Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Địa chấn” sàn HoSE: Gần 250 cổ phiếu giảm sàn, Vingroup trở lại ngôi vương vốn hóa
Thanh Thủy - 27/07/2020 17:10
 
Phiên giao dịch ngày 27/7 ghi nhận trận “rung lắc” mạnh thứ 3 của VN-Index từ đầu năm. Hai doanh nghiệp so kè top đầu vốn hóa là Vingroup và Vietcombank đều không nằm ngoài nhóm cổ phiếu giảm mạnh.

VN-Index giảm 5,31%, 18% cổ phiếu trên sàn giảm kịch biên độ

Việc Việt Nam ghi nhận 4 ca nhiễm Covid 19 mới trong cộng đồng sau 99 ngày liên tiếp không lây lan đã trở thành gánh nặng tâm lý lên các nhà đầu tư, tăng áp lực bán tháo hàn thử biểu của nền kinh tế. VN-Index đã nhanh chóng đánh mất mốc 800 điểm ngay trong phiên khớp lệnh định kỳ đầu giờ sáng. 

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không như Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Air (VJC)… đều giảm kịch sàn ngay từ đầu phiên dù có nhích lên sau đó. Riêng cổ phiếu HVN gần như trong tình trạng “lau sàn” với giá đóng cửa ở mức 22.700 đồng/cp, giảm 6,98% so với cuối tuần trước. Ngoài cổ phiếu hàng không, cổ phiếu nhóm tài chính cũng giảm giá mạnh, ở cả ba nhóm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

VN-Index ngày 27/7 đã giảm 5,31%. Đây là phiên giảm sâu thứ 3 của VN-Index từ đầu năm 2020, chỉ sau mức giảm ngày 9/3 (giảm 6,28%) và ngày 23/3 (giảm 6,08%).  Mức giảm sâu trong phiên hôm nay khiến vốn hóa thị trường của riêng sàn HoSE "bốc hơi" 153.170 tỷ đồng, tương đương 6,58 tỷ USD.

Số lượng các cổ phiếu giảm sàn, thậm chí “trắng bên mua”, xuất hiện khá nhiều. Tính đến thời điểm kết phiên, bình quân 100 cổ phiếu lại có 18 cổ phiếu giảm kịch biên độ. Trong nhóm VN-30 (30 doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa thị trường thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do), 16/30 doanh nghiệp giảm sàn, bao gồm cả các cổ phiếu tài chính như BVH, SSI, VPB, TCB, MBB, CTG… và cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất như VNM, CTD, SBT...

Cổ phiếu VHM của Vinhomes là cổ phiếu kéo VN-Index rơi sâu nhất.  Cổ phiếu VCB giảm 4.000 đồng (-4,94%), nhưng do vốn hóa lớn, nên trở thành nhân tố thứ 2 tác động tiêu cực lên VN-Index. Cũng từ phiên giao dịch này, vốn hóa thị trường của Vietcombank giảm còn xấp xỉ 285.600 tỷ đồng, nhường lại ngôi đầu vốn hóa cho Vingroup ( 287.500 tỷ đồng) nhờ cổ phiếu VIC chỉ ra hơn 3,4% trong phiên hôm nay.

.
Top 10 cổ phiếu kéo chỉ số VN-Index giảm sâu

Giao dịch sôi động, khối ngoại đẩy mạnh giải ngân

Chỉ sau hai phiên giảm sâu liên tiếp vừa qua, VN-Index đã “bay” 115,58 điểm (-8,35%), còn 785,17 điểm. HNX-Index thậm chí còn giảm tới gần 9,7%. Tuy nhiên, tín hiệu mừng của thị trường là sự trở lại mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong cả hai phiên với tổng giá trị mua ròng là 550 tỷ đồng, sau khi liên tục bán ra từ ngày 8/7.

Bên cạnh sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền từ nước ngoài, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện đáng kể. Tổng giá trị giao dịch trong hai phiên thị trường sụt giảm này đều vượt 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thanh khoản ở hai lần giảm sâu trước đều thấp hơn. Giá trị giao dịch trên HoSE hôm 9/3 và 23/3 lần lượt là 5.410 tỷ đồng và 4.675 tỷ đồng.

.
Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trong hai phiên giảm điểm sâu của TTCK
Giá vàng tăng như vũ bão và điều khác biệt duy nhất
Khác biệt duy nhất của đợt tăng giá vàng này, có lẽ là việc giá vàng tăng không còn gây sóng gió với kinh tế vĩ mô như 10 năm trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư