Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Khi nào thì tiến hành chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Mạnh Bôn - 18/09/2017 15:06
 
Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường

Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sẽ phải cơ cấu lại là một trong số nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sáng nay (18/9).

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, khi tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt bắt buộc phải thực hiện cơ cấu theo 1 trong 4 phương án là phục hồi; giải thể; chuyển giao bắt buộc; hoặc phá sản. Trong đó, phương án chuyển giao bắt buộc theo Dự thảo là việc chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.

Chuyển giao bắt buộc được hiểu là một tổ chức tín dụng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không có khả năng  phục hồi, nhưng không cho phá sản, giải thể vì sợ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tình hình kinh tế - xã hội, gây đổ vỡ lan truyền đến hệ thống ngân hàng buộc phải bán lại với giá 0 đồng cho tổ chức khác.

Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển khá băn khoăn về quy định này. Bởi theo ông, Hiến pháp đã quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

“Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Tổ chức tín dụng bị chuyển giao bắt buộc không rơi vào trường hợp thật cần thiết thì phải nghiên cứu thật kỹ quy định này”.

“Chuyển giao bắt buộc thực ra bắt buộc ngân hàng quá yếu kém, không thể phục hồi bán cho tổ chức khác với giá 0 đồng. Chuyển giao bắt buộc có phù hợp với Hiến pháp không cần phải giải trình rất rõ”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đúng là có những ngân hàng quá yếu kém, nếu tiếp tục để tồn tại sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế nhưng không “chôn” (giải thể, phá sản) được cần phải sử dụng phương án chuyển giao bắt buộc.  

“Vấn đề này rất phức tạp, nhạy cảm, Chính phủ phải giải trình rõ trước Quốc hội, trong đó phải giải thích chuyển giao bắt buộc khác với mua lại ngân hàng với giá 0 đồng (như đã từng áp dụng với Oceanbank, GPBank và VNCB)”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu.

Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng cũng rất phân vân với phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt mà không có cách nào phục hồi được trong khi nếu để phá sản, giải thể sợ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội nói chung.

“Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp bảo vệ, nếu bị chuyển giao bắt buộc thì tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị mất trắng trong khi để ngân hàng rơi vào tình trạng “không thể vãn hồi” là do một số cá nhân, cổ đông lớn nằm trong ban lãnh đạo, ban điều hành, HĐQT của ngân hàng đó mà thôi”, bà Phóng tâm tư.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng khẳng định, Nhà nước sẽ không nhận chuyển giao bắt buộc (mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng) mà việc chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng lâm vào khủng hoảng, âm vốn chủ sở hữu, các cổ đông không có năng lực tài chính để tăng vốn cho tổ chức khác, nhà đầu tư mới tiếp quản ngân hàng này và phải chịu toàn bộ trách nhiệm cũng như hưởng quyền lợi mà ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc để lại.

“Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Ở Việt Nam, việc chuyển giao bắt buộc không hề vi hiến”, ông Hưng nhấn mạnh.

“Một ngân hàng đã bị âm vốn chủ sở hữu, tài sản nợ lớn hơn tài sản có, vốn cổ phần do cổ đông đóng góp không còn giá trị trên thị trường, nếu để giải thể, phá sản thì cổ đông cũng không thu lại được đồng nào, vì thế việc chuyển gia bắt buộc tương tự như bán lại ngân hàng với giá 0 đồng cho nhà đầu tư khác để họ quản lý, tái cơ cấu, phục hồi lại ngân hàng không hề vi hiến”, ông Hưng nói thêm.

Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng, ngân hàng thực ra là một doanh nghiệp, cổ đông, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm cũng như có quyền hạn trong số vốn đóng góp của mình vào doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, phải giải thể, phá sản, và trong trường hợp này thường thì cổ đông, thành viên góp vốn cũng mất hết phần vốn góp.

“Mặc dù cũng là doanh nghiệp, hoạt động thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu, nợ nần chồng chất, đáng ra phải giải thể, phá sản như doanh nghiệp, nhưng do là doanh nghiệp đặc biệt, nhận tiền gửi của dân, nếu để phá sản thì sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với hoạt động kinh tế, hệ thống ngân hàng, mà còn ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người gửi tiền vào ngân hàng nên mới có phương án chuyển giao bắt buộc. Quy định này không trái với Luật Doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.

Kết luận Phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, chuyển giao bắt buộc là phương án khả quan nhất trong tái cơ cấu hệ thông ngân hàng, nhưng phải làm rõ nội hàm khi nào, điều kiện nào phải chuyển giao bắt buộc.

Cho phá sản ngân hàng để chống “ỷ thế làm liều”
Nhận xét giải pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, song bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư