Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Dịch COVID-19: Số ca mắc bệnh trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu người
Tính đến 5 giờ sáng 3/4, tổng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 trên toàn cầu đã vượt qua mốc 1 triệu người, trong đó số ca tử vong lên tới 52.869 người.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 5 giờ sáng 3/4 (theo giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.010.066 trường hợp, trong khi số ca tử vong lên tới 52.869 người.

Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục trên toàn thế giới là 212.015 người, trong khi có 745.182 ca có các triệu chứng nhẹ và 37.712 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Đai dịch COVID-19 trên thế giới đã ghi nhận tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỹ đang là quốc gia có số người nhiễm SARS-CoV-2 với 240.660 sau khi có thêm 25.657 ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 2/4. Tổng số ca tử vong ở quốc gia này là 5.811.

Italy là quốc gia đang đứng thứ 2 khi có 115.242 ca nhiễm, nhưng lại là quốc gia có số người tử vong cao nhất - 13.915 ca.

Trong ngày hôm qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 7.947 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm SARS CoV-2 của nước này lên thành 112.065. Tây Ban Nha có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới - 10.348.

Đức có thêm 6.813 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm tại nước này lên thành 84.794. Nước này cũng đã có hơn 1.000 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, Việt Nam đã ghi nhận 227 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 75 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge ngày 2/4 cho biết hơn 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 ở châu Âu có độ tuổi trên 60, nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan.

Ông Hans Kluge chỉ rõ tuổi tác không phải là yếu tố rủi ro duy nhất khiến cho các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đã khiến hàng tỷ người bị phong tỏa và làm chao đảo nền kinh tế thế giới.

Ông nhấn mạnh: “Quan niệm cho rằng dịch bệnh COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là thực sự sai lầm. Người trẻ tuổi không phải là trường hợp ngoại lệ.”

Phát biểu trên của ông Hans Kluge tái khẳng định tuyên bố trước đây của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết có từ 10% đến 15% những người dưới 50 tuổi mắc COVID-19 nằm trong tình trạng bệnh từ trung bình đến nghiêm trọng.

Người đứng đầu Văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng đã được phát hiện ở những người trong độ tuổi thiếu niên hoặc độ tuổi 20, có nhiều trường hợp cần được chăm sóc y tế đặc biệt và một số trường hợp kém may mắn đã không qua khỏi.

Quan chức WHO khẳng định, yêu cầu quan trọng nhất “đối với mọi nhóm tuổi” là tuân thủ những chỉ dẫn về vệ sinh./.

[Longform] PGS - TS Vũ Minh Khương: Làm gì để Việt Nam vượt lên từ đại dịch Covid-19
PGS-TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam, cũng như cơ hội để nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư