Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
DHL tham vọng dẫn đầu dịch vụ B2C
Hồng Sơn - 27/07/2017 20:52
 
Không khó để nhận diện những tham vọng của DHL - tập đoàn vận chuyển giao nhận hàng đầu thế giới khi bước chân vào lĩnh vực giao nhận hàng thương mại điện tử tại Việt Nam.
DHL trong ngày khai trương dịch vụ vận chuyển B2C tại Việt Nam. Ảnh: H.S
DHL trong ngày khai trương dịch vụ vận chuyển B2C tại Việt Nam. Ảnh: H.S

Chọn “điểm rơi” để đầu tư

Theo ông Charles Brewer, CEO của DHL eCommerce, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được biết đến với tiềm năng to lớn và chưa được khai thác tối đa hiệu quả. Năm 2016, tổng giá trị thanh toán thương mại điện tử đạt 1 tỷ USD, dù cả nước chỉ có hơn 50% người dân sử dụng mạng Internet.

“Với mức tiêu thương mại điện tử dự kiến tăng khoảng 23% mỗi năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao hơn bao giờ hết để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc”, ông Charles Brewer nói về lý do DHL ra mắt DHL eCommerce Việt Nam tại TP.HCM và công bố khai trương dịch vụ vận chuyển B2C (thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng) tại thị trường Việt Nam.

Ông Thomas Harris, Giám đốc điều hành của DHL eCommerce Việt Nam cho biết, dịch vụ vận chuyển B2C sẽ cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như: điểm dịch vụ DHL ServicePoints (điểm gửi hàng đầu - cuối), thu tiền hộ và mở hộp kiểm tra - đổi trả hàng…

Cũng theo ông Thomas Harris, thống kê năm 2016 cho thấy, chỉ có 15% khách mua hàng online tại Việt Nam là trả tiền trực tuyến. Vậy nên, thanh toán bằng tiền mặt ngay khi giao nhận chính là yếu tố cần thiết để thương mại điện tử thành công. Chưa kể việc lo ngại các rắc rối khi trả hàng và hoàn tiền cũng gây khá nhiều khó khăn trong việc phát triển thương mại điện tử cho các nhà bán lẻ trực tuyến…

Qua những chia sẻ trên, không khó để nhận ra rằng, trước khi quyết định đầu tư dịch vụ vận chuyển B2C tại Việt Nam, DHL đã có những nghiên cứu, tính toán khá kỹ lưỡng. Ông Charles Brewer khẳng định, DHL không hề chậm chân mà thời điểm “lên tàu” đã được tính toán kỹ càng.

“Chúng tôi phải tính toán thời điểm đầu tư dựa trên nhiều yếu tố. Mặt khác, thị trường giao nhận hàng thương mại điện tử ở Việt Nam hiện mới ở trong giai đoạn đầu”, ông Charles Brewer nói và cho biết, dù chưa thể chia sẻ cụ thể về con số đầu tư, nhưng khi đã quyết định đầu tư vào Việt Nam, DHL cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu về dịch vụ B2C, DHL đã có những chuẩn bị tích cực. Chỉ trong vài tháng trước khi chính thức công bố mở dịch vụ mới tại Việt Nam, DHL đã đầu tư 2 trung tâm giao nhận tại TP.HCM, Hà Nội và 9 nhà kho. Cùng lúc, DHL tuyển chọn, đào tạo 300 nhân sự và hệ thống phương tiện vận chuyển là các xe máy điện cho 2 thị trường này.

“Tốc độ tăng trưởng của thị trường dự báo khoảng 23%/năm và để trở thành công ty hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của DHL phải cao hơn”, ông Thomas Harris chia sẻ.

Thách thức lộ diện

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện DHL tự tin về khả năng phát triển của dịch vụ mới tại Việt Nam. Theo đó, DHL sẽ tập trung xây dựng 3 trụ cột. Đó là nhân sự xuất sắc, dịch vụ khác biệt, hướng vào khách hàng (không phân biệt khách hàng nhỏ hay lớn).

DHL đang thương thảo với một số doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tại Việt Nam để làm dịch vụ vận chuyển cho họ. Song về lâu dài, DHL mong muốn hình thành các chợ thương mại điện tử quy mô lớn để tập trung các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này để hợp tác.

“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của một số đối tác tại Việt Nam, song quan điểm của DHL là tự mình phát triển dịch vụ, chứ không liên doanh hay mua lại công ty nào”, ông Thomas Harris chia sẻ về xu hướng mua bán, sáp nhập của DHL eCommerce Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là, với dịch vụ vận chuyển B2C, DHL hiện mới có thể đảm đương một phần tại TP.HCM và Hà Nội. Trong tương lai gần có thể là Đà Nẵng và một số đô thị khác. Với những địa bàn còn lại, DHL còn phải phụ thuộc vào các đối tác.

Chưa biết cụ thể về đối tác cũng như cách hợp tác của DHL, song có thể thấy,  hiện có 2 đối tác tiềm năng là VNPost và Viettel Post. Trong khi VNPost nắm trong tay mạng lưới 8.000 bưu điện văn hóa xã với 40.000 lao động, thì Viettel Post có mạng lưới tại 713/713 quận/ huyện với khoảng 4.000 lao động.

Một thế mạnh tạo nên sự khác biệt của “ông lớn” DHL đó là dịch vụ giao nhận hàng xuyên biên giới. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trên thế giới là 27% và với thị trường Việt Nam thì đây gần như là lãnh địa riêng của DHL. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ này cũng không hề đơn giản.

Theo đại diện của DHL, dịch vụ này thực ra đã được triển khai một phần giữa Việt Nam và khu vực phía Nam của Trung Quốc. Dịch vụ chiều đi từ Việt Nam với một số mặt hàng như thời trang, đồ mỹ nghệ… thì khá dễ, song việc nhận hàng chiều đến thì khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân là, tại Việt Nam, người tiêu dùng vẫn thích sử dụng tiền mặt hơn, trong khi đó, với những đơn hàng này, phải thanh toán toàn bộ trước.

Ngoài ra, việc đổi trả hàng cũng có những khó khăn không nhỏ. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ hoàn thiện dịch vụ này và sẽ đưa vào thị trường Việt Nam như một dịch vụ chuyên biệt”, ông Charles Brewer cho biết.

DHL ra mắt dịch vụ phát hàng theo yêu cầu
Dịch vụ chuyển hàng theo yêu cầu chính thức được DHL cung cấp, hỗ trợ mua sắm trực tuyến quốc tế đang ngày càng phát triển.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư