Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
ĐHĐCĐ Vietcombank: Thương vụ bán 6,5% vốn có thể hoàn thành chậm nhất năm 2025
T.L - 27/04/2024 12:31
 
Sáng nay (27/4), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức và đang xúc tiến thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn.

Chia toàn bộ lợi nhuận cho cổ đông, đang xúc tiến phát hành riêng lẻ 6,5%

Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng.

Năm nay, Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng gần 16%. Nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Về lợi nhuận, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.

Tính đến hết quý I/2024, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng 3,31% (giảm chủ động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn), tín dụng giảm 0,42%, chủ yếu do tín dụng bán lẻ giảm. Thu lãi thuần giảm do tác động giảm lãi suất sâu, thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.   

Một trong những tờ trình đáng chú ý nhất của ĐHĐCĐ Vietcombank là kế hoạch phân phối lợi nhuận. Ngân hàng dự định dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ (24.987 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy vậy, tờ trình không nêu rõ sẽ chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức. 

Về kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT cho biết, Vietcombank đang thu xếp, có thể sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ hoàn thành thương vụ từ nay đến năm 2025. 

Trước đó, theo thông tin từ Bloomberg, Vietcombank chọn Citigroup để dàn xếp thương vị bán vốn với trị giá 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng). 

Dự kiến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém ngay trong năm 2024

Liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, ông Đỗ Việt Hùng cho hay, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai thì sẽ trong năm 2024. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế.

Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập…

Về khoản nợ xấu có khả năng mất vốn khi cho vay tổ chức tín dụng khác, cụ thể là CBBank, Phó tổng giám đốc Vietcombank Phùng Hải Yến cho hay, từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank (năm 2012 cho vay 10.000 tỷ đồng và năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng). Theo quy định, các khoản vay này được xếp vào nợ nhóm 5. Tuy vậy, trong quý I/2024, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.  

Đáng chú ý, hết quý I/2024, nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,99% lên 1,22%. Lãnh đạo ngân hàng cam kết nợ xấu năm nay kiểm soát dưới 1,5%.

Khi nào thì tiến hành chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư