Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong: Tăng vốn sẽ tăng hiệu quả, cổ đông không cần lo pha loãng
Nhã An - 25/04/2024 07:32
 
Chứng khoán TPS muốn tận dụng cơ hội thì phải tăng vốn điều lệ để tăng quy mô cho vay margin, và cho rằng việc tăng vốn điều lệ sẽ đem lại hiệu quả rất tốt và cổ đông không cần lo lắng về việc cổ phiếu bị pha loãng.

Trong ĐHĐCĐ diễn ra hôm 24/4, theo bà Bùi Thị Thanh Trà, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS), năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều biến số cần quan tâm do kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi của bối cảnh kinh tế thế giới và những hạn chế bất cập bên trong.

Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp; nền kinh tế dần hồi phục; kỳ vọng hệ thống KRX vận hành; khả năng nâng hạng và giúp thanh khoản cải thiện; thị trường trái phiếu phục hồi trở lại khi nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn lớn, việc các dự án dần được tháo gỡ về pháp lý là tiền đề cho hoạt động huy động vốn và cơ cấu nợ.

Theo đó, TPS định hướng phát huy thế mạnh trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư tư vấn trái phiếu doanh nghiệp, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này, chú trọng trái phiếu niêm yết, chọn lựa tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín, theo các chuẩn mực của 5Cs (Cashflow, Capital, Conditions, Collateral, Corporate Governance) để tư vấn và phân phối đến các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dự báo các hoạt động M&A, IPO, huy động vốn năm nay sẽ trở nên sôi động hơn, nên công ty sẽ phát triển các mảng hoạt động kinh doanh đang có tiềm lực khai thác lớn như tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp (thoái vốn, thu xếp vốn, mua bán - sáp nhập), tư vấn mua bán nợ, bảo lãnh phát hành chứng khoán, mở rộng phân khúc môi giới, cho vay ký quỹ… nhằm đa dạng nguồn doanh thu và lợi nhuận.

Công ty đặt kế hoạch năm 2024 đạt 2.551,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 358 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023 dựa trên cơ sở đa dạng hóa nguồn thu và tiếp tục tối ưu hóa các chi phí. 

TPS tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Tăng cường nhận diện thương hiệu của Công ty thông qua các hoạt động quảng cáo, truyền thông, tư vấn, phân tích và các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới. Chú trọng công tác kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, bảo đảm sự an toàn của sản phẩm, hoạt động kinh doanh của Công ty, từ đó bảo đảm an toàn cho chính khách hàng, cổ đông của Công ty.

Đồng thời, TPS triển khai hoạt động chào bán chứng quyền có bảo đảm, hoạt động kinh doanh phái sinh ngay sau khi được Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, giấy phép… có liên quan.

Kết thúc quý I/2024, lãnh đạo TPS chia sẻ, lợi nhuận trước thuế 93 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm là 358 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng 23% so với quý 1/2023. Về quy mô tài sản, tính đến cuối quý 1, tổng tài sản tăng trưởng 49,2% so với đầu năm, đạt 10.340 tỷ đồng.

Cũng trong quý 1/2024, TPS đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để Công ty tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty. 

HĐQT trình phương án triển khai thêm các đợt phát hành cổ phiếu trong năm để tăng lên 5.608 tỷ đồng.

Cụ thể, công ty chia cổ tức tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu, tương đương phát hành 36 triệu cổ phiếu; phát hành ESOP 14 triệu cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu 201,25 triệu đơn vị. Các đợt phát hành sẽ được thực hiện trong năm 2024 đến quý II/2025. Giá chào bán ESOP là 10.000 đồng/cổ phiếu và chào bán cho cổ đông không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, TPS cũng sẽ phát hành/chào bán trái phiếu với tổng hạn mức tối đa 1.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh như tự doanh, bão lãnh phát hành chứng khoán…

Trả lời câu hỏi cổ đông việc phát hành có làm pha loãng, lãnh đạo TPS cho rằng, khi tăng vốn điều lệ lên thì TPS sẽ được bổ sung nguồn tiền khá lớn. 

Năm 2024 - 2025 thì thị trường chứng khoán sẽ rất phát triển và với P/E của Việt Nam tại thời điểm này - có nhà nhà đầu tư nói với chúng tôi rằng, chưa bao giờ nhìn thấy có một đất nước nào mà có cái chỉ số P/E nó đẹp như thế này, nếu không mua lúc này thì mua lúc nào? Theo lãnh đạo TPS, Công ty muốn tận dụng cơ hội thì phải tăng vốn điều lệ để tăng quy mô cho vay margin, và cho rằng việc tăng vốn điều lệ sẽ đem lại hiệu quả rất tốt và cổ đông không cần lo lắng về việc cổ phiếu bị pha loãng.

“Thủ tục tăng vốn TPS đã thực hiện từ tháng 4 năm ngoái đến tận tháng 3 năm nay chúng ta mới vừa hoàn tất. Chúng tôi cho rằng, việc tăng vốn, phải rất nỗ lực thì cũng phải ở cuối năm 2024, nên là tăng vốn cũng không thể phản ảnh ngay vào kết quả kinh doanh nhưng chắc chắn sẽ phản ảnh vào kết quả kinh doanh năm 2025. Cho nên tôi nghĩ quý cổ đông nên nhìn tương lai của TPS để đánh giá phù hợp”, theo ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT TPS chia sẻ.

Liên quan đến trái phiếu, lãnh đạo TPS cho biết, công ty chọn những tổ chức phát hành có uy tín cũng như là năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cũng như giá trị, đảm bảo tài sản cho các gói trái phiếu. Hiện nay, các tổ chức phát hành mà TPS tư vấn vẫn đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. 

Năm 2024, TPS cũng luôn khai thác và tận dụng những sự phục hồi. TPS tin tưởng rằng trái phiếu cũng đang hồi phục dần. Và tất nhiên không thể tăng trưởng nóng như năm 2020 hay 2021 được, mà ở đây có sự thận trọng hơn. TPS đang tiếp cận nhiều doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp họ cũng rất e dè trong việc phát hành trái phiếu mới. Các doanh nghiệp hiện nay TPS đang tư vấn phát hành cũng như doanh nghiệp tương lai họ sẽ đi theo những tuân thủ đó và đặc biệt là họ sẽ phải đảm bảo những cái tỉ lệ về xếp hạng tín nhiệm. Đây là những cơ hội và cũng là sự minh bạch rõ ràng để đảm bảo nhà đầu tư khi mua trái phiếu họ cũng an tâm hơn. 

Trong danh mục 1.000 tỷ đầu tư vào trái phiếu, có 200 tỷ đồng liên quan đến DGT, theo lãnh đạo TPS, tài sản đảm bảo thì tổ chức phát hành có 2 mỏ đá cũng như cổ phiếu công ty. Với định giá về tài sản đảm bảo thì nhiều hơn so với giá trị TPS đang nắm giữ và hiện nay họ vẫn đảm bảo. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư