Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dệt may Thành Công: Lãi tăng cùng chiều với rủi ro thu nợ
Chí Tín - 02/02/2021 15:39
 
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) đã có một năm tăng trưởng tốt về lợi nhuận, nhưng rủi ro thu nợ hiện hữu khá rõ.
Dệt may Thành Công đã có một năm sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt
Dệt may Thành Công đã có một năm sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt

Tăng tốc lợi nhuận

Quý IV/2020, Dệt may Thành Công đạt doanh thu thuần 752,2 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty này trong quý cuối cùng của năm 2020 vẫn tăng trưởng 19,6%, đạt 75,6 tỷ đồng.

Lý do chính giúp Thành Công có tăng trưởng lợi nhuận mặc dù doanh thu giảm là vì doanh nghiệp có sự gia tăng về doanh thu hoạt động tài chính, trong khi chi phí tài chính giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã tiết giảm khá mạnh chi phí quản lý trong quý IV/2020 so với cùng kỳ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã có sự tăng trưởng mạnh.

Lũy kế cả năm 2020, Dệt may Thành Công đạt doanh thu thuần 3.469,7 tỷ đồng, giảm 4,8% so với năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 276,2 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm trước.

Biến động các khoản thu nhập tài chính và chi phí của cả năm 2020 cũng có diễn biến chung gần giống của riêng quý IV khi doanh thu hoạt động tài chính của Công ty tăng mạnh, trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.

Theo đánh giá của Dệt may Thành Công về bối cảnh kinh doanh năm 2020 vừa qua, song song với việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm, Công ty đã cho ra đời thương hiệu thời trang mới INNOF với chất lượng cao, hiện đang bán tại thị trường trong nước; phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử AMAZON và bước đầu ghi nhận doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty vừa cho ra đời trang thương mại điện tử với thương hiệu DE CLOSET chuyên về bán hàng thời trang.

Trong thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy may, đan, nhuộm để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Về mặt hàng thời trang, Công ty phát triển theo hướng online, thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.

Tại buổi khởi động năm mới 2021, ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết,  Covid-19 giống như một cơn bão, cây nào có bộ rễ tốt, chắc chắn, lâu đời thì trụ lại, còn cây nào yếu, không có bộ rễ tốt thì rất dễ bị tổn thương và gục ngã. Doanh nghiệp muốn đứng vững trước bão dông, cần có sự đồng lòng, hợp lực và có sự chuẩn bị tốt.

Gia tăng rủi ro thu nợ

Dệt may Thành Công là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi, dệt, đan kim, nhuộm và may mặc, thời trang bán lẻ và một phần kinh doanh bất động sản. Công ty này thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 160 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên thành 620,6 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đang ở mức 1.638,7 tỷ đồng.

Các con số lợi nhuận của Dệt may Thành Công tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh năm 2020, nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn do Covid-19, cho thấy doanh nghiệp có thể còn có hy vọng tăng tốc trong năm 2021 khi dịch bệnh dần qua đi.

Về các con số tài chính cơ bản, Dệt may Thành Công có quy mô nợ và vốn khá an toàn với nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2020 là 1.337,7 tỷ đồng, vẫn thấp hơn vốn chủ sở hữu cùng thời điểm.

Nguồn tiền của doanh nghiệp này cũng đang ở trạng thái khá dồi dào. Số dư tiền và tương đương tiền tại ngày 31/12/2020 là 287,9 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 267 tỷ đồng. Tổng cả 2 khoản trên lên tới hơn 550 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm rủi ro đáng chú ý của doanh nghiệp ngành dệt may này nằm ở các khoản phải thu. Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tuy có chiều hướng giảm mạnh từ 258,8 tỷ đồng hồi đầu năm 2020 xuống còn 199,5 tỷ đồng vào cuối năm, nhưng dự phòng rủi ro ngắn hạn khó đòi lại biến động tăng. Giá trị dự phòng tại thời điểm cuối năm lên tới 99,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới gần 50% giá trị các khoản phải thu ngắn hạn, một tỷ lệ khá “khủng” so với tỷ lệ thông thường của các doanh nghiệp khác.

Dệt may Thành Công công bố lợi nhuận 11,2 triệu USD
Công ty Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM) đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh khá ấn tượng trong năm 2020 với 146 triệu USD doanh thu và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư