Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Cho phá sản ngân hàng để chống “ỷ thế làm liều”
Thùy Liên - 27/10/2015 06:23
 
Nhận xét giải pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, song bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh, giải pháp này chỉ phù hợp trong giai đoạn hiện tại và chỉ nên coi là giải pháp tình thế.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, mua lại ngân hàng là phù hợp trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, và đây cũng là bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới triển khai thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo tố tụng tư pháp quy định tại Luật phá sản mà Quốc hội vừa thông qua năm 2014.

Chính Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam cũng đánh giá: giải pháp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc ngân hàng yếu chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng tới khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.

“Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” của cả hai bên. Hơn nữa, để các tổ chức tín dụng phá sản sẽ công bằng hơn, vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ những ngân hàng này”, bà Nga khuyến nghị.

Trước đó,  ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước giải thích: “Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền”. 

Liên quan đến vấn đề mua ngân hàng với giá 0 đồng, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cũng cho rằng, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu là giải pháp duy nhất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Song Luật sư Đức cũng cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và trong tình hình hệ thống pháp luật chưa đầy đủ. Vì vậy, sự việc đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nói chung và cổ đông ngân hàng nói riêng.

Do đó, để đảm bảo chắc chắn và rõ ràng cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp trên, cần xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 hoặc sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết.

Tọa đàm Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” diễn ra chiều 26/10 do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) tổ chức đã thu hút đông đảo đại biểu quốc hội, giới chuyên gia và giới luật sư tham dự.
Ngân hàng phá sản, người dân được trả tiền trong vòng 1 tháng
Thủ tục trả bảo hiểm tiền gửi cho người dân khi ngân hàng mất khả năng thanh khoản được quy định tại  Thông tư số 24/2014/TT-NHNN, có hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư