện nay, pháp luật “không còn vấn đề gì”. Tuy vậy, Bộ trưởng cho biết, cũng sẽ tiếp tục rà soát một lần nữa, để nếu cần thiết, sẽ sửa đổi, bổ sung vào tháng 12 tới.

Chỉ đạo mới của Chính phủ về Dự án PPP mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình

UBND tỉnh Hòa Bình sẽ phải thống nhất với Bộ GTVT, UBND Tp Hà Nội về việc giao địa phương đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn NSNN.

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại công văn số 8220/VPCP – CN vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình về việc mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn NSNN.

Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.
Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu.

Về chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức PPP và giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện Dự án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ; thống nhất với GTVT và UBND Tp Hà Nội về các nội dung liên quan theo đúng quy định của pháp luật của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Về đề nghị giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (Dự án giai đoạn I), Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện để chuyển giao thẩm quyền đối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Hòa Bình; thủ tục, trình tự chuyển giao thẩm quyền quản lý và ký kết hợp đồng với Nhà đầu tư.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng sẽ phải thỏa thuận thống nhất giữa Bộ GTVT và Nhà đầu tư Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu về việc chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ký hợp đồng với Nhà đầu tư.

Liên quan đến cơ chế mua lại Dự án BOT hiện hữu, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư và các bên có liên quan, trong đó các tổ chức tín dụng liên quan; căn cứ các quy định tại hợp đồng Dự án giai đoạn I và quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, có cơ chế xử lý Hợp đồng BOT đang thực hiện, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả đầu tư và hài hoà lợi ích các bên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được biết, tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021, đối với việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và giao cho tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và giao UBND tỉnh Hòa Bình là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ GTVT rà soát, thống nhất về nhu cầu đầu tư, quy mô đầu tư và phương án đầu tư, phương án tài chính chặt chẽ, phù hợp, đảm bảo tính khả thi và không xung đột với dự án giai đoạn I đã được đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, Thông báo số 18 nêu rõ.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Tờ trình số 163/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tại tờ trình này, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng giao cho tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình nhằm tạo điều kiện tỉnh Hòa Bình có căn cứ mua lại Dự án để tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có dài toàn tuyến khoảng 23,4km, trong đó đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.

Dự án sẽ mở rộng tuyến đường hiện hữu từ 2 làn xe với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.

Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 8.168,544 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay là 392,248 tỷ đồng); phần vốn thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP là 3.888, 148 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay); phần vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước là 3.888.148 tỷ đồng.

Thời gian thu hồi vốn của Dự án dự kiến khoảng 24 năm, thời gian thực hiện đầu tư xây dựng là từ năm 2022 - 2027.

Tây Ninh muốn đầu tư sớm cao tốc Gò Dầu - Tây Ninh trị giá 5.149 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, trong đó giai đoạn I đầu tư từ Gò Dầu đến TP. Tây Ninh sẽ sớm được đầu tư theo phương thức PPP.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tỉnh này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn Gò Dầu đến TP. Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030).

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT.32), chiều dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh, kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (tuyến đang được TP.HCM và tỉnh Tây Ninh phối hợp thực hiện, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2025).

Tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối Tây Ninh (các khu vực TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên) và các cửa khẩu phía Bắc của tỉnh Tây Ninh (bao gồm 2 cửa khẩu quốc tế: Xa Mát, Tân Nam, 2 cửa khẩu chính: Chàng Riệc, Kà Tum và nhiều cửa khẩu phụ) với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Được biết, theo Quy định tại Khoản 3, Điều 5 Luật PPP “Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền”.

Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn I có điểm đầu giao với đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tại khoảng Km38+800 thuộc xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu; điểm cuối khoảng Km27+820 giao với đường 781, thuộc địa phận xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Tổng chiều dài nghiên cứu của tuyến khoảng 27,82 km. Tuyến đi qua địa phận các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Hoà Thành. Quy mô đầu tư mặt cắt ngang giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 5.159 tỷ đồng. Trong đó, phân theo chi phí, gồm có: Chi phí xây dựng, thiết bị 3.057 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng 367 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.062 tỷ đồng; chi phí dự phòng 673 tỷ đồng.

Phân theo cơ cấu nguồn vốn và trách nhiệm chi trả từ nguồn ngân sách địa phương: Nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT là 2.609 tỷ đồng (chiếm 51%), bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư theo quy định. Nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện là 2.550 tỷ đồng (chiếm 49%). Phương án huy động vốn dự kiến lấy từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.

Bộ GTVT thúc tiến độ huy động vốn cho cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Liên danh nhà đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt theo hình thức PPP sẽ phải hoàn tất việc huy động vốn trong vài ngày tới.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng – doanh nghiệp dự án Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt theo hình thức PPP báo cáo về tiến độ huy động vốn.

Các nhà thầu chuẩn bị các phương tiện tham dự lễ khởi công Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt hôm 22/5 (Ảnh: Đức Ngọc - NLD).
Các nhà thầu chuẩn bị các phương tiện tham dự lễ khởi công Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt hôm 22/5 (Ảnh: Đức Ngọc - NLD).

Theo đó, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Phúc Hưng khẩn trương báo cáo Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 6 về kết quả huy động nguồn vốn vay để triển khai đầu tư Dự án theo đúng Hợp đồng dự án đã ký kết; trong đó lưu ý gửi kèm theo đầy đủ tài liệu cần thiết để xác thực việc huy động vốn đáp ứng yêu cầu về mức vốn vay, điều kiện giải ngân theo quy định của Hợp đồng.

“Ban Quản lý dự án 6 thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khẩn trương rà soát các quy định của Hợp đồng, đánh giá kết quả thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 13/11/2021, trong đó nêu rõ phương thức xử lý đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và nội dung Hợp đồng đã ký kết”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài hơn 49km, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Trên tuyến còn đầu tư 1 hầm đường bộ qua núi Thần Vũ có chiều dài khoảng 1.100m và một số công trình cầu lớn, đặc biệt cầu Hưng Đức với chiều dài hơn 4km.

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 11.157 tỉ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư hơn 6.067 tỉ đồng, nguồn vốn huy động hơn 5.090 tỉ đồng.

Bộ GTVT) đã ký kết Hợp đồng số 02/HĐ-BGTVT ngày 13/5/2021 với nhà đầu tư (Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng Vina2) và doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng) để triển khai đầu tư Dự án.

Theo quy định tại khoản 9.2 Điều Hợp đồng dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm ký kết hợp đồng vay vốn với bên cho vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để huy động phần vốn vay (4.067 tỷ đồng) thực hiện Dự án.

Trong vòng 6 tháng kể từ ngày Hợp đồng dự án được ký kết, trường hợp nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng vay vốn đáp ứng yêu cầu về mức vốn vay, điều kiện giải ngân theo quy định để giải ngân vốn cho Dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Cuối năm 2021 sẽ hoàn thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Đây là thông tin được Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ của Quốc hội vào sáng nay.

Liên quan đến việc giải ngân các Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, bộ này đã giải ngân gần 61% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, cao hơn bình quân cả nước khoảng 20%.

Bộ GTVT coi nhiệm vụ giải ngân các dự án trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn ngành GTVT, trong đó tập trung vào 2 công trình quan trọng quốc gia là Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, vào cuối năm nay 2/3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn; riêng Dự án cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất phức tạp về kỹ thuật sẽ được hoàn thành vào năm 2023 và hiện đã đạt khoảng 70% giá trị sản lượng.

 “Đến thời điểm này, tiến độ 3 dự án đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo Nghị quyết 52/2017 sẽ đảm bảo hoàn thành đúng yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Đối với 8 dự án thành phần còn lại, theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Bộ GTVT sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng gặp nhiều khó khăn nên sau đó buộc phải chuyển sang đấu thầu trong nước.

Tuy nhiên, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà đầu tư tài chính lớn ít quan tâm đến Dự án, chủ yếu là các nhà thầu tham gia đấu thầu làm nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn việc thi công dẫn tới khó khăn về năng lực tài chính.

Đến đầu năm 2020, trong bối cảnh các dự án đầu tư theo hình hình thức PPP đang gặp khó khăn trong việc tuyển chọn nhà đầu tư, lại cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chuyển một số dự án đang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 về việc chuyển hình thức đầu tư 3 dự án từ PPP sang hình thức đầu tư công, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết Dầu Giây và cho phép hoàn thành 3 dự án thành phần này vào năm 2022.

Đối với các dự án được chuyển đổi, Tư lệnh ngành GTVT, đến nay, sản lượng thi công đã đạt khoảng 20 - 35%. Sau khi được Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ GTVT sẽ tập trung tiến độ để hoàn thành 3 dự án này vào cuối năm 2022.

Vào tháng 2/2021, do tình hình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của 5 dự án thành phần còn lại bằng hình thức PPP gặp nhiều khó khăn, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1213 chuyển đổi hình thức đầu tư của hai dự án (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu) từ PPP sang đầu tư công và cho phép Bộ GTVT hoàn thành hai dự án này vào cuối năm 2023.

“Đến thời điểm này, cả hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đều đã triển khai thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đã đạt được khoảng 2 - 5%. Bộ GTVT đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành 2 công trình này vào cuối năm 2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết  của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay chỉ còn 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo người đứng đầu ngành GTVT, hiện cả ba dự án này đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng do các ngân hàng thương mại thắt chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Từ tháng 5 - 7/2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư của 3 dự án. Theo quy định của hợp đồng, các nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp vốn. Đến thời điểm này, một số dự án sắp đến hết hạn 6 tháng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức làm việc để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và làm việc với các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư nhưng các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp huy động thêm nguồn lực hoặc các loại hình khác.

“Hiện nay, Bộ GTVT rất tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để làm sao nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nhà đầu tư hết sức quyết tâm bởi vì chúng ta cố gắng hoàn thành 3 dự án này theo yêu cầu của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm thu xếp vốn tín dụng cho 3 dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Có đến 2,12 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lĩnh vực bất động sản thu hút 2,12 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư