Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Đèn xanh” cho việc dừng Dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hóa
Anh Minh - 10/04/2022 08:21
 
Đã có thêm phiếu thuận quan trọng cho việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Thanh Hóa.
Hằn lún vệt bánh xe tại tuyến tránh TP. Thanh Hóa

Địa phương muốn dừng

Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn số 4494/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa (đoạn Km0-Km6) thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chấm dứt trước thời hạn đối với Hợp đồng BOT đầu tư bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 đã ký kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án như phương án kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

“Đây là giải quyết triệt để các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án, đồng thời làm cơ sở quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị trung tâm TP. Thanh Hóa, bao gồm cả 10 km tuyến tránh phía Đông và 6 km tuyến tránh phía Tây”, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm tại Công văn số 4494.

Có khá nhiều lý do khiến UBND tỉnh Thanh Hóa đồng thuận với việc dừng Dự án, trong đó có nguyên nhân từ những trục trặc kéo dài liên quan đến Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa chậm được xử lý, tạo ra những “điểm đen” nguy hiểm về an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 đã hoàn thành từ tháng 1/2019, nhưng đến nay đã hơn 3 năm, nhà đầu tư chưa được thu phí hoàn vốn. Do không có kinh phí, nên nhà đầu tư không thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường và xử lý những bất cập về an toàn giao thông phát sinh trên tuyến.

Cụ thể, đối với tuyến Quốc lộ 1, đoạn tránh phía Đông TP. Thanh Hóa (dài 10 km) từ khi dừng thu phí tại trạm thu phí Bỉm Sơn (tháng 8/2017) đến nay, nhà đầu tư không tổ chức duy tu, dẫn đến nhiều hạng mục công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đoạn mặt đường hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe tạo thành các gờ rãnh sâu; các cầu bị hư hỏng khe co giãn, hằn lún mặt cầu; hệ thống điện chiếu sáng ban đêm bị hư hỏng; hệ thống an toàn giao thông bị xuống cấp… .

Do chất lượng công trình giảm sút, nên trong thời gian vừa qua, đoạn đường này đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông, gây tâm lý bất ổn cho người tham gia giao thông.

Trước tình hình trên, đầu tháng 2/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ GTVT sớm bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện công tác quản lý, bảo trì, cũng như kịp thời xử lý điểm đen mất an toàn giao thông tại nút giao với Đại lộ Lê Lợi. Tuy nhiên, do chưa xử lý dứt điểm các tồn tại trong hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT, nên nhà đầu tư chưa thống nhất bàn giao quản lý, khiến tình trạng hư hỏng nêu trên vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.

Chưa có tiền lệ

Cuối tháng 3/2022, Bộ GTVT đã có Công văn số 2884/BGTVT-ĐTCT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn đối với hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 đã ký kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đồng thời, giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cân đối nguồn vốn phù hợp để chi trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT đề xuất trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, các quy định pháp luật khác có liên quan. Dự kiến, chi phí mà Nhà nước cần thanh toán cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án ước khoảng 920 tỷ đồng trên cơ sở cập nhật đến thời điểm năm 2022, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng, chi phí quản lý vận hành trong giai đoạn khai thác, lãi vay huy động vốn và lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu theo quy định tại hợp đồng.

“Đề xuất này được Bộ GTVT cân nhắc rất kỹ trên cơ sở quy định của Hợp đồng dự án, các quy định của pháp luật, để khắc phục triệt để bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Được biết, việc đầu tư đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 và sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Công văn số 9786/VPCP-KTN ngày 8/12/2014.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở quyết toán chi phí xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh phía Đông TP. Thanh Hóa của Bộ GTVT, trạm thu phí Bỉm Sơn đã dừng hoạt động từ ngày 10/8/2017.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 26/6/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng phương án di dời trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Do đã có Quốc lộ 1, đoạn tránh phía Đông TP. Thanh Hóa và Quốc lộ 1 hiện hữu và trong phạm vi tuyến tránh phía Tây (từ Km0 - Km6) có khoảng 16 vị trí giao cắt, theo đó nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây, các phương tiện sẽ sử dụng các tuyến đường hiện hữu và đường ngang để lưu thông, tránh mất phí, nên không khả thi.

“Việc UBND tỉnh Thanh Hóa và các bên liên quan đồng thuận với việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 sẽ giúp quá trình xử lý những vướng mắc tại Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa nhanh hơn, dù đây là công việc chưa từng có tiền lệ”, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) đánh giá.

Liên quan đến giải pháp xử lý bất cập tại tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (ngân hàng cung cấp tín dụng) và Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa đều đã có các văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán các chi phí và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.
Dự án BOT Tuyến tránh TP. Thanh Hóa: Liệu có lối thoát mềm?
Việc chuyển trạm thu phí về tuyến tránh kết hợp với việc địa phương hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng là phương án mà cơ quan nhà nước có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư