Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
ĐHCĐ Licogi 16: Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng 38%
Phan Hằng - 16/04/2022 16:55
 
HĐQTLicogi 16 tự tin sẽ thực hiện được kế hoạch, dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng chính là hạ tầng giao thông, bất động sản và năng lượng. Mục tiêu đến năm 2025, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng.

Sáng nay, ngày 16/04, CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Licogi 16 chia sẻ kết quả kinh doanh quý I/2022 với doanh thu 177 tỷ đồng, lợi nhuận 51 tỷ đồng.

Xây lắp tiếp tục đóng góp chính, tổng giá trị hợp đồng dự kiến ghi nhận trong năm là 2000 tỷ đồng

Năm 2022, Licogi 16 đặt kế hoạch doanh thu đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 11% và lãi sau thuế 250 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 12% .

Ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng giám đốc Licogi 16 cho biết, trên cơ sở chính sách của Chính phủ về việc phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông đối với tuyến cao tốc Bắc Nam, cũng như việc phát triển hạ tầng liên vùng thì doanh thu từ các hợp đồng dự án dự kiến ký kết thực hiện, đã và đang trong quá trình đấu thầu, chỉ định thầu, doanh thu từ các đơn vị thành viên công ty thành viên, bất động sản là 1.100 tỷ đồng.

Tổng giá trị hợp đồng dự kiến ghi nhận trong năm 2022 mà Công ty đã chào thầu, đấu thầu và xin chỉ định thầu dự kiến là 2.000 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 2022, xây lắp tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn, 1.463 tỷ đồng, bao gồm doanh thu chuyển tiếp (dự án đã ký kết hợp đồng và đang thực hiện) từ năm 2021 sang là 893 tỷ đồng (chủ đạo là các dự án công trình giao thông 635 tỷ đồng). Và doanh thu từ các hợp đồng dự án dự kiến ký kết thực hiện, đang trong quá trình đấu thầu và chào thầu là 570 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, hiện nay việc đầu tư, triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc đang gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến việc khan hiếm nguồn vật liệu cũng như giá cả tăng cao.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ban ngành và địa phương có phương án nhằm đảm bảo nguồn cung đối với nguyên vật liệu đầu vào cho các dự án xây dựng đường cao tốc cũng như xem xét lại việc điều chỉnh định mức dự toán xây dựng phù hợp với tình hình biến động giá cả; cập nhật giá cả tại từng địa phương phải làm thường xuyên để sát với giá thực tế... Ông Hùng kỳ vọng, với các động thái trên, khó khăn sẽ sớm được giải quyết.

Do đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào có ảnh hưởng đến lợi nhuận. Licogi 16 đang tham gia 2 dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, Móng Cái, có hệ số điều chỉnh giá nguyên vật liệu, song Công ty đã dự phóng giá nguyên liệu (như nhựa đường) nên đã chốt giá ngay từ đầu. Với Dự án Quốc lộ 45 -Nghi Sơn, có một số vật liệu Công ty chủ động được nên giảm thiểu tối đa các tác động tới hiệu quả hoạt động.

Ngoài xây lắp, Licogi 16 dự kiến ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh khác 200 tỷ đồng, doanh thu từ các đơn vị thành viên 262 tỷ đồng. Và doanh thu từ bất động sản 80 tỷ đồng với trọng tâm là quỹ đất dự án Long Tân. Đây là lĩnh vực hỗ trợ lớn cho LCG về mặt doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền hoạt động trong bối cảnh hoạt động xây lắp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh trong năm qua.

Với lĩnh vực này, LCG sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với phần dự án đã chuyển nhượng làm cơ sở để thu hồi giá trị chuyển nhượng tại Dự án Long Tân City và Dự án Điền Phước. Thêm nữa, Công ty dự kiến đề xuất đầu tư các dự án mới tại các địa phương như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Lâm Đồng để đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh trong giai đoạn đến năm 2025.

Theo Licogi 16, quỹ đất để khai thác của công ty đến năm 2021 không còn nhiều. Cụ thể, với Dự án Long Tân, quỹ đất còn 7 ha, gồm một lô chung cư và 7 lô đất giáo dục y tế. Với dự án Nam Phương, Bảo Lộc, quỹ đất còn 3,4 ha. Dự án trường nghề Thanh Hóa, quỹ đất còn 7,5 ha.

3 trụ cột tăng trưởng giúp Licogi 16 đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu năm 2025

Dự phóng kế hoạch và định hướng Chiến lược giai đoạn 2021-2025, Công ty tập trung 3 lĩnh vực trụ cột là hạ tầng giao thông, bất động sản và năng lượng tái tạo. Licogi 16 dự kiến doanh thu năm 2025 sẽ đạt hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 485 tỷ đồng.

 

Về hạ tầng giao thông, ông Bùi Dương Hùng cho biết, mục tiêu tới 2030 mạng lưới đường cao tốc cả nước là 5.000 km, hiện chỉ mới đạt 20%, nên nguồn công việc của mảng này rất lớn. Licogi 16 rất tự tin về năng lực, gồm cả máy móc và con người, nên đã có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành đăng ký tham gia trực tiếp vài dự án.

Chẳng hạn như là liên doanh Licogi 16 – Công ty Phương Thành đề xuất tham gia dự án độc lập; đề xuất tham gia Dự án cao tốc tuyến Quy Nhơn – Chí Thạnh, Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột. Tiếp tục bám sát theo dõi tình hình, đề xuất đăng ký dự án vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến hành lang kết nối khác, trong trục Bắc -Nam, Đông - Tây.

"Với nguồn lực máy móc thiết bị hiện đại gần 600 tỷ đồng (đã khấu hao 50%) , năm nay, Công ty dự kiến đầu tư thêm 100 tỷ đồng nữa nên LCG tự tin để cạnh tranh tham gia đề xuất các dự án quy mô lớn", ông Hùng cho biết.

Về năng lượng tái tạo, với kinh nghiệm đã có, trong cả triển khai đầu tư hay thực hiện thủ tục xây lắp, với dự án điện mặt trời hoàn thành 2 dự án Nhơn Hải và Chư Ngọc, Công ty đang thực hiện tiếp các dự án điện gió đã được thẩm định, đề xuất thẩm định gồm dự án Thăng Hưng 100 Mwp, Iator 100 Mwp tại Gia Lai, Quảng Trị, Hướng Hóa 2 tại Quảng Trị tổng công suất 96 Mwp, Đình Lập 100 Mwp).

Nói về phương án đầu tư đối với các dự án này,  Licogi 16 hợp tác cùng các đối tác nước ngoài có năng lực về kỹ thuật công nghệ (như công ty Enertrag của Đức) và năng lực về thu xếp tài chính (như Tokyo Gas của Nhật) cam kết lãi suất 4%/năm – lợi thế để tham gia đấu thầu của Công ty.

Riêng dự án điện mặt trời, ngoài 2 dự án đã đầu tư về Solar Chư Ngọc và Solar Ninh Thuận, Công ty đã xin bổ sung đầu tư thêm dự án Điện mặt trời Ninh Sơn 1 công suất 100 Mwp.

Thông tin mới nhất liên quan đến Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy Licogi 16 đang đúng hướng  - đó là tới năm 2045, điện gió, điện sinh khối, điện khí hóa lỏng chiếm 50,7% nhằm thực hiện cam kết Việt Nam tại COP26.

Với lĩnh vực bất động sản, ông Hùng cho rằng, thời gian dài mảng này là bà đỡ tài chính cho lĩnh vực khác của Công ty. Hiện Công ty đang tiếp tục tập trung khai thác quỹ đất đang có và đề xuất các dự án tiếp theo. Cụ thể, hoàn thiện đầu tư hạ tầng và pháp lý để triển khai kinh doanh hết quỹ đất dự án còn lại khoảng 18ha (Long Tân 7ha, Trường Nghề 7,5ha, Nam Phương – Bảo Lộc 3,4ha).

Mục tiêu đến năm 2025 Công ty sẽ phát triển và khai thác được quỹ đất dự kiến 500 ha tại các địa phương Thanh Hóa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, ông Hùng cho biết.

Nhu cầu vốn hơn 20.000 tỷ đồng

Trước các kế hoạch và dự án mà Licogi 16 tiếp cận, cổ đông  đặt nhiều câu hỏi về nguồn lực tài chính để thực hiện.

Ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng giám đốc LCG cho biết mục tiêu đến năm 2025,  xây lắp về hạ tầng giao thông sẽ đạt giá trị hợp đồng 6000 tỷ đồng, mảng bất động sản mục tiêu 500 ha và năng lượng danh mục đang có 521 MW. Trong đó, mảng xây lắp, công ty cân đối nguồn vốn nội tại; 2 lĩnh vực còn lại thì nhu cầu nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng, bao gồm năng lượng 12.000 tỷ đồng và 8000 tỷ đồng cho bất động sản. Trong từng giai đoạn đang phân kỳ 2023-2024-2025, Công ty sẽ có cân đối và cập nhật báo cáo cổ đông về các phương án huy động vốn.

Cũng theo đó, HĐQT Licogi 16 có tờ trình chia cổ tức năm 2021 giảm từ mức 15% xuống 10% và trả bằng cổ phiếu, nhằm dành lại nguồn lực đầu tư. Tương ứng, LCG sẽ phát hành hơn 17 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn phát hành trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2021.

Công ty cũng sẽ tích cực thu hồi công nợ. Tại thời điểm 31/12/2021, công nợ ghi nhận tổng cộng 773 tỷ đồng, hết quý I/2022 thu hồi được 337 tỷ đồng.

Trong năm 2021, dự nợ của Licogi 16 được cơ cấu điều chỉnh giảm rõ rệt, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Dư nợ tại thời điểm cuối năm là 264 tỷ đồng, giảm 53% so với đầu năm sau khi tất toán khoản vay dự án KN Vạn Ninh, Đầm Trà Ô và một phần công nợ hạn mức chung.

Trả lời cổ đông về dự án nhiên liệu sinh học Phương Đông, ông Hùng cho biết, Licogi 16 góp 22%. Quá trình đầu tư và vận hành Dự án này tốt, nhưng thực tế thì không có thị trường. Chính sách của Chính phủ về đầu ra cho sản phẩm này chưa mạnh, nên phải chờ thêm, dự án không đạt hiệu quả như hoạch định. Licogi 16 cũng đã trích lập dự phòng đối với toàn bộ khoản đầu tư này từ các năm trước nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung của Công ty.

ĐHCĐ cũng đã thông qua tờ trình ESP. Cụ thể, Licogi 16 dự kiến phát hành gần 3,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng thụ hưởng là cán bộ công nhân viên gắn bó lâu năm và đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Licogi 16 thống nhất phương án vận hành Nhà máy Ethanol Bình Phước
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 16 (mã LCG, sàn HOSE) vừa thông qua Phương án vận hành Nhà máy Ethanol Bình Phước để phục vụ kinh doanh cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư