Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Lên kế hoạch bán 29 tàu bay, cân nhắc phát hành trái phiếu
Anh Minh - 14/12/2021 15:10
 
Kế hoạch tái cơ cấu tổng thể Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, MCK: HVN) giai đoạn 2021 - 2025 vừa được các cổ đông thông qua để vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.
Nội dung thảo luận nổi bật là phương án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025.
Nội dung thảo luận nổi bật là phương án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025.

Sáng 14/12, Vietnam Airlines tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 để xin ý kiến cổ đông về một số nội dung, nổi bật trong đó là phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Đại hội cũng thông qua việc sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ Tổng công ty; phương án kiện toàn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, trước diễn biến kéo dài và phức tạp của dịch Covid-19, trong số các giai pháp đã, đang và sẽ thực hiện, Vietnam Airlines xác định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm, được triển khai trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025.

“Chúng tôi kỳ vọng những nội dung này không chỉ là sự thay đổi của Vietnam Airlines để duy trì sản xuất kinh doanh, ứng phó, vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”, ông Hòa nhấn mạnh.

Những mục tiêu lớn

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, mục tiêu công tác cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 là chính là thay đổi cơ cấu tổ chức, công cụ quản lý, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu lao động… tạo ra bước đột phá về chiến lược để bảo đảm hãng nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi, từng bước giảm lỗ lũy kế, có nguồn lực triển khai các dự án đầu tư trọng điểm để sẵn sàng cho quá trình phát triển trong dài hạn, duy trì vị thế dẫn dắt tại thị trường hàng không Việt Nam đảm nhận vai trò sứ mệnh hãng hàng không quốc gia. 

Trong đó, tái cơ cấu tài sản để đổi mới công nghệ và hỗ trợ thanh khoản, khả năng trả nợ; tái cơ cấu, thoái vốn tại một số danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp song song với việc hoàn thiện hình thành hệ sinh thái mới trong bối cảnh và điều kiện thị trường thay đổi; tái cơ cấu nguồn vốn để đảm bảo vốn chủ sở hữu không bị âm để tránh các hệ lụy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các mục tiêu sẽ được phân kỳ thực hiện. Theo đó, mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán để Vietnam Airlines nhanh chóng thoát ra khỏi trạng thái khủng hoảng cần phải được giải quyết ngay từ những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. 

Cũng như nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines đang phải chịu tác động cực lớn do dịch Covid-19.

Do dịch bệnh phức tạp kéo dài cùng với các chính sách hạn chế đi lại để phòng chống dịch của Chính phủ dẫn đến thị trường sụt giảm, quy mô sản xuất bị thu hẹp, dư thừa nguồn lực sản xuất.

Từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã phải tạm ngừng toàn bộ mạng bay quốc tế thường lệ và tới nay chưa đủ điều kiện để mở lại. Tại thị trường nội địa, trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4 đã khiến các hãng hãng hàng không phải tạm dừng khai thác nội địa và chỉ mới được thí điểm mở lại ở quy mô hạn chế từ ngày 10/10/2021.

Hoạt động khai thác bị ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm đột ngột, thậm chí có giai đoạn không có nguồn thu trong khi chi phí cố định lớn nên phát sinh lỗ lớn (ước tính lỗ lũy kế Hợp nhất và của Công ty Mẹ cuối năm 2021 là 24.552 tỷ đồng và 21.403 tỷ đồng), nguồn vốn chủ sở hữu bị giảm sút mạnh, dòng tiền thâm hụt nặng, nợ quá hạn tăng cao (dư nợ vay ngắn hạn và nợ phải trả quá hạn cuối năm 2021 dự kiến là 4.402 tỷ đồng và 12.091 tỷ đồng).

Tình trạng tài chính suy yếu, mức độ rủi ro tín dụng tăng cao dẫn đến Vietnam Airlines vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để bù đắp dòng tiền thiếu hụt.Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và cổ đông, năm 2020 Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng, và dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Kết quả này có được chủ yếu nhờ việc linh hoạt tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ;...

Bên cạnh cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội gia tăng doanh thu thông qua thực hiện các chuyến bay hồi hương, chở chuyên gia, tăng cường vận chuyển hàng hóa,...

Trong quý III/2021, Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành kế hoạch phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và ký kết hợp đồng vay vốn 4.000 tỷ đồng với các ngân hàng thương mại.

Nhờ được bổ sung nguồn vốn, Vietnam Airlines đã giải tỏa phần náo áp lực dòng tiền, cải thiện khả năng thanh toán.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, gói hỗ trợ của Chính phủ hiện đã được Vietnam Airlines giải ngân khoảng 60% giá trị thực sự là nguồn lực quý, giúp hãng tạm thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản dòng tiền.

“Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này mới chỉ bù đắp tình trạng mất cân đối về thu chi trong năm 2020, trong khi đó tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2021 là rất khó khăn”, ông Hiền cho biết.

Vietnam Airlines dự đoán sản lượng hành khách quốc tế năm 2022 chỉ bằng 19
Vietnam Airlines dự đoán sản lượng hành khách quốc tế năm 2022 chỉ bằng 25% so với năm 2019.

Cơ cấu lại, đẩy mạnh bán tàu bay

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp.

Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...

Liên quan đến việc tái cơ cấu đội tàu bay, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết là hãng  đang khai thác 107 tàu bay (29 tàu thân rộng, 71 tàu thân hẹp và 7 tàu cánh quạt) có độ tuổi trung bình dưới 10 năm tuổi, bao gồm các dòng tàu bay thế hệ mới, tiết kiệm chi phí, mang lại tiện nghi, chất lượng dịch vụ cao cho hành khách.

Trong khi đó với việc thị trường hàng không nội địa năm 2022 được dự báo chỉ bằng 70% năm 2019 và thị trường hàng không quốc tế năm 2022 bằng 25% so với năm 2019, Vietnam Airlines sẽ dư thừa ít nhất 60 tàu bay. Dư thừa tàu bay dự kiến có thể kéo dài sang đến năm 2023, gây thua lỗ lớn và làm thâm hụt và suy giảm dòng tiền một cách nghiêm trọng.

Do vậy, để giảm lỗ trực tiếp trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu các rủi ro pháp lý do vi phạm quy định Hợp đồng thuê khai thác tàu bay do nợ quá hạn cũng như nắm bắt cơ hội cơ cấu lại chi phí thuê tàu bay trong thời gian tới nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững, Vietnam Airlines đặt mục tiêu đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê để giảm áp lực dòng tiền; giảm tiền thuê để cắt giảm chi phí trực tiếp vào chi phí tàu bay thuê. VNA đặt mục tiêu giảm chi phí thuê tàu giai đoạn 2021-2025 là 5.250 tỷ đồng.

Với các tàu bay chưa nhận, hãng tiếp tục đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); Hủy một số hợp đồng các tàu bay chưa nhận. Dự kiến số giảm do không nhận tàu vào khoảng 3.000 tỷ đồng, giảm trách nhiệm pháp lý trả nợ (Liability) do hủy nhận tàu khoảng 12.550 tỷ đồng.

Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, Vietnam Airlines sẽ cơ cấu lại đội tàu bay sở hữu để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập. Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 29 tàu bay, trong đó bán 23 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72.

Như vậy, hoạt động thanh lý máy bay cũ dự kiến giúp bổ sung thu nhập và  bổ sung dòng tiền. Tuy nhiên, do hoạt động vận tải hàng không còn đang khủng hoảng, thị trường vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay, nên việc thanh lý tàu bay cũng có những rủi ro nhất định về tính khả thi và giá bán, đặc biệt là đối với kế hoạch thanh lý 6 tàu bay ATR72.

Vietnam Airlines đang gặp khó với việc thanh lý đội bay ATR72.
Vietnam Airlines đang gặp khó với việc thanh lý đội bay ATR72.

Cân nhắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu thông qua việc triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

 “Sau khi hoàn thành các đợt tăng vốn, vốn điều lệ của Vietnam Airlines dự kiến sẽ tăng lên và đủ để đảm bảo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines không bị âm, có nguồn lực để bố trí vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Trần Thanh Hiền thông tin.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, giải pháp kêu gọi bổ sung tiền khẩn cấp từ các cổ đông để có ngay dòng tiền kịp thời ứng phó với tình huống khủng hoảng được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng.

Đây là phương án đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo, đặc biệt khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài, vừa giúp cải thiện quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, vừa đảm bảo các chỉ số tài chính không bị mất cân đối.

Ngoài ra, đây là nguồn vốn dài hạn, không có chi phí vốn trực tiếp, nhờ đó giúp VNA giảm chi phí, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh để từng bước xóa lỗ lũy kế theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 135/NQ2020/QH14.

Ngoài đợt tăng vốn vào năm 2021 (Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô phát hành là 8.000 tỷ đồng) hãng sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo các hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ bổ sung dòng tiền thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh kéo dài, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm nhằm sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết hãng sẽ cân nhắc việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là một kênh huy động quan trọng, mở ra kênh huy động vốn mới bên cạnh kênh huy động truyền thống từ các tổ chức tín dụng từ trước tới nay Vietnam Airlines vẫn đang thực hiện.

Trong trường hợp thị trường diễn biến theo kịch bản xấu, quy mô tăng vốn không đủ để bù đắp thâm hụt dòng tiền, Vietnam Airlines sẽ xem xét phương án phát hành trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ (trong nước hoặc quốc tế) với các hình thức trái phiếu phù hợp và khả thi, đánh giá ưu nhược điểm mỗi phương án trước khi quyết định lựa chọn.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đã xây dựng phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn tại các công ty con/liên kết trên một nguyên tắc thận trọng, có tính đến các kịch bản phục hồi của ngành hàng không thế giới và kết quả tái cơ cấu tài sản, chuyển nhượng vốn theo lộ trình và có thứ tự ưu tiên. Trong quá trình triển khai, bất kể khi nào đạt được mục tiêu, Vietnam Airlines sẽ dừng hoặc cần thiết sẽ thay đổi phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Việc lựa chọn các công ty con để triển khai tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn được thực hiện trên các tiêu chí về: mức độ gắn kết với Công ty Mẹ, quy mô doanh nghiệp đủ lớn để thực hiện chuyển nhượng vốn tạo dòng tiền và thu nhập đủ bù đắp cho lỗ lũy kế của Công ty Mẹ, tính khả thi khi triển khai, mức độ hấp dẫn ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường.

Tổng giám đốc Lê Hồng Hà: Giá vé đường bay thẳng tới Mỹ của Vietnam Airlines sẽ rất cạnh tranh
Đây là khẳng định của ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) liên quan đến giá vé dự kiến cho chuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư