Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Đề xuất đầu tư 9.045 tỷ đồng di dời ga đường sắt Đà Nẵng; 1.458 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 15D
Hạnh Nguyên - 11/08/2024 09:00
 
Đề xuất đầu tư 9.045 tỷ đồng cho Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; Đề xuất đầu tư 1.458 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15D qua Quảng Trị… là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

PepsiCo Foods khởi công nhà máy 90 triệu USD tại Hà Nam

Ngày 3/8, Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Foods Việt Nam) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm hiện đại tại tỉnh Hà Nam.

Dự án có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, tổng diện tích 8 ha, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu, triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển bền vững của PepsiCo.

Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 8 ha tại khu công nghiệp Đồng Văn I (tỉnh Hà Nam), với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD.

Cụ thể, nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm mái nhà được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống sinh khối tận dụng chất thải nông nghiệp địa phương để sản xuất điện. Nguồn năng lượng tái tạo này dự kiến đảm bảo đủ cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Nhờ vậy, PepsiCo Foods giảm thiểu đáng kể lượng khí thải carbon, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Trả lời Báo điện tử Đầu tư tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí sau lễ khởi công, ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam cho biết, nhà máy dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025 và vận hành từ tháng 7/2025. Nhà máy này sẽ là trung tâm sản xuất của PepsiCo Foods tại Việt Nam, đạt công suất hàng năm hơn 20.000 tấn snack.

Nhà máy cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thông qua tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực sản xuất, logistics, đóng gói và nông nghiệp…, lên tới hơn 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Theo ông Hà, PepsiCo đã có sự chuẩn bị vùng nguyên liệu cung ứng cho hoạt động sản xuất của nhà máy thông qua hợp tác với bà con nông dân tại một số địa phương như Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… Nguyên liệu đầu vào sẽ được công ty bao tiêu với mức giá cố định.

Bên cạnh đó, PepsiCo Foods cũng có đội ngũ kỹ sư nông học hỗ trợ bà con nông dân áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững, thực hiện chiến lược PepsiCo Positive (pep+) toàn cầu, hướng tới đạt 100% nguồn cung bền vững và thúc đẩy nông nghiệp tái tạo vào năm 2030.

Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nam triển khai chương trình "Nâng cao kỹ năng và chất lượng lao động của thanh niên Hà Nam" do Quỹ PepsiCo tài trợ, nhằm trang bị cho thanh niên địa phương các kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và kỹ năng số, đáp ứng yêu cầu của môi trường làm việc công nghiệp hiện đại.

PepsiCo Foods Việt Nam cũng đang hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp địa phương, nông dân, thực hành nông nghiệp tái tạo, cải thiện chất lượng đất, giảm phát thải carbon và tối ưu năng suất cây trồng. Sáng kiến này khẳng định vai trò của PepsiCo Foods trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nông dân tại Hà Nam và các tỉnh khu vực miền Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, đây là sự kiện quan trọng, thể hiện cam kết của PepsiCo Foods và các công ty của Hoa Kỳ tại Việt Nam đối với sự phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực lao động cho người dân, đặc biệt người nông dân Việt Nam.

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, lễ khởi công nhà máy mới của PepsiCo Foods Việt Nam tại Hà Nam sẽ góp phần giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2025. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn tận dụng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai để trồng các loại cây nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để việc xây dựng nhà máy, phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ được thuận lợi, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam và Việt Nam", ông Trương Quốc Huy cho biết.

Quảng Trị đầu tư bệnh viện đa khoa tư nhân 220 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị vừa có báo cáo thẩm định Dự án Bệnh viện đa khoa 245, do Công ty cổ phần Dịch vụ y tế Hoàn Mỹ (Công ty Hoàn Mỹ) đề xuất.

Công ty Hoàn Mỹ nộp hồ sơ đề xuất Dự án Bệnh viện đa khoa 245 lần đầu ngày 5/4/2024, lần thứ hai vào ngày 23/7/2024.

Dự án Bệnh viện đa khoa 245 được đề xuất đầu tư trong Khu đô thị Nam Đông Hà hiện đã được giải phóng mặt bằng
Dự án Bệnh viện đa khoa 245 được đề xuất đầu tư trong Khu đô thị Nam Đông Hà hiện đã được giải phóng mặt bằng

Theo đề xuất, Dự án sẽ xây dựng tại thôn Tân Vĩnh, phường Đông Lương (TP. Đông Hà). Dự án có mục tiêu đầu tư bệnh viện đa khoa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương; nâng cao sức khỏe, thẩm mỹ, cải thiện chất lượng sống và phục vụ y tế cộng đồng…

Dự án có quy mô đề xuất là 1,53 ha, với các hạng mục xây dựng gồm nhà khám bệnh, điều trị, hành chính; nhà dịch vụ; nhà dinh dưỡng; nhà chống nhiễm khuẩn; các hạng mục phụ trợ, cây xanh, cảnh quan; hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, giao thông sân vườn nội bộ.

Công suất thiết kế của Bệnh viện là 150 giường bệnh, với đầy đủ các hạng mục công trình theo tiêu chuẩn. Tổng mức đầu tư dự án là 300 tỷ đồng; trong đó vốn của nhà đầu tư 60 tỷ đồng, vốn vay 240 tỷ đồng.

Về tiến độ, dự kiến từ quý I/2025 đến quý I/2028, sẽ khởi công xây dựng các công trình và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; khu khám bệnh, điều trị, hành chính; khu dịch vụ và các hạng mục phụ trợ... Nghiệm thu, hoàn thành đưa công trình vào khai thác vận hành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, sau khi nhận được hồ sơ đề xuất từ nhà đầu tư, các sở, ngành và địa phương liên quan đã xem xét và có ý kiến thẩm định đề xuất dự án.

Qua thẩm định và rà soát các quy định cho thấy, dự án này thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện khu đất nhà đầu tư đề xuất nằm trong Khu đô thị Nam Đông Hà (giai đoạn III) do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý đã được giải phóng mặt bằng sạch và xây dựng hạ tầng.

Công ty cổ phần Dịch vụ y tế Hoàn Mỹ được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh số 3200268458, do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cấp, đăng ký lần đầu ngày 3/11/2008, đăng ký thay đổi lần 8 ngày 21/7/2023.

Doanh nghiệp có trụ sở chính tại số 245 - đường Hùng Vương, TP. Đông Hà, do ông Đỗ Quang Vinh là người đại diện pháp luật.

Đề xuất phương án tối ưu nâng đời sân bay Côn Đảo

Sự cẩn trọng và bài bản là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 7942/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ GTVT gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan phương án đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.

Sân bay Côn Đảo đã xuống cấp và hiện chỉ đáp ứng các máy bay nhỏ.  Ảnh: A.M

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này được tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không Côn Đảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công, được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1795/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2021.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, xây dựng Đề án Đầu tư khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện.

Trước đó, tại Thông báo số 110/TB- VPCP, ngày 4/4/2023, của Văn phòng Chính phủ về tình hình đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, trong đó giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục (đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga hành khách) của Cảng hàng không Côn Đảo.

Tại Công văn số 7942, Bộ GTVT đã giải thích rõ lý do cơ quan quản lý nhà nước về GTVT lại mất hơn một năm để tìm phương án tối ưu cho việc nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, ngay khi nhận được chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục của Cảng hàng không Côn Đảo, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả các loại tàu bay code C (như A320, A321, B737), bao gồm nội dung rà soát, nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo.

Trong kết quả rà soát bước đầu được thực hiện vào tháng 5/2023, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu.

Để khai thác đầy tải trọng thương mại đối với các dòng tàu bay tầm trung như A321, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo phương án cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía Đông) để đạt chiều dài 2.400 m.

“Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển Cảng hàng không Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính chi phí đầu tư các công trình khu bay khoảng 10.600 tỷ đồng; đầu tư khu hàng không dân dụng khoảng 2.100 tỷ đồng; đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay khoảng 350 tỷ đồng; công trình cơ sở cung cấp xăng dầu hàng không khoảng 150 tỷ đồng”, ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, do địa hình khu vực Cảng hàng không Côn Đảo hạn chế, cùng với điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường, nên để có đầy đủ cơ sở xem xét, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại tàu bay khai thác tối ưu tại Cảng hàng không Côn Đảo.

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT - Aus4Transport, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế để rà soát phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo là ADPi (Pháp).

Được biết, ADPi là một trong những hãng tư vấn hàng đầu thế giới về quy hoạch, khai thác Cảng hàng không, đã tham gia quy hoạch nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.

Trong gần một năm qua, ADPi đã thực hiện khảo sát tại Cảng hàng không Côn Đảo, nghiên cứu kinh nghiệm các cảng hàng không thế giới có cấu hình tương tự, làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam và các đơn vị có liên quan.

Đến tháng 6/2024, ADPi đã có báo cáo cuối cùng và được các đơn vị ngành hàng không đánh giá cao, được các hãng hàng không thống nhất và ủng hộ.

Theo khuyến nghị của ADPi, chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830 m) của Cảng hàng không Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác (A320neo/ceo, B737-7/8, E190/E195), ngoại trừ tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.

Đơn vị tư vấn cũng khuyên các hãng hàng không nên khai thác các loại tàu bay code C cỡ trung bình (như A320ceo/neo, A319, B737-7/8…) để bảo đảm hiệu quả khai thác cao nhất cũng như hiệu quả đầu tư về hạ tầng, tương tự các cảng hàng không trên thế giới nêu trên, bảo đảm khai thác toàn bộ các đường bay nội địa của Việt Nam và có thể khai thác một số đường bay quốc tế tới Đông Nam Á, Bắc Á.

Quảng Ngãi: Dự án cảng cá 460 tỷ đồng “bất động” vì vướng mặt bằng

Dự án cảng cá Tịnh Hòa (Cảng cá Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi) được đầu tư 460 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 400 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng. Dự án có diện tích khoảng 42 ha, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026. Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Cảng cá Tịnh Hòa chật hẹp khiến nhiều ngư dân lo ngại xảy ra cháy nổ tại khu vực neo đậu tàu thuyền.

Mục tiêu quan trọng của dự án là hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và khu vực neo đậu tránh trú bão cấp vùng; nâng cao năng lực cảng cá, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại cảng, tạo động lực phát triển kinh tế biển của địa phương.

Được biết, Dự án cảng cá Tịnh Hòa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định số 5045/QĐ -BNN-TCTS ngày 27/12/2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở ngày 19/10/2023. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã hoàn thiện các thủ tục đủ điều kiện để triển khai thi công, theo kế hoạch dự kiến triển khai thi công trong quý I/2024 nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng.

Sau khi có chủ trương xây dựng cảng cá, các ngư dân ở đây đều phấn khởi vì sắp thoát cảnh “chen chúc” kèm những rủi ro cháy nổ. Ngư dân Trần Ngọc Thành, chủ tàu cá QNg 91428 TS cho hay, khi có chủ trương đầu tư ngư dân, tiểu thương ở đây rất phấn khởi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hiện cảng cá rất chật hẹp, luồng lạch ra vào cảng thì bị bồi lấp khiến tàu công suất lớn không thể ra vào ảnh hưởng đến việc buôn bán hải sản và quan trọng là khó có thể vào tránh bão được. Nhiều tàu thuyền neo đậu sát với nhau nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện dự án chưa triển khai thi công do vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến việc xác định cao độ tự nhiên các hồ nuôi trồng thủy sản và giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các thủ tục liên quan như: xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, loại đất, nhưng vẫn chưa thống nhất cách xác định cao độ tự nhiên của các hồ nuôi trồng thủy sản. UBND TP Quảng Ngãi chưa ban hành giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo UBND TP Quảng Ngãi về việc tổ chức vận động, đối thoại với 13 hộ dân còn lại nhận tiền bồi thường của phương án đợt 1 và bàn giao mặt bằng. Chủ trì, hướng dẫn chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để thống nhất cách xác định khối lượng đất đào, đắp các hồ nuôi trồng thủy sản để lập phương án bồi thường đợt 2 và các đợt còn lại. Đồng thời ban hành giá đất cụ thể bồi thường, hoàn thành trong tháng 8/2024 và phê duyệt phương án bồi thường đợt 2 và các đợt còn lại, hoàn thành trong tháng 9/2024.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng cho hay, theo kế hoạch vốn năm 2024 thì dự án được bố trí vốn là 90,1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương 32,1 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng. Tuy nhiên do chưa có mặt bằng để triển khai thi công trong 6 tháng đầu năm 2024 không giải ngân, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh giảm 12 tỷ đồng. Nếu từ nay đến ngày 30/9/2024 vẫn không có mặt bằng để triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 thì Bộ này sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 và xem xét không bố trí kế hoạch vốn năm 2025.

Đã ký hợp đồng 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo tin từ Cục Đường cao tốc Việt Nam, tính đến ngày 4/8, đơn vị này đã hoàn tất công tác đàm phán và đã thực hiện ký kết hợp đồng Dự án đầu tư kinh doanh của 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Các trạm này thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 trạm); Phan Thiết - Dầu Giây.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ

Hiện Cục Đường cao tốc Việt Nam đang yêu cầu các ban quản lý dự án: 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh khẩn trương cung cấp thông tin về tiến độ, lộ trình bàn giao mặt bằng (bằng văn bản) cho nhà đầu tư/doanh nghiệp trước ngày 10/8/2024 để nhà đầu tư xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án và triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu của hợp đồng.

Các ban quản lý dự án cũng được yêu cầu việc trực tiếp với các địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ chậm nhất trong tháng 8/2024 đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư xây dựng Bảng tiến độ thực hiện dự án, trong đó thể hiện khối lượng, tiến độ, thời gian thực hiện… của các hạng mục cụ thể, đặc biệt các công trình thiết yếu, cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ yêu cầu, gửi Ban quản lý dự án và Cục Đường cao tốc Việt Nam để theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

“Đề nghị các ban quản lý dự án phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan của địa phương để thống nhất và có hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc nộp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 15/8/2024. Nhà đầu tư/doanh nghiệp khẩn trương tổ chức khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng để phê duyệt dự án đầu tư, hoàn thiện các thủ tục liên quan về môi trường, phòng cháy… , lựa chọn nhà thầu thi công để triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu.

Được biết, trong số 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa tìm được nhà đầu tư, liên danh do Petrolimex đứng đầu trúng 4 dự án; liên danh do Cổ phần xe khách Phương Trang trúng 3 dự án; liên danh do Công ty Thành Thành Nam đứng đầu trúng 1 dự án.

Các dự án này đều có các hạng mục xây dựng gồm: công trình dịch vụ công, cung cấp các dịch vụ miễn phí (bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin, nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông); công trình dịch vụ thương mại (khu vực phục vụ ăn uống - giải khát, khu vực giới thiệu và bán hàng hóa, trạm cấp nhiên liệu, trạm sạc xe điện, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống, khu vui chơi - giải trí, các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân); công trình bổ trợ là biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ.

TP.HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ, phát sinh 2.369 tỷ đồng tiền lãi vay

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam vừa có văn bản số 556/024/CV/TNG gửi Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo tiến độ giải quyết Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu -giai đoạn 1 (Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng).

Cống kiểm soát triều Bến Nghé chưa được tháo gỡ vị trí đổ bùn nạo vét nên chưa thể thi công trở lại - Ảnh: T.N

Nhà đầu tư cho biết, đến nay nhiều vướng mắc liên quan đến Dự án vẫn chưa được tháo gỡ. Trong đó, tổng mức đầu tư của Dự án vẫn chưa được điều chỉnh.

Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng (theo tiến độ dự kiến hoàn thành Dự án cuối năm 2025).

Chỉ tính riêng chi phí lãi vay tính đến ngày 26/7/2024 đã lên đến 2.369 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày lãi vay phát sinh hơn 1,7 tỷ đồng.

Vướng mắc tiếp theo là việc thanh toán quỹ đất BT cho nhà đầu tư đến nay cũng chưa được UBND TP.HCM thực hiện.

Ngày 17/5/2024, nhà đầu tư có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc thi công cống kiểm soát triều Bến Nghé từ ngày 1/6/2024. Tuy nhiên, đến nay UBND TP.HCM chưa tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vị trí bãi đổ bùn nạo vét và cấp giấy phép thi công tuyến cáp ngầm nên việc thi công chưa thực hiện được.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến nay toàn bộ Dự án đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc nhưng đang tạm dừng thi công từ ngày 15/11/2020 cho đến nay.

Chủ đầu tư cho biết do dự án bị đình trệ kéo dài nên phát sinh chi phí lãi vay khiến tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng.

Giao đầu mối nghiên cứu tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định trị giá 7.850 tỷ đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi bộ trưởng các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, Tư pháp; Chủ tịch UBND các tỉnh: Nam Định, Hà Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phương án đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định.

Một đoạn Quốc lộ 21B qua Nam Định.
Một đoạn Quốc lộ 21B qua Nam Định.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao giao UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn I Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí…

Về cơ quan chủ quản dự án, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đề xuất việc hoàn trả kinh phí chuẩn bị đầu tư (nếu có).

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có tờ trình đề nghị Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định, giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Kinh phí thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND tỉnh Nam Định tự bố trí).

Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, Dự án có chiều dài tuyến khoảng 25,1 km được đề xuất quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành 2 bên. Phương án đầu tư dự kiến là đầu tư công kết hợp giữa nguồn vốn đầu tư của Chính phủ ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định được UBND tỉnh Nam Định, Hà Nam cam kết tự bố trí ngân sách 2 tỉnh để thực hiện.

Đối với đoạn BOT (từ trạm thu phí Mỹ Lộc tỉnh Nam Định đến Quốc lộ 10, TP. Nam Định dài khoảng 3,9 km) hết hạn thu phí năm 2028, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý cho phép được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND tỉnh Nam Định sẽ lên phương án đàm phán để thanh lý hợp đồng vào năm 2025 (thời điểm dự kiến khởi công dự án) bằng ngân sách tỉnh để đầu tư đồng bộ theo quy mô đường cao tốc trên toàn tuyến, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.

UBND tỉnh Nam Định kiến nghị Thủ tướng giao địa phương này làm cơ quan chủ quản triển khai Dự án xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định sẽ được thực hiện trên cơ sở tận dụng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ nền mặt đường tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ TP. Phủ Lý - tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định - tỉnh Nam Định đã có, theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên theo TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 100 km/h, đường song hành, đường gom 2 bên theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, xây dựng cầu vượt, đường trên cao qua các nút giao thông quan trọng.

Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 7.850 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng phần đường cao tốc khoảng 1.463 tỷ đồng (24 km); chi phí xây dựng phần cầu khoảng 2.054 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần đường song hành dọc 2 bên tuyến là khoảng 1.219 tỷ đồng (48 km); chi phí xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống ITS và một số hạng mục phụ trợ khoảng 326 tỷ đồng; sơ bộ chi phí GPMB khoảng 1.000 tỷ đồng; chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí khác: khoảng 506 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.282 tỷ đồng.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định sẽ được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2028.

Sóc Trăng đầu tư 2 dự án giao thông vùng kinh tế biển, vốn gần 290 tỷ đồng

HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Nghị quyết số 95/NQ-HĐND chủ trương đầu tư Dự ántuyến đường Lăng Ông, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm từng bước xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, phát triển không gian đô thị và từng bước hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội của thị trấn Trần Đề sớm trở thành trung tâm vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng theo định hướng Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng; nhằm phát triển thị trấn Trần Đề theo hướng bền vững, hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thủy sản của tỉnh.

Dự án có tổng chiều dài tuyến đường khoảng 2 km; tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn; bề rộng nền đường 24 m (trong đó, bề rộng mặt đường 14 m; bề rộng vỉa hè mỗi bên 5 m); kết cấu mặt đường láng nhựa. Phần cầu, nâng cấp, mở rộng 1 cầu; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng toàn cầu 24 m (trong đó, bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 14m; bề rộng lan can và lề bộ hành mỗi bên là 5,0m).

Bên cạnh đó là vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu đèn giao thông và các công trình phụ trợ khác.

Đây là dự án nóm B, có tổng mức đầu tư 208,255 tỷ đồng, từ vốn ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết).

HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Đường huyện 47C (Đường Prey Chóp), thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu theo quy hoạch, tăng cường tính kết nối và khả năng lưu thông, trao đổi hàng hóa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa ngành theo định hướng trở thành trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Về quy mô, dự án có tổng chiều dài đường khoảng 8.614 m; tải trọng thiết kế trục đơn 10 tấn; bề rộng nền đường 7,5 m (trong đó, bề rộng mặt đường 5,5 m, bề rộng lề 2 m); kết cấu mặt đường láng nhựa và bê tông cốt thép tại đoạn khu vực chợ; hệ thống thoát nước; gia cố sạt lở bờ sông và các công trình phụ trợ khác.

Dự án có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, từ vốn ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết).

Cả 2 dự án nêu trên đều có thời gian thực hiện dự án năm 2024 - 2027.

Siêu dự án cảng Trần Đề vốn 50.000 tỷ đồng nhận nhiều tín hiệu thuận

Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng để cấp có thẩm quyền quyết định triển khai các bước tiếp theo đối với công trình hạ tầng cảng biển có quy mô lớn nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù vẫn phải chờ ý kiến chấp thuận của lãnh đạo Chính phủ, song đến thời điểm này, Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất đã nhận được phiếu thuận quan trọng từ phía các bộ, ngành trung ương.

Trong Công văn số 8231/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, Bộ thống nhất về sự cần thiết thực hiện Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách kỹ lưỡng, bài bản, chuyên sâu để làm cơ sở triển khai các bước lập đề xuất chủ trương, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi... Dự án Đầu tư xây dựng khu bến Trần Đề.

“Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án. Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung về tài nguyên và môi trường”, Công văn số 8231/BGTVT-KHĐT nêu rõ.

Tính đến đầu tháng 7/2024, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến tham gia của các bộ: tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đối với Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Đề án như đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng là có thể được xem xét. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định về việc chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu xây dựng dự án cảng biển, nên đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án.

Tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, khu bến cảng Trần Đề (giai đoạn khởi động) thuộc Danh mục Dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệpgiai đoạn đến năm 2030 với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng.

Khu bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực cửa Trần Đề cách bờ khoảng 17 km, là khu vực biển hở không được che chắn, địa hình đáy biển sâu, kết nối với bờ bằng cầu vượt biển, xây dựng hệ thống đê chắn sóng để tạo thành bể cảng. “Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ, tính toán khoa học và có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn kết cấu công trình, đảm bảo cho tàu vào làm hàng, nâng cao hiệu suất khai thác của bến cảng Trần Đề; đồng thời là cơ sở tính toán nhu cầu vốn đầu tư để kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Tờ trình số 10/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lập Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư cảng; nhu cầu vốn đầu tư và phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác để đầu tư cảng; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đầu tư cảng…

Sự cẩn trọng của UBND tỉnh Sóc Trăng là điều có thể chia sẻ, bởi ngoài quy mô vốn rất lớn, việc hình thành cảng biển Trần Đề sẽ tác động đến sự dịch chuyển khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của 8/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang và Trà Vinh.

Với cảng Trần Đề, hàng hóa xuất khẩu của khu vực sẽ theo các tàu biển lớn đến thẳng các thị trường Đông Bắc Á, châu Âu và Bắc Mỹ, thay vì phải trung chuyển bằng đường bộ, đường biển qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cũng tại tờ trình nêu trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan lập Đề án Nghiên cứu tổng thể triển khai cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thành trong năm 2024.

“Kết quả nghiên cứu nói trên sẽ giúp chọn ra được phương án đầu tư tối ưu và các chính sách phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm sớm đưa vào khai thác cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Đề xuất đầu tư 1.458 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15D qua Quảng Trị

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây đến Cửa Khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị và đề xuất vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Một đoạn Quốc lộ 15D qua Quảng Trị
Một đoạn Quốc lộ 15D qua Quảng Trị.

Theo đề xuất, Dự án có điểm đầu Km80+00 – Km92+085, Quốc lộ 15D (từ Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây điểm cuối tại cửa khẩu La Lay, được chia thành 3 đoạn.

Đoạn 1 (Km80+00 - Km86+040), trong đó nút giao điểm đầu với đường HCM nhánh Tây đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh. Tuyến đã được cải tạo, nâng cấp theo quy mô đường cấp IV miền núi có châm chước bán kính đường cong nằm (chiều rộng nền đường 7,5m, chiều rộng mặt đường 5,5 m) kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trên tuyến có nhiều đường cong bán kính nhỏ, tầm nhìn khuất, các xe tải nặng và dài qua lại rất khó khăn.

Đoạn 2 (Km86+040 - Km91+380) hiện có bình diện cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi châm chước bán kính đường cong nằm và độ dốc dọc. Đoạn tuyến nhiều bán kính đường cong nằm nhỏ (cá biệt một số cua tay áo bán kính chỉ đạt 15m - 20m), các đường cong liên tục không đảm bảo đoạn nối; độ dốc dọc lớn. Các xe tải nặng và dài đi qua đoạn tuyến này rất khó khăn và nhiều vị trí chỉ 1 xe đi qua, các xe khác phải chờ gây ách tắc, độ dốc dọc lớn cũng là một trở ngại rất lớn cho xe tải nặng.

Đoạn 2 (Km91+380 - Km92+085) hiện đang xây dựng theo quy hoạch của cửa khẩu La Lay.

Trên tuyến có 2 cầu tràn liên hợp và 4 cầu. Cầu hiện hữu có bề rộng hẹp từ 6,7-7m, đã được xây dựng từ lâu, hiện đã hư hỏng nặng không đáp ứng được tải trọng các xe nặng đi qua.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất nâng cấp tuyến đường nói trên đảm bảo quy mô đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h; bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 6m, bề rộng lề gia cố 2m, bề rộng lề đất 1m. Bề rộng cầu bằng bề rộng nền đường 9m.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng mức đầu tư là 1.458 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.088 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 42 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn thực hiện Dự án là ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác của Bộ GTVT nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2026 đến năm 2028.

Đoạn tuyến nằm trên tuyến Quốc lộ 15D là một phần của trục ngang N3 kết nối các trục dọc: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đầu mối kết nối với hệ thống giao thông vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu La Lay.

Tuyến đường là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây tỉnh Quảng Trị, có tác dụng to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh và khu vực Bắc Miền Trung. Ngoài ra, tuyến đường Quốc lộ 15D là một phần của Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) – Salavan (Lào) – Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Với tầm quan trọng của tuyến đường như trên nhưng hiện trạng tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bán kính đường cong nhỏ, độ dốc dọc lớn, bề rộng nền đường hẹp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa thông qua tuyến đường, nhất là trên tuyến chủ yếu các xe tải nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Tuyến đường được nâng cấp là điều kiện cần thiết để cho cửa khẩu quốc tế La Lay phát triển, gia tăng sức hút với các phương tiện thông qua cửa khẩu.

“Vì vậy, việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị là hết sức cần thiết và cấp bách”, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Quảng Ninh khởi công hai dự án trọng điểm, tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng

Ngày 9/8, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khởi công 2 dự án trọng điểm là Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Bệnh viện đa khoa tỉnh (840 tỷ đồng) và Dự án xây mới Trường THCS Trọng Điểm (160 tỷ đồng).

Theo đó, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao tại khu vực Nam Cầu Trắng (thuộc địa bàn phường Hồng Hà và phường Hà Tu, TP. Hạ Long) được HĐND TP. Hạ Long phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 132/NQ-HĐND ngày 14/10/2023.

Dự kiến phối cảnh Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Ninh Media Group
Phối cảnh Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Ninh Media Group

Dự án cũng đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt, chấp thuận đầu tư; được các đơn vị chuyên môn hoàn thiện lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp theo đúng các quy chuẩn, quy định của pháp luật.

Được biết, dự án có tổng diện tích xây dựng khoảng 30,25 ha, bao gồm các hạng mục: San nền, xây dựng các tuyến đường giao thông chính và tuyến đường gom; xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, PCCC, thông tin liên lạc, cây xanh cảnh quan đồng bộ theo các tuyến giao thông và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật liên quan khác.

Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 840 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây dựng là hơn 250 tỷ đồng. Thời gian thi công dự án là khoảng 180 ngày, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong quý I/2025.

Dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu Bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao tại khu vực Nam Cầu Trắng, phường Hồng Hà và phường Hà Tu, TP Hạ Long là một phần của dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mới, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỉ đồng. Đây là dự án có vai trò quan trọng, được xác định là một trong những dự án trọng điểm, động lực của thành phố. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố; phát triển không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan đồng bộ, văn minh, hiện đại; tạo quỹ đất xây dựng các công trình y tế, giáo dục chất lượng cao, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Cùng với đó, với mục tiêu hoàn thiện cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, TP Hạ Long đã lập và phê duyệt Dự án xây mới Trường THCS Trọng Điểm tại khu đất của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Theo đó, Dự án xây mới Trường THCS Trọng Điểm có diện tích trên 1,5 ha, quy mô 45 lớp học với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học của 2.000 học sinh.

Dự án bao gồm các hạng mục chính là xây mới khối nhà hiệu bộ cao 5 tầng, diện tích xây dựng gần 1.700 m2; xây mới 2 khối nhà học cao 4 tầng, diện tích xây dựng trên 1.300 m2; xây mới nhà đa năng và một tầng hầm, diện tích 1.400 m2; cải tạo khối nhà thực hành thành thư viện và xây dựng hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phụ trợ.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình sẽ nâng cao hiệu quả dạy và học của hơn 2.000 thầy, trò Trường THCS Trọng Điểm - một trong những ngôi trường có truyền thống đào tạo giáo dục chất lượng cao. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 8 tháng, đảm bảo năm học 2025-2026 sẽ đưa công trình vào sử dụng.

Đề xuất đầu tư 9.045 tỷ đồng cho Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT có ý kiến về nội dung hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án di dời ga Đà Nẵng làm cơ sở hoàn thiện, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền ở bước tiếp theo.

Chính quyền TP. Đà Nẵng còn đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn thủ tục, cách thức triển khai các bước tiếp theo và đồng hành cùng địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện dự án.

Ga Đà Nẵng (Ảnh: Hoàng Anh).
Ga Đà Nẵng (Ảnh: Hoàng Anh).

Được biết, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP. Đà Nẵng dự kiến chia Dự án di dời ga Đà Nẵng theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 Dự án có mục tiêu di dời ga đường sắt Đà Nẵng về vị trí mới để phục vụ tái phát triển đô thị khu vực nội đô.

Trong giai đoạn này, Dự án sẽ giữ nguyên hướng tuyến đường sắt hiện tại trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Nhánh đường sắt cụt từ đường vòng Thanh Khê qua ga Thanh Khê về đến ga Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi công năng thành đường sắt đô thị.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách mới cách ga Đà Nẵng hiện hữu về phía Hà Nội khoảng 4,2 km – nằm trên đường sắt hiện có tại khu vực Hồ Trung Nghĩa (phía trước đường vòng Thanh Khê) thuộc phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu.

Nhà ga hành khách có diện tích khoảng 3.000 m2, cao 10 tầng để phục vụ tác nghiệp đón tiếp hành khách đi tàu. Bên cạnh đó, Dự án sẽ xây dựng quảng trường nhà ga kết hợp với công viên hồ Tây của thành phố để kết nối giao thông với các đường phố lân cận nhà ga. Diện tích công viên kết hợp với quảng trường nhà ga rộng khoảng 14.000 m2.

Cũng trong giai đoạn 1, Dự án sẽ nâng cấp cải tạo ga Kim Liên hiện hữu tại phường Hiệp Hoà Bắc, quận Liên Chiểu thành ga khu đoạn có tác nghiệp vận chuyển hàng hoà để phục vụ vận chuyển hàng hoá đi đến khu vực TP. Đà Nẵng với công suất xếp dỡ khoảng 500.000 tấn/năm.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 781 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 1.190 tỷ đồng…

UBND TP. Đà Nẵng đề xuất triển khai Dự án di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2030, trong đó giai đoạn xây dựng từ quý III/2026 đến năm 2030. Ga đường sắt hành khách mới sẽ hoạt động đến năm 2050.

Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ di dời tuyến ga, đường sắt khu vực TP. Đà Nẵng theo quy hoạch, trong đó điểm nhấn là việc xây dựng ga hành khách mới tại xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng bao gồm ga đường sắt quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Ước tính chi phí Dự án giai đoạn 2 là 3.812 tỷ đồng. Tính chung chi phí của cả Dự án là 9.045 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư