Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Địa ốc, chứng khoán hút vốn, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Vân Linh - 14/04/2018 08:16
 
Bất động sản và chứng khoán đang hút mạnh tiền nhàn rỗi trong dân cư, buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng dần lãi suất huy động vốn.

Lãi suất tiết kiệm lên 8,5%

Các nhà băng đã và đang dần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi 0,3 - 0,5%, tùy từng kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn dài vẫn được các nhà băng ưu tiên áp dụng mức cao nhất để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Qua đó, cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% vào đầu năm nay và xuống 45% vào đầu năm tới.

Thị trường bất động sản khởi sắc là một nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất tiết kiệm tăng. Ảnh: Đức Thanh
Thị trường bất động sản khởi sắc là một nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất tiết kiệm tăng. Ảnh: Đức Thanh

Hiện tại, bất động sản và chứng khoán đang hút nhiều tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư, thậm chí nhiều người còn rút tiết kiệm để mua nhà trước xu hướng giá nhà, đất và chứng khoán đang tăng dần, nên tạo áp lực không nhỏ lên lãi suất tiết kiệm. Đó cũng chính là lý do các ngân hàng điều chỉnh tăng dần lãi suất huy động vốn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, dẫu phải cạnh tranh huy động vốn, song thanh khoản của ngân hàng vẫn khá dồi dào. Lý do một phần là những tháng đầu năm, hoạt động cho vay chưa sôi động như các quý còn lại trong năm.

Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao nhất được một số nhà băng áp dụng là 8 - 8,5%/năm. Cụ thể, Ngân hàng VietCapital Bank áp dụng mức lãi suất cao nhất, cho kỳ hạn 18 tháng.

Một số nhà băng khác như VietBank, VietA Bank, lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 7 - 8%/năm, dành cho kỳ hạn tiền gửi từ 15 tháng trở lên.

Trong khi đó, một số nhà băng khác, như VPBank, VIB, MB, VietinBank lại giảm lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,3% đối với các kỳ hạn ngắn.

Việc các ngân hàng giảm nhẹ lãi suất đầu vào được cho là do thanh khoản hệ thống dồi dào, tín dụng tăng chậm lại, trong khi nguồn huy động vẫn đang tăng trưởng tốt.

Tái phát hành chứng chỉ lãi suất cao

TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) nhận định, khi các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản) tăng trở lại, thì áp lực đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm là khó tránh. Tuy nhiên, so với mức sinh lời của các kênh khác, thì gửi tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay vẫn được không ít người lựa chọn, bởi lạm phát thấp. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các nhà phân tích đánh giá là khó có thể đứng yên.

Đến hết tháng 3/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2%, cao hơn so với cuối năm 2017 (87,8%). Thanh khoản hệ thống ổn định, một phần do Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm. Tuy nhiên, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đến hết quý đầu năm nay tăng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (2,6%). Trong khi đó, tín dụng lại có dấu hiệu chậm lại, tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm ngoái tăng 4,3%). Tăng trưởng dư nợ vẫn cao hơn huy động vốn.
(Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

Không chỉ tăng lãi suất huy động tiền gửi thông thường, một số nhà băng còn tái phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao để huy động tiền gửi tiết kiệm.

Ngày 9/4, Sacombank đã phát hành chứng chỉ huy động tiết kiệm mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm, khách hàng được hưởng lãi suất 8,5%/năm. Ngoài ra, khách hàng còn nhận được nhiều ưu đãi khi mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn tại Sacombank, như ưu đãi lãi suất khi vay cầm cố chứng chỉ tiền gửi, chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi bất cứ lúc nào và được thanh toán trước hạn khi có nhu cầu.

Cùng với việc đầu tư thông qua các tài khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, Sacombank cho rằng, chứng chỉ tiền gửi đang trở thành một trong những kênh đầu tư ưa thích của các cá nhân hoặc tổ chức có nguồn tài chính lớn, tìm kiếm sự an toàn trong sử dụng vốn trung và dài hạn. Thế nhưng, nếu không tính toán kỹ, người mua chứng chỉ tiền gửi sẽ khó có thể rút vốn khi có nhu cầu, bởi chứng chỉ tiền gửi thường là kỳ hạn dài 7 năm.

Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính khuyến cáo, khách hàng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - ngân hàng, với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 3 - 4%, thì gửi tiết kiệm tiền đồng hưởng lãi suất 6 - 7%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 12 tháng, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Đó là chưa kể, các kỳ hạn tiền gửi 15 - 18 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất 7 - 8%/năm.

Thế nhưng, gửi tiết kiệm, khách hàng cũng phải thận trọng để tránh rủi ro mất tiền oan như một số trường hợp đã xảy ra tại hệ thống ngân hàng gần đây. Khách hàng cũng không nên kỳ vọng mức lãi suất quá cao hoặc nhận lãi ngoài, mà bỏ qua các khâu cần thiết. Đồng thời, người gửi tiền cũng nên tham khảo bảng lãi suất ở những ngân hàng có uy tín trên thị trường để có lựa chọn sáng suốt.

Nhiều ngân hàng lớn tăng lãi suất tiền gửi VND
Sau động thái tăng thêm lãi suất huy động 0,5%/năm của BIDV, VietinBank, Sacombank... cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới với xu hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư