Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu hơn 13,5 triệu USD trong tháng 6/2021
Thị Hồng - 18/07/2021 16:29
 
Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công ghi nhận doanh thu tháng 6/2021 đạt xấp xỉ 13,6 triệu USD và lợi nhuận sau thuế 955.000 USD, cao hơn khoảng 35% so với tháng liền kề trước đó.

Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) vừa gửi đến các cổ đông về hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tháng 6/2021.

Nhờ kết quả kinh doanh nêu trên, doanh thu lũy kế nửa đầu năm của doanh nghiệp này đạt hơn 81,1 triệu USD USD (tương đương trên 1.862 tỷ đồng) cao hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 45,2% kế hoạch năm.

Cùng với đó, Dệt may Thành Công ghi nhận lũy kế lợi nhuận sau thuế đạt 5 triệu USD (tương đương 114,5 tỷ đồng), cao hơn 4,3% so với cũng kỳ năm 2020 và hoàn thành 41,3% kế hoạch năm.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, mặc dù năm nay không có đơn hàng PPE (đồ dùng bảo vệ cá nhân), nhưng nhờ vào sự phục hồi của các đơn hàng may truyền thống, cộng với mảng kinh doanh vải sợi được cải thiện nên đà tăng trưởng của công ty vẫn được giữ vững.

Cụ thể, vì không có đơn hàng vải kháng khuẩn nên doanh thu vải của Dệt may Thành Công chiếm 15% tổng doanh thu, thấp hơn năm ngoái, trong khi doanh thu mảng sợi năm nay được cải thiện hơn năm 2020 và chiếm khoảng 11% tổng doanh thu. 

Mảng chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của công ty vẫn là mảng may mặc (chiếm khoảng 73% trong nửa đầu năm nay).

Xét về khu vực xuất khẩu, hơn 58% sản phẩm của Thành Công được các đối tác châu Á đặt hàng; theo sau đó là châu Mỹ với 36%.

.
Các quốc gia nhập khẩu chính của Dệt may Thành Công (Đvt: USD).



Về hoạt động đầu tư, trong tháng 5/2021, Dệt may Thành Công khởi công xây dựng nhà máy may giai đoạn 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD. 

Dự kiến nhà máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12 năm nay, với công suất khoảng gần 9 triệu sản phẩm/năm. 

Sau khi nhà máy may 2 tại Vĩnh Long đi vào hoạt động, nâng công suất ngành may Dệt may Thành Công lên khoảng hơn 37 triệu sản phẩm/năm.

Đồng thời, nhà máy này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty cũng như giảm gia công bên ngoài nhằm kiểm soát chất lượng và giảm chi phí. 

.
Người lao động làm việc trong nhà máy của Dệt may Thành Công (Ảnh: TCM).

Theo Bộ Công thương, trong nửa đầu đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. 

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi, dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Đơn vị này đánh giá, nhờ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III và cả năm nay.

Nhấn mạnh về những "điểm sáng" về xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương cũng cho rằng, hiện tại, thị trường Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất. Bên cạnh đó là thị trường EU còn nhiều dư địa phát triển. 

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng. 

Nữ lãnh đạo hơn 40 năm gắn bó với Dệt may Thành Công rời vị trí Chủ tịch
Sau hơn 4 thập kỷ làm việc tại Dệt may Thành Công, bà Phan Thị Huệ sẽ từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư