-
Vốn FDI giải ngân năm 2024 đạt mức cao kỷ lục -
Doanh nghiệp Việt đầu tư 664,8 triệu USD ra nước ngoài trong năm 2024 -
Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án khu công nghiệp 1.200 tỷ đồng -
Kon Tum đã có 98 dự án đầu tư tại các khu kinh tế và khu công nghiệp -
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam tăng tốc từng ngày -
Năm 2025, Khu Công nghệ cao TP.HCM khởi công 12 dự án, tổng vốn 1 tỷ USD
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Khánh Hòa thu hút hơn 31.252 tỷ đồng vốn đầu tư
Ngày 2/4, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 đã trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ cho các doanh nghiệp.
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hoà năm 2023 được triển khai nhằm giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh, thu hút các nguồn vốn đầu tư đến tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (phải) đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao 24 Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các lĩnh vực du lịch, đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, càng biển, hàng không, giáo dục, đào tạo, chế biến nông - lâm - thủy sản....
Trong đó, có 8 dự án được trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 31.252 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho 16 doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư cho 8 doanh nghiệp gồm: Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home tại phường Cam Nghĩa của Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh tổng vốn đầu tư 3.756 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II của Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Nguyên Hạnh có vốn 1.014 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Vân của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Thanh Vân có tổng vốn 1.175 tỷ đồng; Dự án KDL Bãi Cát Thấm của Công ty cổ phần T&M Vân Phong có vốn 25.000 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy chế biến thủy sản Tâm Như của Công ty TNHH Thủy sản Tâm Như 32 tỷ đồng; Dự án nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Hồng Phát của Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Hồng Phát 41 tỷ đồng; Dự án Xây dựng mới phân xưởng cơ điện – thí nghiệm và Dự án Xây dựng mới tổng kho công ty của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa gần 30 tỷ đồng; Dự án Nhà máy viên gỗ nén ISP - Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Viên nén Đông Dương có vốn 206 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cũng trao biển bản ghi nhớ đối cho 16 doanh của các dự án: Khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm; Trường liên cấp Vinschool; Dự án Cơ sở đào tạo và Nghiên cứu của Trường Đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
Về lĩnh vực khu đô thị - du lịch sinh thái gồm: Dự án xây dựng Nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn công trình xanh; Dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) Hòn Lớn – Khải Lương; Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã – Tu Bông.
Về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Dự án Bến cảng khách KN Cam Ranh; Dự án xây dựng và Vận hành Cảng hàng không Quốc tế Vân Phong; Dự án xây dựng Trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn; Dự án Cảng tổng hợp và container Nam Vân Phong; Dự án đầu tư các Khu công nghiệp; phát triển đô thị - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Về lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp gồm: Dự án Khu công nghiệp Ninh Diêm 3; Nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Nam Cam; Dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn; Dự án Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng; Dự án phát triển, mở rộng dự án Sản xuất, ương nuôi con giống, nuôi trồng và thu mua cá tại vịnh Vân Phong trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nghi thức khai trương Cổng thông tin hỗ trợ xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tại địa chỉ: https://ipa.khanhhoa.gov.vn.
Sóc Trăng đề xuất dự án đường ven biển nối Bạc Liêu và Trà Vinh vốn gần 6.000 tỷ đồng
Dự án nhằm thực hiện tốt mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và đảm bảo ổn định lâu dài của đê biển Vĩnh Châu.
Dự án có tên là “Xây dựng đường bộ nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (giữa) kiểm tra tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (ảnh: Báo Sóc Trăng online) |
Theo đó, sẽ xây dựng 66,5 km đường cấp III đồng bằng nối huyện Trần Đề với thị xã Vĩnh Châu, trong đó có 53,5 km đường thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối Bạc Liêu, nhằm thực hiện tốt mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và đảm bảo ổn định lâu dài của đê biển Vĩnh Châu.
Dự án nối tiếp Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 1) đang triển khai thi công, xây dựng hoàn thiện 18,6 km đường cấp IV đồng bằng thuộc tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 2).
Dự kiến, thời gian thực hiện là 2024 - 2030, trên địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng); tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án hơn 5.917 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi khảo sát Dự án Đường bộ ven biển Sóc Trăng cùng lãnh đạo tỉnh vào cuối tháng 3/2023 vừa qua, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, với mục tiêu góp phần phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh Sóc Trăng và giúp các địa phương ngăn xâm nhập mặn, triều cường, hình thành các trục giao thông giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh...
Thông qua tầm quan trọng của dự án đối với tỉnh, ông Mai đề nghị tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu cân nhắc lại các tuyến đường trong Dự án; xem xét lại tính hợp lý, phương án đấu nối cũng như sự cần thiết của các tuyến đường… có giải trình từng nội dung cụ thể và gửi đến đoàn công tác trong thời gian sớm nhất.
Về vấn đề này, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất cao cùng với đơn vị tư vấn và đề xuất đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu của dự án là tạo nên trục giao thông liên kết các vùng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản rộng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân tại địa phương, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân vùng nông thôn, nhất là đồng bào Khmer, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng...
Cùng với đó, tỉnh đã nghiên cứu triển khai các tuyến đường để phù hợp phát triển kinh tế - xã hội, tại các địa phương và tỉnh mong muốn đoàn công tác hỗ trợ cho tỉnh thực hiện dự án.
Hơn 29.000 tỷ đồng "rót" vào Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh
Ban quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bằng nguồn vốn đầu tư của ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn khác, với số vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã được đầu tư tương đối hoàn thiện.
Có thể kể tới như Tuyến Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối TP. Nha Trang với Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, hệ thống các tuyến đường nhánh, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, hệ thống cấp điện trung hạ thế, điện chiếu sáng công cộng và hệ thống cấp nước của Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh...
Việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã thu hút được các nhà đầu tư tại đây. Đến nay, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã có 40 Dự ánđược cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án trên là gần 29.400 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện tổng vốn đầu tư huy động được khoảng 28.500 tỷ đồng, đã có trên 10 dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
"Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã dần sầm uất, là một khu du lịch biển chất lượng và đẳng cấp cao tại Việt Nam, khu vực và quốc tế. Phần lớn các dự án du lịch ở đây đều là những dự án cao cấp hạng từ 5 sao trở lên. Tại đây có mặt của các Tập đoàn quản lý du lịch có thương hiệu như Marriott, Six Senses, Hyatt, Accord...", Ban quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh cho hay.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển khu vực vịnh Cam Ranh, trong đó Bắc bán đảo Cam Ranh là khu kinh tế du lịch với định hướng phát triển thành khu du lịch biển chất lượng cao có tầm khu vực và quốc tế, định hướng thành khu du lịch quốc gia.
Để đánh thức tiềm năng phát triển của khu vực này, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành lập, phê duyệt Quy hoạch chung, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 của khu du lịch, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Đề xuất đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi tại ĐBSCL vốn 13.442 tỷ đồng
Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi tại vùng ĐBSCL với tổng mức đầu tư dự kiến 13.442 tỷ đồng.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 16 đề xuất Dự án thuộc Dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO), với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng 28.046 tỷ đồng; vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng).
Đây là các dự án góp phần hiện thực hóa Quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó đặt mục tiêu liên kết vùng là quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo được động lực phát triển cho các địa phương.
Trong số 16 đề xuất dự án nêu trên có 3 dự án thủy lợi, với tổng mức đầu tư 13.442 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đề xuất Dự án hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) - Kè sông Hậu đoạn qua thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét đắp bờ bao (35 km), nâng cấp tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn khoảng 32 km; đầu tư hệ thống cống điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt; đầu tư các tuyến kè chống sạt lở bờ sông trên sông Măng Thít và sông Hậu, với tổng chiều dài khoảng 15 km, đường giao thông sau kè và các công trình phụ trợ kỹ thuật khác. Diện tích phục vụ 65.000 ha.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.159 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 2.486 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.624 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 49 tỷ đồng.
Tỉnh An Giang đề xuất Dự án xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kêt sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Quy mô dung tích dự kiến 32,5 triệu m3, trong đó dung tích trên kênh 7,8 triệu m3, dung tích hồ 24,7 triệu m3; nạo vét kênh Trà Sư (khối lượng nạo vét 8,84 triệu m3); nâng cấp đê (42,6km); cống điều tiết; xây dựng cầu giao thông; hồ trữ nước ngọt; khu dân cư, khu công nghiệp.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 2.664 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) 1.435 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.643 tỷ đồng.
Dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất gồm các hạng mục đầu tư chính: Thực hiện các giải pháp tích hợp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Bến Tre; Nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); Hoàn thiện cụm công trình kiểm soát nguồn nước tăng cường năng lực chống chịu khí hậu và phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nam sông Hậu; Nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng trung tâm bán đảo Cà Mau; Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 6.619 tỷ đồng, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 214 triệu USD (tương đương 5.128 tỷ đồng), vốn đối ứng 1.491 tỷ đồng.
Về tiến độ của các dự án Mekong DPO (trong đó có các dự án thủy lợi nêu trên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, trong tháng 6/2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12/2023, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tháng 6/2024, Quyết định đầu tư và ký hiệp định đối với các dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải. Tháng 9/2024, Quyết định đầu tư và ký hiệp đối với các dự án của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL.
Đồng Tháp đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 28/3/2023, tỉnh đã giải ngân 1.648,501 tỷ đồng/6.006,491 tỷ đồng của tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đạt 27,45% so với kế hoạch vốn do tỉnh giao, cao hơn 18,75% so với cùng kỳ (năm 2022, đạt 8,70%) và đạt 29,43% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
Thành phố Cao Lãnh. Ảnh: Báo Đồng Tháp |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I/2023 cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cũng khẳng định, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhất là khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu cát cho công trình, tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng vẫn còn rất chậm, thủ tục đầu tư và phân khai vốn còn nhiều vướng mắc…
Để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, gắn với các giải pháp, kế hoạch cụ thể cho từng công việc phù hợp theo tình hình thực tế của đơn vị, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trong đó phấn đấu năm 2023 giải ngân đạt 100%.
Trong các tháng còn lại của năm, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các chủ đầu tư thực hiện tốt và chặt chẽ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của đơn vị; yêu cầu phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bộ phận trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng Dự án…
UBND các huyện, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án do tỉnh hỗ trợ vốn phát triển đô thị (tổng cộng 1.700 tỷ) và vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn (tổng cộng 675 tỷ) cho các huyện, thành phố theo Công văn số 192/UBND-ĐTXD ngày 7/6/2021 và Công văn số 443/UBND-ĐTXD ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.
Ban Quản lý Khu kinh tế chủ động rà soát thủ tục Dự án hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, tiến độ thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3), thường xuyên đánh giá hiệu quả đầu tư các hạng mục phù hợp tình hình thực tế, kịp thời báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc có liên quan.
Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh do đơn vị là chủ đầu tư như: Quốc lộ 30 đoạn Tuyến tránh TP. Cao Lãnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Tuyến ĐT857, Tuyến ĐT845, nâng cấp đường ĐT841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2 …
UBND TP. Hồng Ngự giải quyết dứt điểm trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp đường ĐT841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2, nhất là công tác giải phóng mặt bằng khu vực cầu Sở Thượng 2 còn rất chậm.
UBND huyện Tam Nông đẩy nhanh tiến độ Dự án hệ thống đê bao nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim.
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại kế hoạch tổng thể từng dự án để làm cơ sở đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện (nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng sử dụng nhiều nguồn vốn), kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn hằng năm của chủ đầu tư để phù hợp với tiến độ thực hiện giữa các dự án.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và trung hạn, để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt nhất.
Đồng thời, phối hợp với Sở tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm và chủ đầu tư có vốn bố trí lớn, tham mưu UBND tỉnh quản lý và điều hành sớm đưa dự án hoàn thành trước tiến độ đề ra.
Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 89% (5.369,108 tỷ đồng/6.032,873 tỷ đồng), cao hơn 12,44% so với cùng kỳ (năm 2021, đạt 76,56%) và có tỷ lệ cao nhất từ năm 2016 đến năm 2021. Đồng thời, giải ngân đạt 90,34% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao (trường hợp không kể phần vốn ngân sách trung ương đã được tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, điều chuyển sang địa phương khác, thì tỉnh giải ngân đạt 93,53%).
Quảng Nam không có dự án FDI mới nào được cấp phép trong quý I/2023
Tỉnh Quảng Nam vừa thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2023. Theo đó, tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 4 Dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1.100 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 8 dự án và giảm 2.200 tỷ đồng về vốn đăng ký. Đáng chú ý không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép trong quý I/2023.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 1.100 dự án đầu tư với 970 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng và 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,06 tỷ USD.
Thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam trong quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ. |
Trong đó, ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế mở Chu Lai với 100 dự án; Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai với 53 dự án; Ban quản lý các khu công nghiệp 41 dự án; các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, du lịch.
Số doanh nghiệp được thành lập mới trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng giảm mạnh. Khi trong quý I chỉ có 281 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, vốn điều lệ đăng ký hơn 1.639 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 620 doanh nghiệp, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 553 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,1%; 32 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 49,2%; 35 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới giảm và vốn đăng ký giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể không tăng nhiều so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 178 doanh nghiệp, giảm 46% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 trên địa bàn tỉnh giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
So với cùng kỳ năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn Trường Hải.
Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam (giá hiện hành) đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 1,1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công văn 217/TTg-CN ngày 5/4/2023 phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung Khung chính sách Dự án nêu trên; cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nam Định về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Dự án được đầu tư nhằm kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có.
Theo phương án được phê duyệt, cầu vượt sông Đáy có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2 km, quy mô 4 làn xe. Trong đó, phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,3 km, mặt cắt ngang là 17,5 m. Phần đường dẫn có chiều dài khoảng 0,7 km, bề rộng nền đường 17 m.
Trong phạm vi dự án cũng thực hiện xây dựng các tuyến đường nhánh, nút giao và các công trình phụ trợ theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.450 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.100 tỷ đồng lấy từ ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phần còn lại được bố trí từ ngân sách tỉnh Nam Định và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, tái định cư Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Tại Công văn 218/TTg-CN, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung Khung chính sách Dự án trên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; cùng với UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.
Ngày 24/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Theo đó, Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản; có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại lý trình khoảng Km23+109 (cách nút giao An Bình khoảng 04 km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó, thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,81 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Quy mô mặt cắt ngang như sau: Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn xe rộng 3,5 m) với chiều rộng nền đường là 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc (mỗi làn xe rộng 3,75 m) với chiều rộng nền đường là 24,75 m, vận tốc khai thác là 100 km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 2.246 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.
Bến Tre đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển vốn trên 8.409 tỷ đồng
Thuộc các Dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO), tỉnh Bến Tre đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.
Dự án đi qua các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre và kết nối với tuyến đường bộ ven biển của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh có chiều dài toàn tuyến khoảng 48 km với 4 cầu lớn vượt các cửa sông |
Tổng chiều dài toàn tuyến của Dự án được tỉnh đề xuất đầu tư khoảng 48 km bao gồm 4 cầu lớn bằng nguồn vốn hỗn hợp. Trong đó, cầu Ba Lai và 10 km đường được đề xuất sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; phần còn lại 38 km và cầu Hàm Luông 2 đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ODA.
Riêng 2 cầu lớn liên tỉnh là cầu Cửa Đại kết nối với Tiền Giang và cầu Cổ Chiên 2 kết nối với Trà Vinh, tỉnh Bến Tre đề xuất Trung ương đầu tư 100% (bằng vốn ODA cấp phát 100%, hoặc huy động vốn hợp pháp khác). Mỗi nguồn vốn sẽ được đầu tư bằng 1 dự án độc lập.
Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến 8.409,850 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA (vay ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - Kexim) là 5.246,350 tỷ đồng; vốn đối ứng 3.163,500 tỷ đồng.
Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển...
Về tiến độ, dự kiến tháng 6/2023 phê duyệt đề xuất; tháng 12/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư; tháng 9/2024 Quyết định đầu tư và ký hiệp định vay.
Lâm Đồng kiểm tra việc cho bên thứ 3 “ký sinh” điện mặt trời ở khu công nghiệp
Nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động Dự án năng lượng mặt trời (bao gồm cả trên mái nhà, trên đất…) tại Khu công nghiệp Lộc Sơn.
Từ kết quả kiểm tra, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đánh giá, tham mưu, đề xuất hướng xử lý về đầu tư, xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường… theo quy định của pháp luật. Kết quả báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/4/2023.
Trước đó, sau khi tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh này tăng cường kiểm tra các đơn vị trong khu công nghiệp cho thuê mái nhà để các đơn vị thứ 3 hoạt động dự án năng lượng mặt trời phải đảm bảo các điều kiện về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng phối hợp cung cấp thông tin các doanh nghiệp hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, trên đất tại các Khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú hội, với nội dung cần cung cấp gồm danh sách doanh nghiệp; quy mô, công suất; địa điểm thực hiện dự án; vị trí trạm đấu nối điện; thời điểm được đấu nối.
Trong ngày 6/4, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã gửi giấy mời họp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế Lâm Đồng; Công ty Điện lực Lâm Đồng; Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn - Phú Hội để cùng phối hợp kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trên mái trong Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội trong thời gian 2 ngày.
Khánh Hòa đôn đốc tiến độ 6 dự án, công trình trọng điểm
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Sở y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan và chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa "đặt gạch" tiến độ từng dự án đối với các chủ đầu tư trên.
Đây là chỉ đạo sau cuộc họp giao ban Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các Phó chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 3/4 vừa qua.
Cụ thể, Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư Ngọc Hiệp phải hoàn thành các hạng mục công trình còn lại trước ngày 10/4. Dự án Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang phải hoàn thành các hạng mục công trình còn lại trước ngày 1/6.
Dự án Nút giao Ngọc Hội phải hoàn thành vòng xuyến kết nối 3 nhánh (N1, N2, N3) trước ngày 10/4 và thông xe kỹ thuật tuyến Nha Trang - Diên Khánh trước ngày 30/4. Dự án Khu lưu niệm Vườn Gòn - Đá Bàn phải hoàn thành các hạng mục công trình còn lại trước ngày 20/4.
Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi phải khởi công trước ngày 1/6. Dự án trụ sở làm việc các cơ quan tỉnh phải khởi công trong tháng 10/2023. Dự án Bảo tàng Trường Sa phải khởi công trong tháng 10/2023.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu giám đốc các sở, thủ trương các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu thời hạn nêu trên và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để gây ra sự chậm trễ trong việc thực hiện Dự án.
Long An có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, tổng vốn đầu tư công thực hiện Dự án đã giao của tỉnh đến nay là 8.775,451 tỷ đồng. Tính đến ngày 29/3/2023, khối lượng thực hiện 2.023,83 tỷ đồng, đạt 23,06% kế hoạch; giải ngân 1.982,199 tỷ đồng, đạt 22,59% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 10,3% kế hoạch).
Trong đó, vốn huyện quản lý 2.203,837 tỷ đồng, đến ngày 29/3/2023 khối lượng thực hiện và giải ngân 354,638 tỷ đồng, đạt 16,09% kế hoạch.
Vốn tỉnh quản lý 6.571,614 tỷ đồng, đến ngày 29/3/2023 khối lượng thực hiện 1.669,192 tỷ đồng, đạt 25,40%; giải ngân 1.627,560 tỷ đồng, đạt 24,77% kế hoạch.
Trong 29 chủ đầu tư có 16 chủ đầu tư giải ngân trên 20% kế hoạch (trong đó có 1 chủ đầu tư đã giải ngân 100% kế hoạch là Công an tỉnh); có 13 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn 20% kế hoạch (trong đó có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân là: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở y tế; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên đoàn Lao động tỉnh).
Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho rằng, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là thiếu vốn bố trí để tiến hành chi trả ngay cho người dân dự án giải phóng mặt bằng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830) vì số vốn bố trí 800 tỷ đồng cho dự án này từ nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đang được Sở tài chính hoàn chỉnh các thủ tục để phát hành.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa thực hiện dứt điểm được giải phóng mặt bằng (chủ yếu là do người dân chưa đồng thuận về giá) bàn giao cho đơn vị thi công hay việc giao mặt bằng không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Đối với các dự án khởi công mới, do việc đấu thầu phải thực hiện theo quy định nên mất nhiều thời gian, vì vậy các dự án khởi công mới chỉ đang thực hiện ở bước xong đấu thầu và mới khởi công nên khối lượng chưa nhiều; cuối năm 2022 một số dự án bố trí vốn lớn thực hiện tạm ứng hợp đồng nên những tháng đầu năm phải thực hiện khối lượng để thu hồi tạm ứng, do đó tỷ lệ giải ngân ở một số chủ đầu tư còn thấp.
Từ tình hình nêu trên, Sở Kế hoạch và đầu tư Long An đề nghị các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 20% kế hoạch vốn đã giao, khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục thanh toán, giải ngân ngay khi đủ điều kiện để nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã có tỷ lệ giải ngân cao hơn 20% kế hoạch đã giao, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành khi đủ điều kiện giải ngân để nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh.
Quảng Ngãi thu ngân sách 7.236 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2023
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong quý I/2023.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, 3 tháng đầu năm 2023, với quyết tâm chính trị cao nhất, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các nội dung công việc đặt ra và các nhiệm vụ phát sinh.
Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%, ngành dịch vụ tăng 6,53%; thu ngân sách đạt 7.236 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán do Trung ương giao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 885,3 tỷ đồng (đứng vị trí thứ 27 của các tỉnh, thành phố).
Đáng chú ý, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Quảng Ngãi cũng đã trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch quốc gia thông qua Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là: Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt thấp so với cùng kỳ (đạt 98,93%); chỉ số sản xuất công nghiệp quý cũng giảm 2,5% so năm trước; một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng; kim ngạch xuất khẩu giảm 3,5%, kim ngạch nhập khẩu giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các Dự án thu tiền sử dụng đất còn chậm, chưa đúng theo tiến độ đề ra; một số vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các địa phương kéo dài qua nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách, tái cơ cấu xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.
Đề xuất cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL vốn 7.158 tỷ đồng
Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất “Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long”, với tổng mức đầu tư 7.158 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA ngân hàng Thế giới (WB) là 5.603 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.555 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án gồm cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si, thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, với quy mô 46 km đường cấp III đồng bằng đi theo tim đường hiện có; xây dựng 23 km tuyến tránh thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Tổng mức đầu tư công trình là 1.853 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 1.273 tỷ đồng, vốn đối ứng 580 tỷ đồng.
Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 62 tỉnh Long An với quy mô 77 km đường cấp III đồng bằng, đi theo tim đường hiện có; xây dựng 8 km tuyến tránh qua thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Công trình có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 1.545 tỷ đồng, vốn đối ứng 705 tỷ đồng.
Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91B Nam Sông Hậu, qui mô 142 km đường cấp III đồng bằng, đi theo tim đường hiện có, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay là 1.318 tỷ đồng; vốn đối ứng 182 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ trên sẽ giúp nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, đảm bảo an toàn giao thông.
Dự án cũng sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá về hiệu quả của Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án có tính liên vùng tốt, phù hợp theo quy hoạch giao thông vận tải đường bộ Việt Nam.
Cụ thể, công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si, thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là trục ngang nối TP. Vĩnh Long và TP. Trà Vinh.
Công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 62 tỉnh Long An kết nối 4 trục dọc: Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM- Trung Lương, tuyến N1, N2 và các tỉnh lộ ĐT.829, ĐT.831, ĐT.837.
Còn công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91B Nam Sông Hậu kết nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 60, nối Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu.
-
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam tăng tốc từng ngày -
Đà Nẵng sẽ chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Khu công nghiệp Hoà Ninh -
Năm 2025, Khu Công nghệ cao TP.HCM khởi công 12 dự án, tổng vốn 1 tỷ USD -
Bình Định giải trình việc lập quy hoạch Khu công nghiệp Phù Mỹ quy mô hơn 820 ha -
Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn -
EVN chờ mong được giao đầu tư các nguồn điện mới -
Quảng Nam điều chỉnh tiến độ dự án Thủy điện Trà Leng 2
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 7/1 -
2 Tin tưởng vào điểm đến Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân kỷ lục 25,35 tỷ USD trong năm 2024 -
3 Vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% -
4 Kích hoạt dần Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
5 Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất ở Đông Á
- Chuyển đổi số trong quản lý: Meey Group tiên phong với hệ thống BSC/KPI
- Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi lớn lên tới 110.000 tỷ đồng ngay từ đầu năm 2025
- Những sản phẩm thuần chay, lành tính cho em bé “lên ngôi”
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mời hợp tác đầu tư
- Ký kết hợp tác DIC Resco - MS Real: Khởi đầu định hướng chiến lược mang tầm nhìn dài hạn
- GREENFEED và hành trình nỗ lực kiến tạo nền nông nghiệp bền vững