Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất điều chỉnh mục tiêu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên 12 - 13 triệu lượt
Hồng Hạnh - 08/10/2023 20:30
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12,0 triệu lượt đến 13,0 triệu lượt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 4189/BVHTTDL-DLQGVN về việc báo cáo tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đề xuất điều chỉnh mục tiêu khách quốc tế năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12,0 triệu lượt đến 13,0 triệu lượt. 

Văn bản số 4189/BVHTTDL-DLQGVN nêu rõ, ngày 10/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, theo đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi và phát triển du lịch. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng báo cáo tình hình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 và đề xuất điều chỉnh mục tiêu khách quốc tế năm 2023.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 8,9 triệu lượt khách, bằng 111% kế hoạch năm 2023, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid 19). 

Trong 3 tháng liên tiếp gần nhất, Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế/tháng. Trong đó, tháng 8/2023 đón 1,2 triệu lượt, là lượng khách lớn nhất kể từ thời điểm Việt Nam mở cửa đón khách du lịch. 

Về cơ cấu, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam trong 9 tháng qua, với hơn 2,5 triệu lượt chiếm gần 29% tổng lượng khách; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,12 triệu lượt, chiếm 12,6% tổng lượng khách; Đài Loan đứng thứ 3 với 575.101 lượt khách, chiếm 6,5% tổng lượng khách; Mỹ đứng thứ 4 với 548.866 lượt, chiếm 6,2% tổng lượng khách. 

Top 10 thị trường còn có: Nhật Bản (414.000 lượt), Thái Lan (351.000 lượt), Malaysia (333.000 lượt), Campuchia (290.000 lượt), Ấn Độ (278.000 lượt). Ấn Độ là thị trường có sự tăng trưởng nhanh chóng, lần đầu xuất hiện vào top 10 thị trường. 

Các thị trường như Australia (283.000 lượt) và một số thị trường châu Âu như Anh (187.000 lượt), Pháp (155.000 lượt), Đức (142.000 lượt), Nga (88.000 lượt) cũng tăng trưởng đều đặn. Nhìn chung, các thị trường chính đều có mức tăng trưởng tốt. 

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới, hết năm 2024 thị trường du lịch quốc tế mới có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Các quốc gia có tốc độ 

hồi phục khác nhau. Tốc độ phục hồi của du lịch Việt Nam đến tháng 9 đạt 70% so với thời điểm trước dịch. 

Mặc dù tháng 9 là tháng thấp điểm của khách du lịch nên lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn tháng 8, tuy nhiên quý 4/2023, ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế, đặc biệt là tháng 12 trùng với các dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng cao. 

Các thị trường chính hiện đều có động lực tăng trưởng. Với thị trường khách Hàn Quốc, các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc là điểm đến được ưa chuộng. 

Sau đại dịch, các hãng hàng không khôi phục đường bay cũ, mở thêm nhiều đường bay mới nối liền các thành phố Busan, Daegu (Hàn Quốc) với Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội....

Chính sách thị thực áp dụng cho Hàn Quốc, Nhật Bản và 11 nước châu Âu mới ban hành tạo động lực duy trì lượng khách Hàn Quốc sang Việt Nam những tháng cuối năm. 

Đối với thị trường khách Trung Quốc, từ ngày 15/3, Trung Quốc mở cửa thí điểm cho công dân theo đoàn đến Việt Nam, số lượng khách từ Trung Quốc vào Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao (mức tăng trưởng 2 con số). 

Trong 3 tháng cuối năm, với việc khôi phục thêm các đường bay và các chính sách ngoại giao giữa hai nước, dự kiến những tháng cuối năm sẽ đón lượng khách ổn định từ thị trường này. 

Thị trường châu Âu chiếm thị phần nhỏ trong tỷ trọng khách du lịch, tuy nhiên với hiệu ứng chính sách thị thực có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sẽ tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh thu hút khách từ châu Âu đến Việt Nam trong thời gian tới. 

Thị trường Ấn Độ có nhu cầu đến du lịch Việt Nam tăng nhanh, là thị trường lớn và triển vọng, có sức tăng trưởng tốt trong giai đoạn này. 

Với tình hình khách du lịch 9 tháng đầu năm 2023 và các nhận định trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến số khách trong 3 tháng cuối năm đạt từ 3,7 đến 4,2 triệu lượt khách, và đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12,0 triệu lượt đến 13,0 triệu lượt. 

Doanh nhân Đỗ Tiến: Mỗi du khách quốc tế chính là một “đại sứ” du lịch
Hiểu rõ tâm lý của du khách khi đến một vùng đất mới, doanh nhân Đỗ Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Typic Việt không chỉ xây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư