Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nữ lãnh đạo hơn 40 năm gắn bó với Dệt may Thành Công rời vị trí Chủ tịch
Hồng Phúc - 06/04/2021 10:25
 
Sau hơn 4 thập kỷ làm việc tại Dệt may Thành Công, bà Phan Thị Huệ sẽ từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới.

Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã: TCM) cho biết, bà Huệ đã gắn bó với Công ty từ năm 1980 và dù đã đến tuổi về từ hưu vài năm trước, nhưng Công ty đã mời bà Huệ tiếp tục ở lại cống hiến.

Và nay, vì lý do tuổi tác, bà Huệ sẽ từ nhiệm vị trí Chủ tịch và không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới. 

Hội đồng Quản trị Dệt may Thành Công đánh giá, 2020 là một năm thành công nhất của hoạt động công ty trong 5 năm nhiệm kỳ 2016 – 2020 với doanh thu tăng 1,13 lần, lợi nhuận tăng gấp 2,4 lần so với thực hiện năm 2016. 

.
Bà Phan Thị Huệ (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên HĐQT dệt may Thành Công nhiệm kỳ 2016-2021 (Ảnh: H.Phúc).

Và năm 2021 là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ mới 2021 - 2026 của Dệt may Thành Công. Ban lãnh đạo Công ty cho rằng, một cơ cấu HĐQT mới sẽ mang luồng sinh khí mới cho hoạt động nội bộ.

Tính đến hết ngày 01/03/2021- thời hạn cuối để đề cử ứng viên HĐQT, Dệt may Thành Công nhận được hai hồ sơ đề cử từ hai cổ đông lớn, gồm ứng cử của cổ đông Nguyễn Văn Nghĩa. 

Ông Nghĩa sở hữu hơn 7,6 triệu cổ phần, tương đương 12,37% tổng số cổ phần của dệt may Thành Công, đang là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại xây dựng Vận tải Thanh Long và từng giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Prime Group từ 1999 - 2016.

Ngoài ra, cổ đông E-land Asia Holdings Pte., Ltd (E-land) đang nắm 43.26% vốn dệt may Thành Công đề cử 5 ứng viên. 

Trong đó có 2 ứng viên người Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia vào ban lãnh đạo công ty này là ông Jung Sung Kwan sinh năm 1966, hiện phụ trách ngành hàng may mặc của Công ty Eland Retail, Hàn Quốc và ông Kim Il Kyu, sinh năm 1958, đang là Phó chủ tịch Tập đoàn Eland kiêm đại diện Công ty Xây dựng Eland. 

Ông Jung Sung Kwan cùng ông Kim Il Kyu gia nhập Eland Retail và Eland Group từ năm 2014 và 2010 từ vai trò phụ trách chiến lược công ty. 

.
Ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT dệt may Thành Công báo báo cáo kết quả kinh doanh tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của công ty được tổ chức sáng nay (Ảnh: H.Phúc).

3 ứng viên còn lại do E-land Asia Holdings Pte., Ltd đề cử vào HĐQT công ty nhiệm kỳ này là ông Lee Eun Hong, đương nhiệm Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Dệt may Thành Công; ông Trần Như Tùng và bà Nguyễn Minh Hảo, Kế toán trưởng kiêm Thành viên HĐQT công ty.

Ngoài vị trí tại Dệt may Thành Công, ông Lee Eun Hong hiện còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex từ 8/2020 và trước đây từng là giám đốc chiến lược Tập đoàn E Land.

Ngoài ra, HĐQT nhiệm kỳ vừa qua đã đề cử thêm 3 ứng viên HĐQT độc lập trong tổng 09 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 và đều là các gương mặt mới.

Đầu tiên là ông Đinh Tấn Tưởng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt. Trước đây, ông Tưởng từng làm tại Công ty kiểm toán AFC Sài Gòn và Công ty Hợp danh kiểm toán SGN, 

Ứng viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới của dệt may Thành Công là ông Kim Jong Gak, hiện là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Hàn Thời Điểm và Công ty TNHH Seedon Partners; Chủ tịch Hội Hàn Kiều TP.HCM.

Ứng viên cuối cùng là ông Park Heung Su, Tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu và phát triển công nghệ dệt may, hiện là giám đốc Công ty TNHH Kotiti Việt Nam. 

Đại dịch Covid-19 trong năm vừa qua đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và dệt may là một trong những ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nhất.

Do vậy, doanh thu năm 2020 của dệt may Thành Công chỉ đạt 92% so với kế hoạch (với 3.469 tỷ đồng).

Nhưng “trong cái khó lại ló cái khôn”, khi đơn hàng truyền thống bị sụt giảm công ty đã ứng biến kịp thời để sản xuất đơn hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hoạt động này vừa bù đắp cho sự thiếu hụt đơn hàng vừa đóng góp phần nào cho các biện pháp phòng chống sự lây lan dịch bệnh. Đặc biệt liên kết với các doanh nghiệp trong ngành như may Nhà Bè, may Bình Minh…để đáp ứng các đơn hàng gấp.

Và nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này vượt 46% so với kế hoạch (đạt 276 tỷ đồng).

Trong năm 2021, ban lãnh đạo Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.218 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 290 tỷ đồng. 

Yếu tố giúp ngành dệt may trụ vững trong đại dịch
Đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới với trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tăng mạnh trong năm 2020 đã thúc đẩy ngành may mặc Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư