Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cổ đông lớn hết đường chống đối tái cơ cấu
Thùy Liên - 26/08/2017 07:36
 
Nhiều quy định mới về siết chặt sở hữu chéo, chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, thậm chí cho phá sản ngân hàng yếu kém, sẽ sớm được ban hành.
TIN LIÊN QUAN

Kiểm soát mua bán cổ phần, chặn cổ đông lớn thao túng

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)  cho hay, sau 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo chưa được xử lý triệt để.

Thiếu các chế tài xử lý, khiến cả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định, trong khi nhiều cổ đông lớn chây ỳ, chống đối, bất hợp tác. Một số đại án ngân hàng xảy ra ở Ngân hàng VNCB hay Sacombank thời gian qua cũng xuất phát từ sở hữu chéo.

Một số đại án ngân hàng, trong đó có vụ Ocean Bank xảy ra thời gian qua có một phần căn nguyên từ tình trạng sở hữu chéo. Ảnh: S.T
Một số đại án ngân hàng, trong đó có vụ Ocean Bank xảy ra thời gian qua có một phần căn nguyên từ tình trạng sở hữu chéo. Ảnh: S.T

Được biết, để khắc phục những tồn tại trên, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước - đơn vị soạn thảo - đã bổ sung nhiều quy định để siết vòi sở hữu chéo. Đặc biệt, việc mua bán và sở hữu cổ phần mua hàng bị kiểm soát rất chặt.

Theo đó, các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải được chứng minh rõ ràng và không có nguồn gốc từ vốn vay.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác. Quy định này làm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo.

Tán thành những quy định trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh: “Chúng ta có những bài học quan trọng tái cơ cấu giai đoạn vừa qua. Hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã bước vào giai đoạn II với bối cảnh khác, đòi hỏi phải xử lý triệt để sở hữu chéo ngân hàng, đảm bảo vốn của ngân hàng là vốn thực có, chứ không phải vốn ảo”.

Từng là Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, sở hữu chéo gây ra rất nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ lên mấy ngàn tỷ đồng, nhưng nguồn tiền đó thực chất là ngân hàng nọ vay ngân hàng kia, lòng vòng sở hữu. Do vậy, việc quy định chặt hơn về sở hữu chéo là rất cần thiết.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sở hữu chéo và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Việc sửa đổi toàn bộ nội dung của Luật dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2020.

Tuy vậy, một số chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội cũng lo ngại, quy định dù chặt đến mấy thì các cổ đông vẫn có nhiều chiêu để lách. Do đó, bên cạnh bổ sung các quy định mới, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng phải trang bị “radar” tốt để phát hiện sớm những sai phạm của các cổ đông lớn.

Cổ đông lớn hết đường chống đối

Hiện nay, xử lý ngân hàng yếu kém chủ yếu thực hiện theo 2 cách: tự tái cơ cấu hoặc thay đổi tư cách pháp nhân (qua mua bán, sáp nhập, hợp nhất…). Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, cả 2 cách này đều không mang lại hiệu quả. Nhiều ngân hàng âm sâu vốn chủ sở hữu, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng không thể cho phá sản do Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền yêu cầu giải thể bắt buộc với ngân hàng yếu kém không có khả năng phục hồi.

Do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, thời gian qua, một số cổ đông lớn không chỉ chây ỳ tái cơ cấu, mà thậm chí còn thách thức, chống đối cơ quan quản lý.

Để xử lý một số ngân hàng quá yếu kém, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua bắt buộc 0 đồng với 3 ngân hàng. Cách xử lý này tuy không trái luật, song lại gây tranh cãi, đòi hỏi phải bổ sung thêm các quy định pháp lý.

Chính vì vậy, ông Đoàn Thái Sơn cho hay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, các ngân hàng không xây dựng được/không được phê duyệt phương án phục hồi hoặc đã được phê duyệt phương án, nhưng không phục hồi được; không thực hiện được việc thay đổi tư cách pháp nhân (qua mua bán, sáp nhập, hợp nhất…); giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm…, thì sẽ phải chuyển giao bắt buộc.

Dự thảo cũng mở đường cho phá sản ngân hàng. Theo đó, Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phá sản ngân hàng quá yếu kém đã có thể tính tới. Tuy nhiên, thay vì “đá” quả bóng trách nhiệm lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể đảm nhận công việc này để giảm tải cho Chính phủ và nâng cao vai trò của chính mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư