Thứ Hai, Ngày 26 tháng 05 năm 2025,
Địa phương được nới trần dư nợ lên tối đa 120%
T.L - 26/05/2025 07:37
 
Sáng nay (26/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
TIN LIÊN QUAN
s
Sáng nay (26/5), Quốc hội thảo luận về Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương (NSĐP), dự thảo quy định mức dư nợ vay đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối không vượt quá 120%. Một số đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ luật hóa quy định này (chính sách này trước đây đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm ở một số địa phương), cân nhắc nâng mức trần dư nợ này lên 150%, đánh giá thêm tác động đến an toàn nợ công…

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Bộ Tài chính khẳng định quy định giới hạn mức dư nợ vay là để đảm bảo khả năng trả nợ của NSĐP. Việc cho phép địa phương vay vượt mức quy định sẽ được xem xét cụ thể theo mức độ quan trọng của từng dự án, khả năng cân đối trả nợ của NSĐP và phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Con số trần dư nợ 120%, theo Bộ Tài chính, được xác định trên một số cơ sở.

Thứ nhất, thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách tài chính đặc thù tại một số địa phương đã được cấp thẩm quyền cho phép.

Thứ hai, dự kiến nhu cầu huy động cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng tăng của các địa phương và tạo điều kiện chủ động cho các địa phương huy động nguồn lực (đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội, TP. HCM; giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình quan trọng: đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao,…) để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số giai đoạn 2026 – 2030.

Thứ ba, đảm bảo tính bền vững của NSĐP.

Việc điều chỉnh mức dư nợ vay của NSĐP đã được đánh giá, nghiên cứu kỹ trong mối tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công quốc gia đã được Quốc hội quyết định giai đoạn 2021 – 2025 và dự kiến giai đoạn 2026 – 2030 (theo dự kiến tại dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, bội chi NSNN ở mức 5%, NSĐP ở mức 0,7% GDP).

Dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSTW (bao gồm bội chi ngân sách của từng địa phương); đồng thời, quy định Chính phủ điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách giữa các địa phương, đảm bảo trong tổng mức vay, bội chi NSĐP đã được Quốc hội quyết định. Như vậy, quy định này đã tuân thủ Hiến định và đáp ứng ý kiến của ĐBQH.

Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp bảo đảm ổn định trung hạn, khuyến khích các địa phương tăng thu và cho phép được hưởng tỷ lệ tương ứng từ nguồn tăng thu đó. Cơ chế phân chia thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và các loại phí, lệ phí đặc thù tại địa phương cũng cần điều chỉnh để đảm bảo hài hòa giữa đóng góp và hưởng lợi của địa phương.

Các đại biểu cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể quy trình tiếp nhận và quyết toán nguồn hỗ trợ từ địa phương khác, tránh chồng chéo hoặc trùng quyết toán tại cả hai bên hỗ trợ và được hỗ trợ. Đề nghị quy định cụ thể về cơ chế phân bổ, ủy quyền, tổ chức thực hiện và giao dự toán cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình…

Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Luật đã quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; theo đó, tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP sẽ được ổn định lâu dài. Đồng thời, các khoản thu phân chia vượt dự toán, NSĐP sẽ được hưởng phần vượt thu tương ứng theo tỷ lệ phân chia.

Dự thảo Luật quy định HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí. Đồng thời, căn cứ nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, dự thảo Luật quy định trường hợp địa phương có số thu thuế XNK qua biên giới đất liền tăng so với dự toán trung ương giao, địa phương sẽ được thưởng không quá 10% số tăng thu.

Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ địa phương khác đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm, nhiệm vụ cấp bách và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Dự thảo Luật chỉ quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa NSTW và NSĐP; nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa cấp tỉnh và cấp xã (sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện) do HĐND cấp tỉnh quyết định, theo đó việc ngân sách cấp trên sử dụng nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi cấp dưới thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

Dự thảo Luật bổ sung quy định việc sử dụng dự phòng NSĐP được hỗ trợ địa phương khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.  

Liên quan đến khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nên để lại 100% cho NSĐP hoặc chỉ điều tiết phần tăng thu so với dự toán về NSTW. Cũng có ý kiến đề nghị cân đối lại tỷ lệ điều tiết, đề nghị Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu báo cáo Quốc hội và thực hiện ổn định ít nhất trong 5 năm…

Giải trình, tiếp thu, Bộ Tài chính khẳng định, việc phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP tại dự thảo Luật để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW, thu ngân sách của từng địa phương không giảm lớn và Trung ương đảm bảo nguồn lực không thấp hơn so với quy định của Luật NSNN hiện hành và tỷ lệ được ổn định lâu dài. Đồng thời, dự thảo Luật quy định trong trường hợp có biến động lớn về thu, chi NSNN hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi NSNN giữa các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW.

Để có sự đánh giá kỹ lưỡng, sát tình hình trước khi quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án 2 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư