Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Đi tìm mảng kinh doanh “cứu rỗi” Tiki
Anh Hoa - 26/04/2023 08:20
 
Dịch vụ điện toán đám mây được cho là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận của các “ông lớn” công nghệ trên thế giới. Việc tiếp tục “sao chép” mô hình này từ “đế chế” Amazon có thể giúp Công ty Tiki giảm phụ thuộc vào vốn mạo hiểm, vào mảng thương mại điện tử đang thua lỗ nặng nề.
Hoạt động tại bộ phận giao hàng nhanh Tiki Now
Hoạt động tại bộ phận giao hàng nhanh Tiki Now.

Cần “tái tạo” để duy trì cạnh tranh

Năm qua, VNG lỗ kỷ lục hơn 1.300 tỷ đồng, khoản đầu tư vào Tiki bị “ăn mòn” toàn bộ. Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 7.801 tỷ đồng, tăng 2%; lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của “kỳ lân” công nghệ kể từ khi công bố thông tin, đẩy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của VNG tại ngày 31/12/2022 về xấp xỉ 5.312 tỷ đồng.

Đáng chú ý là, phần đầu tư vào các công ty liên kết, đơn vị khác gấp 3,7 lần đầu năm, từ gần 400 tỷ đồng lên 1.484 tỷ đồng. Trong đó, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi trong năm, còn lại (các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia) đều thua lỗ.

Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế mà VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Năm 2016, VNG đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) vào Tiki, đổi lấy 38% cổ phần. Cùng với việc Tiki ngày càng huy động được nhiều vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu của VNG tại start-up trên cũng dần thay đổi. Tháng 7/2021, tập đoàn này đã hoàn tất hoán đổi khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Ti Ki - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki - thành đầu tư vào Tiki Global Pte Ltd. Đến tháng 11/2021, Tiki Global Pte Ltd đã hoàn tất tăng vốn điều lệ và phần vốn chủ sở hữu của VNG tại đây giảm còn 15,18%.

Tiki lỗ chồng lỗ trong giai đoạn 2016 -2020

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử, với các đối thủ như Shopee, Lazada, Sendo..., Tiki chưa có lãi và vẫn đang phải "đốt tiền" để giành thị phần.

Theo báo cáo thường niên của VNG, năm 2016, Tiki báo lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, rồi tăng lên 282 tỷ đồng năm 2017 và 756 tỷ đồng năm 2018. Thậm chí, Công ty báo lỗ khủng, lên tới 1.765 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, Tiki bất ngờ chỉ còn lỗ 3,8 tỷ đồng.

Theo hồ sơ pháp lý của Tiki Global có trụ sở ở Singapore, Tiki ghi nhận doanh thu giảm 7% trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022). Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ. Do đó, khoản lỗ trong hoạt động của Tiki tăng thêm 39% so với năm tài chính trước đó.

Tiki đang theo đuổi cả mô hình B2B và B2C. Tiki chia doanh thu thành 2 phần, gồm doanh thu bán hàng hóa và doanh thu cung cấp dịch vụ, trong đó bán hàng hóa chiếm 88% doanh thu trong năm tài chính 2022.

Ở mảng dịch vụ, logistics là lĩnh vực đang mang lại nhiều doanh thu nhất cho Tiki, với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Điều này không có gì bất ngờ vì Tiki đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh từ lúc đầu, cũng giống như Amazon.

Bên cạnh đó, Tiki cũng đầu tư mạnh vào năng lực và hạ tầng xử lý logistics của mình. Đáng chú ý là, doanh thu từ thu phí sàn giao dịch giảm 37%. Mảng dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất của Tiki là Tiki Ads khi doanh thu tăng 131% so với năm tài chính 2021. Dù vậy, mảng dịch vụ này chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng doanh thu của Công ty.

Tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm tài chính 2022, giá vốn hàng bán giảm 1%, nên biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh.

Nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ, Tiki sẽ giống như một hệ thống hạ tầng mở, nơi các start-up có thể xây dựng bất cứ thứ gì họ cho là hữu ích cho cộng đồng khách hàng và các nhà bán hàng.

Trong những năm gần đây, Tiki đã đa dạng hóa các dịch vụ của mình, đồng thời phủ nhận ý kiến cho rằng, họ đang cố gắng trở thành một siêu ứng dụng. Với xu hướng doanh thu hiện tại và việc chưa có lợi nhuận, Tiki cần “tái tạo” để duy trì tính cạnh tranh ngay tại Việt Nam.

Hết cửa theo mô hình điện toán đám mây như Amazon?

Gần đây, giới chuyên môn lại xới lên câu chuyện về mô hình kinh doanh hiệu quả của Tiki. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi: Tiki đi theo mô hình kinh doanh của Amazon rất tốt, vậy vì sao không có mảng dịch vụ điện toán đám mây như Amazon Web Services (AWS)?

Những người này cho rằng, mảng kinh doanh điện toán đám mây là siêu lợi nhuận, có thể giúp Tiki giảm phụ thuộc vào vốn mạo hiểm.

Tháng 5/2022, Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) mua 10% cổ phần của Công ty cổ phần Ti Ki (Tiki).

Theo đó, hai công ty con của tập đoàn này là Shinhan Bank và Shinhan Card nhận lần lượt 7,44% và 2,56% cổ phần tại Tiki. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song theo nguồn tin của DealStreetAsia, Shinhan

Financial đã chi khoảng 40 triệu USD để sở hữu lượng cổ phần này. Hồi tháng 7/2021, Tiki cũng hoàn tất việc chuyển nhượng lượng lớn cổ phần cho Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global) - pháp nhân được thành lập tại Singapore với vai trò hỗ trợ kế hoạch IPO và huy động vốn của Tiki. Vào tháng 11/2021, Tiki đã hoàn thành vòng gọi vốn series E trị giá 258 triệu USD, do AIA Group Limited dẫn đầu, với mức định giá tiệm cận 1 tỷ USD.

Sau sự kiện trên, đại diện của Tiki cho biết, Công ty dự định niêm yết tại Mỹ trong vòng 1 năm tới, sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là năm 2025.

Trong khi đó, mảng thương mại điện tử đốt tiền khủng, nhưng cũng không theo kịp Shopee, Lazada. Nhóm này cũng chia sẻ, gói Tiki Now của Tiki ra mắt năm 2017 với tốc độ giao hàng chỉ trong 2 tiếng cũng thất bại do lượng người dùng cao cấp không đủ để duy trì dịch vụ quá tốn kém này.

Tiếp theo đó, hai “ông lớn” khác là Lazada và Shopee cũng đang rục rịch phát triển mảng giao hàng nhanh.

Đầu tháng 5/2020, ngành hàng thực phẩm tươi sống Tiki Ngon ra mắt được coi là nỗ lực hướng đến mục tiêu mang các loại thực phẩm sạch, tươi… đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, Tiki Ngon cũng là một cuộc chiến đốt tiền. Ngay cả Amazon Fresh của “ông lớn” Amazon ra mắt đầu tiên tại Mỹ năm 2007 cũng chưa thấy thành công rõ ràng.

Điều này cho thấy, không phải mọi thứ của các “ông lớn” đều dễ dàng sao chép. Bởi vậy, lúc nào cũng cần đặt câu hỏi rằng, mô hình của mình đã giúp người bán hoặc người mua điều gì. Hay họ đến với mình chỉ vì quảng cáo và khuyến mãi, hết khuyến mãi thì họ lại qua sàn khác?

Theo nhóm chuyên gia này, mô hình của Tiki không khác so với Amazon, giống như tổ chức bữa tiệc dành cho giới thượng lưu và trung lưu, ai có thẻ bài chất lượng mới được vào. Mô hình Tiki vốn dĩ là nhà bán lẻ trực tuyến muốn bao hết toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối, tạo ra một nhà bán lẻ lớn hơn dựa trên quy mô lớn và công nghệ để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam rất phân mảnh, hạ tầng chưa đồng bộ và quan trọng hơn hết là doanh nghiệp nhỏ và cá nhân bán hàng online chiếm số đông - những đối tượng khó có thẻ bài để tham gia tiệc của Tiki. Việc này sẽ khiến Tiki bị hạn chế rất nhiều về sự đa dạng của hàng hóa và càng ngày càng khó khăn cho việc phân loại, kiểm định, chứa hàng, quản lý hàng hóa.

Quay trở lại với mảng kinh doanh điện toán đám mây được cho là siêu lợi nhuận với các “ông lớn” thương mại điện tử. Mặc dù Amazon vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (chiếm hơn 80% doanh thu hợp nhất), nhưng không tạo ra lợi nhuận ổn định. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và sức mua giảm mạnh như hiện nay, Amazon cũng lo ngại về chi tiêu của người tiêu dùng.

Hồi tháng 2/2023, Amazon ước tính lợi nhuận hoạt động của Tập đoàn có thể giảm xuống 0 trong quý I, khi khoản tiết kiệm từ việc sa thải nhân viên không thể bù đắp được việc thắt chặt chi tiêu của khách hàng.

Do đó, mảng kinh doanh điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) ra mắt cuối năm 2006 được cho là “cứu cánh” của Amazon. AWS đang dẫn đầu, với 34% thị phần. Lợi nhuận của AWS trong năm 2021 cán mốc 62,2 tỷ USD. Báo cáo tài chính của Amazon cũng chỉ ra, công nghệ này chiếm phần lớn doanh thu trong năm 2022. Đối thủ theo sát AWS trên thị trường điện toán đám mây hiện nay là Azure của Microsoft, với 21% thị phần.

Ngoài ra, mảng quảng cáo số đang có nhiều tín hiệu cho thấy tương lai sáng sủa của Amazon. Kiếm tiền từ dữ liệu của chính mình thông qua quảng cáo được tài trợ đang dần trở thành một hoạt động kinh doanh thực sự nghiêm túc với Công ty. Trong quý III/2022, doanh thu từ dịch vụ quảng cáo tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 9,5 tỷ USD.

Nếu cứ giữ nhịp độ tăng trưởng 25%/năm, quảng cáo số có thể mang lại doanh thu thường niên tới 70 tỷ USD vào năm tài chính 2025. Còn AWS chỉ cần thêm 3 năm nữa là có thể đạt được doanh thu thường niên 160 tỷ USD.

AWS và quảng cáo số phát triển càng nhanh, thì Amazon càng bớt dựa vào mảng thương mại điện tử đang bị thua lỗ theo chu kỳ. Dù có tiềm năng sáng sủa trong dài hạn, nhưng hai mảng này về ngắn hạn vẫn chưa thể bù đắp được cho Amazon. Thậm chí, giới chuyên gia cho rằng, tăng trưởng của lĩnh vực AWS nói chung đang có dấu hiệu chậm lại khi khách hàng doanh nghiệp lớn cắt giảm chi tiêu.

Triển vọng của AWS xấu đi thậm chí làm gia tăng áp lực buộc Amazon cắt giảm thêm chi phí ở mảng bán lẻ trong bối cảnh công ty này đang muốn thúc đẩy lơi nhuận. Chính vì thế, tâm lý của các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục xấu đi và cổ phiếu Amazon sẽ còn tiếp tục giảm.

Trở lại với Tiki, nếu tên tuổi này muốn nhảy vào làm mảng dịch vụ đám mây thì đã quá muộn.

Hiện tại, một số tên tuổi trong nước như VNG (cũng là cổ đông của Tiki), CMC Telecom, Viettel đang từng bước hợp lực để xóa bỏ “đế chế” đám mây quốc tế tại Việt Nam. Họ đang mở đường thúc đẩy xu hướng Local Cloud (đám mây trong nước).

Nếu trước đây, điện toán đám mây là mô hình kinh doanh mà những “gã khổng lồ” như Microsoft Azure (ra mắt năm 2010), Google Cloud (năm 2008) và Amazon làm chủ, thì đến giai đoạn hiện tại, năng lực của các đơn vị công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ sức mạnh để cạnh tranh tại “sân nhà”.

Đại diện CMC Telecom cho biết, điện toán đám mây đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. CMC ước tính, trung bình một quốc gia trên thế giới có 37 Data Center và chỉ đạt tỷ lệ 0,0002 Cloud Server/người dân. Trong khi đó, Việt Nam hiện có tổng số 30 trung tâm dữ liệu và đạt tỷ lệ 0,0027 Cloud Server/người dân.

Điều đó khiến giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này, nếu Tiki muốn nhảy vào làm mảng dịch vụ đám mây thì đã quá muộn.

Thêm bước đệm để Tiki tiến hành IPO tại Mỹ
Liên tục gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, Tiki đang được tạo đà để đẩy sớm IPO tại Mỹ, có thể thông qua hình thức SPAC (công ty mua lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư