Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất doanh nghiệp tham gia Tổ công tác chống Covid-19
Khánh Linh - 04/09/2021 11:22
 
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, doanh nghiệp tham gia Tổ công tác phòng chống Covid-19 sẽ hỗ trợ việc thực hiện chính sách an sinh chủ động.
.
Triển khai các “Siêu thị 0 đồng” trong các khu cách ly, phong tỏa là giải pháp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Theo khuyến nghị của Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân, duy trì hoạt động sản xuất cần được coi là chủ trương thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, là giải pháp duy trì nền kinh tế và sau đó là phục hồi nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn.

Đây cũng là giải pháp đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.

Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất phải gắn liền với đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng chống đại dịch, an toàn và sức khoẻ của người lao động và gia đình. Nói cách khác, thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế-xã hội và y tế.

Để đạt “mục tiêu kép” này, Nhóm nghiên cứu đã gửi 4 nhóm khuyến nghị tới Chính phủ.

Thứ nhất, yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch thì phải có sự tham gia đại diện của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là giải pháp để có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động cũng như khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, để từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế.

“Đặc biệt, các địa phương cần báo cáo với Chính phủ hoặc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như phối hợp với các tỉnh, thành phố khác lên kế hoạch ứng phó kịp thời khi tiến hành phong tỏa diện rộng trên địa bàn, đặc biệt hoạt động phong tỏa có ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố”, Nhóm nghiên cứu đề xuất.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và cá nhân. Xem xét giảm giá và giảm tiền nước, viễn thông… khi các tỉnh, thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội.

Thứ ba, sử dụng quyền mà Quốc hội trao cho Chính phủ trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ khám, chữa bệnh…) để hỗ trợ các đối tượng cần.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam) triển khai các chính sách tới đúng đối tượng và đủ mức hỗ trợ.

Ví dụ, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để dùng hỗ trợ người lao động mất việc làm hoặc bị giãn, dừng việc làm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tạo việc làm.

“Đề xuất sử dụng Quỹ công đoàn hỗ trợ người lao động có chỗ ăn, ở an toàn khi tiếp tục tham gia sản xuất trong điều kiện “ba tại chỗ” và tùy theo sự phục hồi của các doanh nghiệp thì xem xét tiếp tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 sau cả thời điểm 31/12/2021 như đã đề nghị trong Công văn 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam”, Nhóm nghiên cứu phân tích.

Thứ tư, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2021), mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng hỗ trợ (chuẩn hóa theo GDP bình quân đầu người) ở Việt Nam cao hơn so với tất cả các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan), nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ. Mức hỗ trợ cố định 1 triệu đồng đối với lao động mất việc làm và 1,8 triệu đồng đối với trợ cấp tiền lương chỉ chiếm tương ứng 17% và 30% mức thu nhập bình quân hàng tháng ở Việt Nam trong Quý II/2020.  Mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn với mức trợ cấp bình quân hàng tháng là 3 triệu đồng/người.

Trợ cấp tiền lương được hỗ trợ ở mức cố định, không xem xét mức lương của người được hưởng, trong khi các khoản vay chỉ được tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động.   

Với chính quyền các địa phương, Nhóm nghiên cứu đề nghị các tỉnh, thành phố cần mời đại diện các doanh nghiệp tham gia Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch ở các địa phương. Các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ở, ăn… qua các gói an sinh xã hội. Đẩy mạnh việc triển khai rộng rãi các “Siêu thị 0 đồng” trong các khu cách ly, phong tỏa để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân khi kéo dài thực hiện Chỉ thị 16.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân gồm PGS. TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Hiệu phó, PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, PGS.TS. Tạ Văn Lợi, PGS.TS. Giang Thanh Long.

Một số địa phương còn chậm chi trả hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do
Trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân, thì Sở LĐTB&XH Hà Nội vẫn đang chờ Bộ LĐTB&XH hướng dẫn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư