Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
ĐHĐCĐ Sacombank 2022: Hai ứng cử viên mới vào HĐQT, sẵn sàng chia cổ tức
T.V - 22/04/2022 08:35
 
Sáng nay (22/4), Sacombank tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 để bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Lộ diện 2 ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập

Sáng nay (22/4), Sacombank tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 để bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 và thông qua kế hoạch kinh doanh 2022. 

Ngay trước thềm Đại hội, ngày 21/4, HĐQT Sacombank bổ sung tờ trình vào danh sách tài liệu gửi tới cổ đông, đó là tờ trình về danh sách ứng cử, đề cử nhân sự vào ĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Đứng đầu danh sách đề cử là ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT đương nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc.

Cả ông Minh và bà Diễm đều được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn Sacombank đề cử và được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm thành viên nhiệm kỳ mới.

Tiếp theo trong danh sách đề cử là ông Phạm Văn Phong (sinh năm 1962), ông Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1981), ông Phan Đình Tuệ (sinh năm 1966), bà Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1962) và ông Vương Công Đức (sinh năm 1971).

Cả 5 nhân sự này đều được HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử. Trong đó, ông Đức và bà Hằng được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.

Ông Phạm Văn Phong đang là Phó chủ tịch thường trực, ông Nguyễn Xuân Vũ là thành viên HĐQT của Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021. Ông Phan Đình Tuệ đang là Phó Tổng giám đốc. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng và ông Vương Công Đức đều là người mới.

Còn hai người của nhiệm kỳ cũ là ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó chủ tịch HĐQT hiện tại) và ông Nguyễn Văn Huynh (thành viên HĐQT - người cũ của LienVietPostBank cùng thời với ông Dương Công Minh) không có mặt trong danh sách đề cử.

Như vậy, về cơ bản HĐQT của Sacombank sẽ không có sự thay đổi lớn, chỉ có 2 vị trí thành viên độc lập là người mới. Theo giới thiệu của ngân hàng, bà Phạm Thị Thu Hằng có 28 năm làm việc trong lĩnh vực chính sách thương mại và công nghiệp Việt Nam còn ông Vương Công Đức có 28 năm làm việc trong lĩnh vực Luật - Tài chính - Ngân hàng.

Trong khi đó, Ban kiểm soát Sacombank lại dự kiến có sự thay đổi rất lớn khi chỉ có một thành viên duy nhất của nhiệm kỳ cũ được giới thiệu vào nhiệm kỳ mới, còn 3 người cũ thì không có tên.

Cụ thể, ông Trần Minh Triết, trưởng BKS đương nhiệm được HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021 đề cử làm tiếp trong nhiệm kỳ mới, trong khi ông Lê Văn Tòng, ông Hà Tôn Trung Hạnh và bà Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ thôi làm thành viên ban kiểm soát.

Ba người được đề cử thay thế gồm ông Lê Văn Thành (sinh năm 1963), bà Hà Quỳnh Anh (sinh năm 1971) và ông Lâm Văn Kiệt (sinh năm 1972). Trong đó bà Hà Quỳnh Anh đang là Phó Tổng giám đốc của nhà băng này.

Mục tiêu lãi 5.280 tỷ đồng, lợi nhuận giữ lại 9.000 tỷ đồng sẵn sàng chia cổ tức

Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 Sacombank dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Ngoài mục tiêu lợi nhuận, tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Sacombank cho biết, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong giai đoạn 2022-2026 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.

Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.

Báo cáo của HĐQT Sacombank cho biết, luỹ kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần 50% vốn điều lệ của Sacombank, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện.

HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.

Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác, như chia cổ tức, bán 32,5% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Đồng thời, trong giai đoạn 2022-2026, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản.

Nhưng sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.

Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.

Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.Trong năm 2021, ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng.

Ngân hàng này cho biết, nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, vượt con số kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.

Ngân hàng cũng đã trích lập đươc 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng, nâng tổng mức trích lập luỹ kế lên 20.287 tỷ, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án đến năm 2025. 

Năm qua, Sacombank cũng hoàn tất thanh lý toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, mang lại nguồn thặng dư 1.684 tỷ đồng, giúp tăng vốn tự có và bổ sung vốn kinh doanh.

Vị thế của Sacombank phục hồi trên thị trường, được nhà đầu tư đánh giá cao khi giá cổ phiếu STB tăng gấp 3,3 lần năm 2016 từ chưa đến 10.000 đồng lên trên 31 nghìn đồng/cổ phiếu, tuy có giảm nhẹ gần đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư