Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 22 tháng 10 năm 2024,
Dệt may đầu tư mở rộng sản xuất
Hải Yến - 31/03/2013 17:44
 
Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song không ít doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn quyết định đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.
TIN LIÊN QUAN

Kiên định với Chiến lược mở rộng quy mô sản xuất để tiếp nhận số lượng đơn hàng lớn hơn, trung tuần tháng 3 này, Tổng công ty cổ phần May 10 đã khởi công xây dựng Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy May Thiệu Đô tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Dự án mở rộng Nhà máy May Thiệu Đô gồm 7 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, trong đó vốn của May 10 chiếm 26%, còn lại là vốn của các cổ đông.

Đáng nói hơn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực và tài chính, Nhà máy dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sau 75 ngày thi công.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho hay, trong tất cả các khâu, thì tiết kiệm trong đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thời gian xây dựng càng nhanh thì mức chi phí càng thấp. Bởi vậy, trong những năm gần đây, các dự án nhà máy của May 10 đều có thời gian thi công rất ngắn.

Trước đó, trong những ngày đầu năm mới, Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) đã khởi công Dự án Xưởng đan kim, với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng. Việc đầu tư Xưởng đan kim không nằm ngoài mục tiêu chủ động về nguyên liệu sản xuất của TCM.

Theo kế hoạch, Xưởng đan sẽ được xây dựng trong vòng 6 tháng, tính từ thời điểm khởi công tháng 1/2013, và chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 6 năm nay, với công suất khoảng 1.181.250 kg vải và 1.260.000 chiếc bo cổ/năm.

Bà Huỳnh Thị Thu Sa, người được ủy quyền công bố thông tin của TCM cho biết, với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chi phí sản xuất và chủ động hơn về nguyên liệu vải cho sản xuất, việc đầu tư xây dựng Xưởng đan mới sẽ góp phần hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013 cũng như đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và nhà đầu tư trong thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may Huế vừa hoàn tất Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy may 3, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng tại phường Thuỷ Dương, TP. Huế. Dự án có quy mô 16 chuyền may, tạo việc làm cho 900 lao động. Công ty này đang tuyển dụng gấp 500 lao động để làm việc tại Nhà máy, với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Bá Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế, thị trường nhập khẩu vẫn chưa thể trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng, nhưng Công ty đã và vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh

và xuất khẩu ở mức tăng trưởng dương.

Ông Quang cho biết, năm 2012, Công ty đạt doanh thu 1.171 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu đạt 60,5 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2011, lợi nhuận đạt 26 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2013 đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gần 67 triệu USD, lợi nhuận đạt 35 tỷ đồng.

Như vậy, trong khi sản xuất, kinh doanh của không ít ngành hàng vẫn sụt giảm khá mạnh, thì hoạt động khá sôi động của ngành dệt may có thể được xem là điểm sáng, không chỉ đem về nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, sự tín nhiệm của bạn hàng nước ngoài, mà còn tạo việc làm ổn định cho một bộ phận không nhỏ người lao động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư