Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dệt may Thành Công trở lại “đường đua”
Hồng Phúc - 30/12/2021 14:55
 
Sau tháng 8, tháng 9/2021 báo lỗ, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công đang trở lại “đường đua”, kỳ vọng bứt phá dựa trên các đơn hàng đã ký đến nửa đầu năm 2022.
Ảnh minh họa
Người lao động làm việc trong nhà máy của Dệt may Thành Công (Ảnh: TCM).

Báo lỗ đúng dịp 45 “tuổi”

Tháng 8/2021 là thời điểm Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) tròn 45 năm thành lập, nhưng thay vì hồ hởi chuẩn bị chương trình kỷ niệm, Ban lãnh đạo Công ty phải thở dài đón nhận tin xấu khi đây là tháng đầu tiên báo lỗ (âm 6,4 tỷ đồng) kể từ thời điểm quý IV/2012.

Năm ngoái, trong danh sách các doanh nghiệp dệt may lãi đậm vì tận dụng cơ hội từ nhu cầu với sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế tăng cao, Dệt may Thành Công là cái tên được nhắc đến. Kết thúc năm, doanh thu của Công ty không đạt kế hoạch, nhưng lợi nhuận vượt 46%, đạt hơn 276 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2021, Thành Công không có đơn đặt hàng khẩu trang hay đồ bảo hộ dùng trong lĩnh vực y tế. Song nhờ sự phục hồi của các đơn hàng may truyền thống, cộng với mảng kinh doanh vải sợi được cải thiện, nên đà tăng trưởng của Công ty vẫn được giữ vững. Kết quả, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.850 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2021, khi TP.HCM áp dụng hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội, các chi phí phòng chống dịch, hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”… đã “ăn mòn” lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong tâm dịch như Dệt may Thành Công, khiến tháng 8 lỗ 6,4 tỷ đồng. Đà suy giảm lợi nhuận chưa thể ngừng lại khi diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, quy định giãn cách được siết chặt hơn, với mức lỗ tháng 9 gấp 2,1 lần so với tháng 8.

Trở lại “đường đua”

Sau 2 tháng báo lỗ, Dệt may Thành Công đang trở lại “đường đua” và kết quả kinh doanh tháng 10/2021 phần nào minh chứng điều này. Doanh thu tháng này đạt 262,2 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 46% so với tháng 9; lãi ròng khoảng 1,8 tỷ đồng.

Trong tháng 11/2021, doanh nghiệp đối mặt với thách thức chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, trong khi giá bán theo các đơn hàng đã chốt chưa thể tăng tương ứng. Đây là lý do khiến doanh thu tháng 11/2021 của Dệt may Thành Công tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,4% so với tháng 10/2021, nhưng lãi ròng chỉ đạt gần 3,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước ở mức hơn 251 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo Công ty cho biết, ngay cả trong các tháng báo lỗ, Dệt may Thành Công vẫn tìm kiếm và ký kết được thêm nhiều đơn hàng mới cho năm 2022. Đến giữa tháng 12/2021, Công ty đã nhận đơn hàng đến quý II/2022 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý III/2022.

Như dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 và quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may có thể bị sụt giảm do thiếu lao động. Trong bối cảnh này, Dệt may Thành Công đang trông chờ vào Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022, có thể trở thành trợ lực cho Công ty kịp sản xuất đơn hàng cho năm sau cũng như góp phần kéo giảm chi phí.

Tin vui cũng đến với Dệt may Thành Công khi Công ty nhận những đơn hàng đầu tiên từ khách hàng Revise (Mỹ) sau khi vượt qua kiểm tra và đánh giá nhà máy tại Vĩnh Long.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, mục tiêu 43 tỷ USD xuất khẩu dệt may năm 2022 hoàn toàn có cơ sở đạt được, song các doanh nghiệp trong ngành phải đáp ứng yêu cầu “xanh hoá” sản phẩm khi các nhãn hàng đã có cam kết về tỷ lệ sợi tái chế, nguồn gốc bông, tiết kiệm năng lượng… Các doanh nghiệp chú trọng điều này sẽ thu hút nhiều đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề “bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu” như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas...

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công cho biết, Công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng những nguyên liệu tái chế, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ bền vững, giảm tác hại đến môi trường... Công ty đang sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tại Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 1 và tiếp tục chuẩn bị lắp đặt hệ thống này tại Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2.

Dệt may Thành Công “trở lại đường đua” sau 2 tháng báo lỗ
Sau 2 tháng lỗ khoảng 20 tỷ đồng, Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 10/2021 với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư