Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Một số địa phương còn chậm chi trả hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do
T.L - 14/07/2021 21:51
 
Trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân, thì Sở LĐTB&XH Hà Nội vẫn đang chờ Bộ LĐTB&XH hướng dẫn.
f
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung 

TP.HCM: Sắp trả xong cho toàn bộ 230 lao động tự do

Hôm nay (14/7), Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội; thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg vào sáng 14/7.

Về triển khai gói hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành lao động các tỉnh, thành giảm bớt thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ triển khai. 

Theo Bộ trưởng, một số tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai... đã triển khai rất nhanh chóng gói hỗ trợ này. Cụ thể, Đồng Nai ngày 13/7 đã ban hành quyết định hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, tỉnh dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng một người, chi trả một lần.

Đặc biệt, TP.HCM cũng triển khai rất thần tốc. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, cho biết HĐND thành phố ngày 25/6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.

Đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. TP HCM cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày.

Dự kiến từ nay đến 23/7, thành phố sẽ bước vào đợt cao điểm chi trả tiền cho người lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ngân sách, TP HCM vận động các nguồn khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động trong thời điểm khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao TP HCM vì đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai hỗ trợ rất nhanh cho người lao động, doanh nghiệp. Cụ thể, trong khi nhiều địa phương chưa triển khai Quyết định 23 của Thủ tướng thì TP HCM đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho gần 50% lao động tự do, và cam kết trong ngày 15/7 sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 230.000 lao động tự do, hoàn thành công tác hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ trong tháng 7.

Hà Nội vẫn đang chờ hướng dẫn

Trong khi đánh giá cao các địa phương triển khai nhanh Nghị quyết 68 thì Hà Nội lại bị phê bình do chậm triển khai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị hôm nay, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở đang xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo đúng nguyên tắc.

Bà Bạch Liên Hương cũng đề nghị, Bộ LĐTB&XH sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg “mở toang” hết mức về thủ tục, có ban hành kèm các mẫu biểu và có thể triển khai ngay mà không cần văn bản hướng dẫn nào. Việc Hà Nội đến hết tháng 7 mới triển khai xong thủ tục hành chính là chậm trễ trong hỗ trợ.  

Với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

“Nếu chậm triển khai là chúng ta có lỗi với dân. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với dân. Chúng ta phải làm bằng lương tâm, trách nhiệm để gói hỗ trợ đến được tay người dân sớm nhất. Các địa phương cần chủ động ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do; cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính, không cần thêm gì nữa” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, chưa bao giờ làn sóng dịch Covid-19 lại ảnh hưởng nặng nề như bây giờ. Cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu. Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 3,8 triệu trên 11 triệu lao động trực tiếp). Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn... bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh mẽ hơn. 

Trong bối cảnh đó, toàn ngành LĐTB&XH phải nỗ lực đẩy nhanh chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thiết thực, hiệu quả. Tính đến ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH đã nhận được 33 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trong số 63 tỉnh, thành. Cùng với đó, sự vào cuộc đồng bộ, nhanh chóng từ phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI… đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách đưa ra bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ kiểm tra đôn đốc, không cầu toàn cũng không nặng nề về thủ tục. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư