Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sóc Trăng
Địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam
Phúc Nghị - 18/06/2018 16:09
 
Là địa bàn sinh sống lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, với nét văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc, các loại hình nghệ thuật phong phú; kiến trúc chùa chiền độc đáo... tỉnh Sóc Trăng đang là điểm đến hấp dẫn du khách.

Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc

Tỉnh Sóc Trăng là nơi có nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, các công trình kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Ngoài lễ hội Ooc om boc nổi tiếng cả nước, còn có lễ hội sông nước miệt vườn, lễ hội cúng dừa, lễ hội Nghinh Ông, lễ cúng Phước Biển... Trong đó, lễ hội Ooc om boc và đua ghe Ngo của người Khmer diễn ra vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm vừa là di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, vừa là sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách của tỉnh.

Sóc Trăng còn hấp dẫn du khách bởi nét đặc sắc của kiến trúc chùa chiền, các cơ sở thờ tự như: chùa Dơi (chùa Mahatup), chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), chùa Chén Kiểu (chùa SroLôn)… Các ngôi chùa này luôn là điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch tại Sóc Trăng.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

Với hệ thống sông rạch chằng chịt, có nhiều cù lao lớn nhỏ, vườn cây trái trĩu quả bốn mùa; nhiều bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn như: cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm), rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung. Bên cạnh đó là phát triển du lịch biển với khu du lịch sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu), Mỏ Ó (huyện Trần Đề)...

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã triển khai các hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng, so với 10 năm trước, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng gấp 10 lần, tập trung vào kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách... Trong đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch như các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch, ki-ốt...

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, lượng khách du lịch đến tỉnh và doanh thu từ du lịch hàng năm đều tăng từ 7 - 12%. Từ vài trăm ngàn khách du lịch ở thời điểm cách đây 10 năm, đến năm 2015, Sóc Trăng đã đạt hơn 1 triệu khách du lịch, doanh thu tăng lên gần 400 tỷ đồng. Nhiều điểm du lịch được đưa vào hoạt động, các cơ sở lưu trú xây dựng mới gấp 7 lần trước đó, sản phẩm du lịch ngày càng đổi mới.

Đặc biệt, tuyến tàu cao tốc từ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đi huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chính thức khai trương vào giữa năm 2017 đã góp phần thu hút du khách đến tham quan khám phá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Sóc Trăng liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm đến yêu thích của du khách

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm như: Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Khu du lịch sinh thái Song Phụng, Dự án Khu du lịch sinh thái vườn cò thuộc xã Gia Hòa I, huyện Mỹ Xuyên... Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư cũng được tỉnh quan tâm và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Những dự án này khi đi vào hoạt động sẽ là những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách về với vùng đất Sóc Trăng.

Trong năm 2017, số lượt khách tham quan và doanh thu du lịch của Sóc Trăng đã gia tăng đáng kể, với 1.234.423 lượt khách tham quan, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách nội địa là 1.196.973 lượt, khách quốc tế 37.450 lượt; khách lưu trú là 295.980 lượt. Doanh thu du lịch đạt 557 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo ông Trần Minh Lý, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 7 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận. Đến năm 2025, có thêm ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 3 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận. Duy trì khách du lịch tăng bình quân 7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20%/năm. Đến năm 2020, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng đạt 1,7 triệu người/năm; trong đó, khách lưu trú là 560.000 lượt...

Để du lịch Sóc Trăng phát triển xứng tầm với tiềm năng, theo ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm du lịch mới, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa như: lễ hội, tham quan di tích lịch sử, làng nghề...

“Xác định lợi thế của địa phương, tỉnh đã có chủ trương sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mang tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang tính đặc thù”, ông Hùng nói.

BRG tìm hiểu cơ hội đầu tư vào du lịch tại Thanh Hóa
Mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về dự án Khu đô thị du lịch ven biển xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư