Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Điểm mặt doanh nghiệp niêm yết vắng chủ
Kỳ Thành - 15/06/2015 08:53
 
Việc các cổ đông lớn bán cổ phần khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết đang làm ăn bết bát không còn cổ đông lớn và HĐQT trở thành người làm thuê.’

Chủ nhân thành người làm thuê

Ngày 22/6 tới, Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (lần thứ 3), sau 2 lần tổ chức bất thành do chỉ có dưới 10 cổ đông tham dự, không đủ đại diện phần vốn. Đây là điều dễ hiểu, bởi từ lâu, ông Nguyễn Văn Nhựt, Chủ tịch HĐQT và gia đình đã thoái gần như toàn bộ vốn khỏi VNH. Từ hơn 5 triệu cổ phần (tương đương 42% vốn cổ phần), ông Nhựt và gia đình hiện chỉ còn nắm giữ dưới 1% cổ phần của VNH. Điều này dẫn tới VNH không còn cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% vốn cổ phần) và HQQT trở thành người đi làm thuê.

 

Theo báo cáo tài chính của VNH từ năm 2007 đến 2011, Công ty thường xuyên có lãi. Tuy nhiên, quý IV/2012, VNH bắt đầu gặp vấn đề với hàng tồn kho, khi khoản lỗ từ việc xử lý hàng kém phẩm chất là 11,5 tỷ đồng. Liên tiếp 2 năm 2013 và 2014, khoản lỗ do xử lý hàng tồn kho kém phẩm chất tiếp tục tăng lên, lần lượt là 38,3 tỷ đồng và 35,8 tỷ đồng. Trong 3 năm, khoản lỗ từ việc xử lý hàng tồn kho của VNH lên tới 83,7 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của Công ty.

VNH may mắn thoát án hủy niêm yết do lỗ lũy kế, nhờ việc thu về 55,6 tỷ đồng từ thanh lý nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM cuối năm 2013, để hợp tác với đối tác Nhật Bản có tên là Internet Service xây dựng xí nghiệp sản xuất bột nêm tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (tỉnh Long An). Khoản thu này giúp VNH ghi nhận lãi sau thuế năm 2013 là 5,9 tỷ đồng.

Sau khi bán nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, VNH đã thoái vốn khỏi công ty con là Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật, với tổng vốn 44 tỷ đồng (24 tỷ đồng vốn đầu tư, chiếm 48% vốn điều lệ của Phú Nhật và 20 tỷ đồng vốn hỗ trợ sản xuất - kinh doanh). Như vậy, VNH đã hoàn toàn mất năng lực sản xuất.

“Với tư cách là Tổng giám đốc, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm trong việc khiến Công ty làm ăn thua lỗ”, ông Nhựt chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (lần thứ nhất).

Bết bát hơn VNH, cổ phiếu AVF của Công ty cổ phần Việt An vừa chính thức hủy niêm yết trên HOSE ngày 10/6 vừa qua. Mặc dù lý do bị hủy niêm yết của AVF là do chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2014, nhưng nếu nhìn vào khoản lỗ “khủng” năm 2014 theo báo cáo tài chính do AVF tự lập, thì công ty này cũng đã “sẵn sàng” rời sàn, thậm chí phá sản.

Theo báo cáo tài chính năm 2014 của AVF, Công ty lỗ tới 892,6 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 433,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong quý IV/2014, AVF ghi nhận chi phí khác lên tới 688,1 tỷ đồng, mà theo giải trình là do Công ty thực hiện kiểm kê, đánh giá lại giá trị thực thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi. Điều này dẫn tới ghi nhận giá trị hàng tồn kho của AVF giảm từ 512,2 tỷ đồng (30/9/2014) xuống còn 15,83 tỷ đồng (31/12/2014).

Mặc dù AVF đã từng thuộc top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, nhưng hoạt động sản xuất của AVF chỉ bắt đầu khó khăn từ giữa năm 2014, khi các cổ đông lớn ồ ạt bán ra cổ phiếu AVF và HĐQT AVF cũng trở thành những người làm thuê.

Chủ nhân mới hay nhà đầu cơ?

Dù thua lỗ lớn, giá trị cổ phiếu chỉ ngang cốc trà đá, nhưng cổ phiếu VNH và AVF vẫn tạo sức hút lớn trên thị trường, khi duy trì được thanh khoản khá tốt. Thậm chí, với cổ phiếu AVF, đã xuất hiện nhiều “tay to” kịp mua vào với số lượng lớn trên 5% ngay trước ngày AVF hủy niêm yết. Cụ thể, Công ty cổ phần Thủy sản BA đã kịp sở hữu 4,34 triệu cổ phần (10% vốn cổ phần) và cổ đông Lê Văn Lợi sở hữu 5,66 triệu cổ phần (13% vốn cổ phần).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, đã có một số nhà đầu tư và các quỹ đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của VNH, nhưng chưa đưa ra quyết định cụ thể, bởi “chưa nhìn thấy cơ hội hồi phục thực sự từ doanh nghiệp”.

Việc thiếu vắng chủ nhân nắm cổ phần chi phối khiến hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết này trở nên bết bát, mất phương hướng và chiến lược. Nếu làm ăn thua lỗ và phá sản, HĐQT của các doanh nghiệp này cũng không bị mất ảnh hưởng nhiều, bởi họ đang là những người đi làm thuê và không đại diện cho số lớn cổ đông của doanh nghiệp.

Còn quá sớm để khẳng định những cổ đông mới là nhà đầu tư hay đầu cơ, nhưng nếu đây là những nhà đầu tư có tâm huyết, bức tranh của các doanh nghiệp niêm yết “vắng chủ” có thể sẽ tươi sáng hơn.

Doanh nghiệp niêm yết chạy đua chuyển sàn
Không ít doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch chuyển sàn giao dịch. Có nhiều lý do dẫn tới kế hoạch này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư