Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất tiếp cận, khai thác hiệu quả mỏ vàng dữ liệu
Tú Ân - 26/08/2022 07:38
 
Dữ liệu được xem là tài nguyên mới, mỏ vàng mới, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ khai thác ở mức vỏn vẹn 5%.
Dữ liệu được xem là tài nguyên mới, mỏ vàng mới.

Mỏ vàng chưa được khai thác

Thừa Thiên Huế là tỉnh tiên phong thực hiện chuyển đổi số, nhiều năm ở nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số chuyển đổi và đã đạt được khá nhiều thành tựu, cùng phản hồi tích cực từ người dân, doanh nghiệp. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), tỷ lệ khai thác dữ liệu của Thừa Thiên Huế cũng chưa quá 5%.

“Như nhiều địa phương khác, Thừa Thiên Huế chưa có chiến lược về dữ liệu. Các dữ liệu hiện tản mát ở nhiều nơi, dẫn đến giảm hiệu quả khai thác và tái sử dụng. Các sở, ngành trong tỉnh bị đánh giá chưa làm chủ dữ liệu, đồng thời thiếu chuyên gia khai phá dữ liệu để giải quyết các bài toán theo từng lĩnh vực”, ông Khoa đánh giá.

Theo ông Khoa, tầm quan trọng của việc xây dựng, chuẩn hóa, quản lý và khai thác dữ liệu trên phạm vi quốc gia là điều không thể phủ nhận. Chính phủ cũng đã có yêu cầu về việc tránh tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Đồng thời, cần tạo kho dữ liệu dùng chung để giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ công một cửa. Thực tế đến nay, cổng dữ liệu quốc gia có 10.600  tập dữ liệu mở sau gần 2 năm vận hành. Con số này bằng 10% ở Australia và 0,75% ở châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy hoạch cho nền tảng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu.

“Điều này dẫn đến việc người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần tìm hiểu, tra cứu thông tin vì thiếu nguồn chính thống, mất thời gian khi thực hiện các dịch vụ công và chưa thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thông minh. Còn các địa phương cũng khó khăn khi cần kết nối với các hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành ở Trung ương. Từ đó chậm chuyển đổi số, tốn nhiều thời gian nhập, quản lý, tra cứu dữ liệu”. ông Khoa nói.

Tiếp cận, khai thác, mở rộng nguồn dữ liệu

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất được tiếp cận, khai thác nguồn dữ liệu. Điển hình là Tập đoàn Viettel kiến nghị cho phép được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để chuẩn hóa thông tin thuê bao và phục vụ phát triển Mobile Money.

Việc kết nối trực tiếp giúp doanh nghiệp xác thực và định danh khách hàng, những thuê bao đã được doanh nghiệp viễn thông thực hiện đối chiếu và xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được phép đăng ký tài khoản Mobile Money. Từ đó giúp đơn giản hóa thủ tục cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng, góp phần triển khai nhanh Mobile Money, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được đáp ứng.

Hay như FiinGroup đề xuất chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu mở quốc gia về dự án phát triển bất động sản dân cư tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, việc chuẩn hóa dữ liệu nhằm phục vụ mục đích tra cứu cơ sở và tình trạng pháp lý dự án bất động sản, đồng thời chia sẻ và kết nối giữa các bộ, ngành và tạo cổng mở cho người dân tra cứu pháp lý dự án của các nhà đầu tư trên thị trường vốn…

Ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc FSI đề xuất phương án xây dựng nền tảng dữ liệu số du lịch toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp phần quản lý, bảo tồn, lan truyền văn hóa, di sản, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.

“Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mà còn giúp doanh nghiệp trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách”, ông  Hoàng Anh chia sẻ.

Lãnh đạo Vinasa đề xuất giải pháp hiệu quả, tập trung mô hình gồm 5 bước: xây dựng chiến lược, làm giàu dữ liệu, chuẩn hóa, hệ thống quản lý kho dữ liệu dùng chung và chia sẻ đến đúng bên sử dụng. Việc xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu cần cơ chế, chính sách được ban hành, áp dụng và cập nhật thường xuyên.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần thu thập từ nhiều nguồn, coi dữ liệu là tài nguyên mới để đưa ra tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ hiệu quả. Hơn hết, cần có hệ thống quản lý kho dữ liệu dùng chung.

Chiến lược dữ liệu đúng đắn, đi kèm bài toán hành động cụ thể sẽ giúp chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu; người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Dữ liệu của người dân, tổ chức từng khai báo được kế thừa, khai thác.

Khai trương trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn nhất Việt Nam
Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khai trương CMC Data Center Tân Thuận tại quận 7 (TP.HCM). Trung tâm dữ liệu hiện đại và an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư