Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất tiêm miễn phí vắc-xin sốt xuất huyết
D.Ngân - 10/11/2024 08:37
 
Bộ Y tế đề xuất đưa tiêm ngừa sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng.

Hiện tại Việt Nam đã có vắc-xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, thuộc danh mục vắc-xin được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Vắc-xin này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.

Bộ Y tế đề xuất đưa tiêm ngừa sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng.

Một số nghiên cứu vắc-xin trong nước và quốc tế cũng đang tiếp tục được phát triển và thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn phòng chống bệnh cho người dân.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019.

Nếu trước đây, giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Từ việc chưa có vắc-xin phòng, chống sốt xuất huyết và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hiện nay Việt Nam đã có vũ khí phòng ngừa căn bệnh này là vắc-xin. Vắc-xin sốt xuất huyết nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do sốt xuất huyết.

Bộ Y tế cho rằng việc đưa vắc-xin phòng, chống sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vắc-xin bảo đảm tiêm miễn phí cho dân.

Để đưa vắc-xin sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vắc-xin phòng, chống sốt xuất huyết.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp. Trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm.

Vắc-xin sốt xuất huyết hiện đang được tiêm dịch vụ với giá 1,39 triệu đồng/mũi, tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Mức giá này được cho là gánh nặng với nhiều người có thu nhập thấp.

Dù sốt xuất huyết là dịch bệnh rất cũ nhưng lo ngại là mỗi đợt dịch lại có những khó khăn riêng. Một trong những khó khăn phải kể đến đó là khi nhiễm bệnh, người dân thường đến thẳng phòng khám hay bệnh viện tư, không vào bệnh viện công, không qua trạm y tế.

Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng công cộng, cống rãnh... Tuy nhiên, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng là nơi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Cần vệ sinh nhà cửa, lật úp hết nơi muỗi trú ẩn để diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.

Ðể diệt muỗi có hiệu quả hơn, nên phun thuốc vào buổi sáng, vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.

Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh.

Vì vậy, nếu người từng mắc sốt xuất huyết, trong thời gian mắc bệnh cơ thể có thể tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành chỉ đặc hiệu đối với từng chủng riêng lẻ. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.

Về điều trị bệnh, nhiều người cho rằng khi sốt xuất huyết chỉ uống bù điện giải, không nên uống nước dừa vì không có tác dụng bù nước và khó nhận biết biến chứng.

Điều này là hoàn toàn sai lầm, trong sốt xuất huyết, việc sốt cao nhiều ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.

Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống Oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất. Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.

Tin mới y tế ngày 22/10: Một tuần, Hà Nội thêm 24 ổ dịch sốt xuất huyết
Tuần qua, Hà Nội có thêm 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Thành phố cũng ghi nhận thêm 24 ổ dịch sốt xuất huyết tại 14 quận, huyện.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư