Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Đường ray pháp lý giúp thương mại điện tử tăng tốc
Tú Ân - 06/07/2025 08:19
 
Thương mại điện tử Việt Nam đang tăng tốc mạnh mẽ, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và đúng hướng, rất cần một “đường ray” pháp lý đồng bộ, hiện đại, sát với thực tiễn.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) năng động và tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo cập nhật mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam hiện xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô thị trường TMĐT năm 2024, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường TMĐT đạt trên 20%/năm, với quy mô TMĐT bán lẻ ước đạt 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, tăng 22% so với năm trước.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, TMĐT trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động. Đặc biệt, với đặc thù linh hoạt, quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, TMĐT giúp hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng toàn quốc, thậm chí toàn cầu, với chi phí thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống. Nhu cầu này càng trở nên cấp bách khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng kênh phân phối số, tối ưu trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa phương thức thanh toán.

Bên cạnh đó, TMĐT còn giúp kinh tế tư nhân tăng hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành và nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường. Do đó, hoàn thiện thể chế, bổ sung các chính sách về phát triển TMĐT là nhu cầu cấp thiết để kinh tế tư nhân bắt kịp xu thế, phát huy tiềm năng và khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số.

Dự thảo Luật TMĐT do Bộ Công thương xây dựng đặt trọng tâm giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay như: kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong việc định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; tránh thất thu thuế từ hoạt động TMĐT, bao gồm cả TMĐT xuyên biên giới; nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT và xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trong giai đoạn tới.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Bộ xác định 5 nhóm chính sách lớn, gồm: bổ sung và thống nhất các khái niệm theo quy định pháp luật hiện hành; quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia nhằm đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp; trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với mục tiêu đối xử công bằng giữa các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy, nhanh chóng phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến hợp đồng điện tử; quy định về xây dựng và phát triển TMĐT nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc thúc đẩy TMĐT.

Xây đường ray cho thương mại điện tử tăng tốc

Góp ý cho Dự thảo Luật Thương mại điện tử, ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng trong kiểm soát hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Với TMĐT xuyên biên giới, cần có quy định cụ thể để kiểm soát hàng hóa nhập qua nền tảng số, tránh gian lận và thất thu thuế. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý cho các dịch vụ hỗ trợ TMĐT như logistics, thanh toán, định danh điện tử…

Còn theo đại diện Shopee, quy định hiện tại về hợp pháp hóa lãnh sự rất khó thực hiện khi áp dụng với người bán quốc tế. Do đó, Shopee đề xuất bổ sung nội dung yêu cầu doanh nghiệp nhận ủy quyền từ nền tảng nước ngoài phải có ý kiến đồng ý từ Bộ Công an để đảm bảo an ninh mạng và trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Đồng thời, để tránh việc doanh nghiệp nhận ủy quyền rồi chuyển quyền khi bị xử phạt, Shopee kiến nghị chỉ cho phép mỗi nền tảng quốc tế có một đối tác ủy quyền duy nhất tại Việt Nam.

Ông Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty KTPC góp ý, cần có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới, livestream bán hàng trên mạng xã hội; tăng cường quản lý nhà nước nhằm vừa thu thuế, vừa bảo vệ người tiêu dùng.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, pháp luật TMĐT hiện nay chủ yếu bảo vệ người tiêu dùng, nhưng bỏ ngỏ quyền lợi của người bán. Người bán có thể bị áp đặt chính sách bất lợi, đình chỉ, cấm bán vô lý, hoặc bị hạn chế truy cập dữ liệu. Do đó, cần bổ sung cơ chế bảo vệ người bán, tăng cường minh bạch, đảm bảo quyền thương lượng và tiếp cận dữ liệu.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng cổng thanh toán TMĐT xuyên biên giới do Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Cổng này sẽ hỗ trợ truy vết dòng tiền hiệu quả hơn, xử lý vướng mắc trong xác định doanh thu và nghĩa vụ thuế giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Đề xuất thay cụm từ “dịch vụ trung gian thanh toán” bằng “dịch vụ thanh toán thương mại điện tử”; áp dụng biểu mẫu thống nhất cho báo cáo định kỳ, làm rõ khái niệm “tài khoản người dùng”; đồng thời đồng bộ dữ liệu giữa thuế, hải quan và các cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm chồng chéo và tăng hiệu quả phối hợp.

Từ 1/7, sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ cho nhà bán hàng online
Theo Nghị định 117/2025/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trong và ngoài nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư