Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ĐHCĐ Saigonbank không trình phương án sáp nhập
Thùy Vinh - 24/04/2015 15:37
 
Sáng ngày 24/4, Saigonbank đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2015, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 chỉ ở mức 50 tỷ đồng trước thuế, giảm 78% so với năm 2014. Tỷ lệ cổ tức 2014 được chi trả cho cổ đông ở mức 3% (thay vì 3,5% như đề xuất ban đầu, nhưng NHNN chỉ phê duyệ mức 3%). Tuy nhiên, điều đáng nói là trong ĐHCĐ sáng nay, HĐQT Saigonbank chưa trình cổ đông chủ trương sáp nhập, cụ thể là trước thông tin sáp nhập vào Vietcombank, lý do được cho là vì Thành ủy TP.HCM chưa có kế hoạch.

Trước đó, có thông tin trên thị trường cho rằng, việc sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank đã được chấp thuận chủ trương và hai bên ngân hàng đang tìm hiểu. Nhưng trong kỳ ĐHCĐ thường niên lần này, HĐQT Saigonbank vẫn chưa có tờ trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào ngân hàng khác, cụ thể như thông tin đưa ra đó chính là Vietcombank.

Trước câu hỏi này của cổ đông, đoàn chủ tọa ĐHCĐ Saigonbank cho biết, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao năng lực tài chính, quản trị. Còn về vấn đề sáp nhập, hiện Saigonbank vẫn chưa tính đến. Cơ quan chủ quản của Saigonbank là Thành ủy TP.HCM cũng chưa có ý kiến và kế hoạch cụ thể về vấn đề này nên Saigonbank chưa có kế hoạch sáp nhập.

Kế hoạch đưa ra cho năm 2015, Saigonbank tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, ( tăng 920 tỷ so với năm 2013) theo phương án đã trình ĐHCĐ thông qua. Tuy nhiên, kế hoạch này được Saigonbank đưa ra cho năm rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Việc Saigonbank đưa chỉ tiêu lợi nhuận thấp trong năm 2015 cũng như cổ tức chia mức thấp hơn năm trước đã khiến cho cổ đông không khỏi bức và đặt ra nhiều câu hỏi tại ĐHCĐ sáng nay. Một cổ đông thắc mắc tại sao 2014 Saigonbank đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia 3,5%. Nhưng khi ra trình đại hội, cổ tức chỉ còn 3% và chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 lại giảm đến 78% so với năm rồi.

Trả lời cổ đông câu hỏi này, bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank cho rằng, thực hiện chủ trương của NHNN và ngân hàng phải từng bước đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên trong năm 2015, Saigonbank sẽ bán 500 tỷ đồng nợ xấu theo chỉ tiêu. Do vậy, khoản trích lập dự phòng cũng sẽ tăng lên 186 tỷ đồng trong năm 2015. Chính vì dự phòng tăng đã khiến cho lợi nhuận giảm nên chỉ tiêu ngân hàng đưa cho năm 2015 ở mức 50 tỷ đồng trước thuế cũng đã được cân nhắc đến việc tăng trích dự phòng rủi ro trong năm nay.

Còn về vấn đề cổ tức vì sao lại chia mức 3%, thay vì 3,5% như lúc đầu, HĐQT Saigonbank cho biết, đó là mức cổ tức được NHNN phê duyệt. Phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank sáng nay, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát NHNN ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Điều 59 luật TCTD quy định việc chia cổ tức là quyền của ĐHCĐ. Nhưng Khoản 2 điều 59 cũng quy định, trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, NHNN có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng trong đó có vấn đề chi trả cổ tức.

Theo ông Dũng, trong quá trình ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu thì đòi hỏi các ngân hàng phải tăng năng lực tài chính, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động. Chính vì việc tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận sụt giảm nên cổ tức chia cho cổ đông không như trước đây. Điều này khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, trên địa bàn TP.HCM chỉ mới có 5 NHTM được NHNN phê duyệt tỷ lệ cổ tức được chia. Cụ thể ACB chia cổ tức 7%; Nam A Bank 4% (thay vì 9% như đề xuất của HĐQT ban đầu); HDBank chia ở mức 5% bằng cổ phiếu; Saigonbank chia cổ tức 3% và VietCapital Bank được NHNN phê duyệt chi ở mức 1,5%.

Còn lại các ngân hàng dù lợi nhuận cao nhưng vẫn chưa được chia cổ tức, dù lợi nhuận năm qua đạt mức cao và kế hoạch cổ tức chia trên 10%. Đơn cử là Sacombank, lợi nhuận trước thuế đạt được năm rồi trên 2.800 tỷ đồng và kế hoạch chia cổ tức 2014 ở mức 12% cho cổ đông. Tuy nhiên, mức cổ tức này của Sacombank vẫn đang chờ ý kiến NHNN.

Theo báo cáo về tình hình hoạt động 2014, đến cuối năm 2014, Ngân hàng đạt tổng tài sản 16.520 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013. Huy động vốn tăng 6,5% đạt 11.640 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 5% đạt 11.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 5% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng, cổ tức 3,5%. Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 19.300 tỷ đồng; tăng trưởng huy động vốn 24%: tín dụng tăng 7%; nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ. Trong khi các chỉ số đều đặt mục tiêu tăng ấn tượng thì lợi nhuận lại e dè với con số 50 tỷ đồng, giảm 78% so với thực hiện năm 2014.

Không chỉ phía Saigonbank chưa trình cổ đông phương án sáp nhập mà cũng trong sáng ngày 24/4, Vietcombank đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2015 và HĐQT nhà băng này cho biết hiện, vẫn chưa có kế hoạch sáp nhập cụ thể với ngân hàng khác. Hiện có 5 tổ chức tín dụng mà ngân hàng này đang sở hữu cổ phần và Vietcombank sẽ thoái vốn theo quy định của Thông tư 36. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, về kế hoạch sáp nhập một tổ chức tín dụng khác, tại ĐHCĐ bất thường tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với TCTD khác khi có điều kiện. Đến thời điểm này, do phải tìm hiểu nên vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi chính thức tìm được đối tác cụ thể thì HĐQT sẽ thông báo cổ đông sau.

SCB có Tổng giám đốc mới
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc sẽ giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc của SCB thay ông Lê Khánh Hiền từ ngày 15/10. >>> ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư