Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Điểm sáng phục hồi từ cải thiện biên lợi nhuận
Thanh Thủy - 06/11/2023 14:56
 
Diễn biến giá hàng hóa theo hướng tích cực giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức phục hồi rõ rệt trong quý III.

“Thoát” bàn thua dù doanh thu suy giảm

Quý thứ hai liên tiếp, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận dương - điều chưa từng đạt được từ năm 2021 trở lại đây. Riêng trong quý III, Vinamilk báo lãi gần 3.076 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng cải thiện hơn đáng kể so với con số 5,9% của quý liền trước.

Lợi nhuận của “anh cả” ngành sữa giữ được đà tăng bất chấp doanh thu quý III đạt hơn 15.680 tỷ đồng, tăng so với 2 quý trước, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sức mua nội địa thu hẹp của toàn ngành sữa. Lý do chính giúp đà tăng lợi nhuận được tiếp diễn là bởi biên lợi nhuận đã hồi phục về mức 41,9%. Đây cũng là con số cao nhất Vinamilk đạt được kể từ sau Covid-19.

Theo ông Đồng Quang Trung, Trưởng ban Quan hệ nhà đầu tư, hoạt động kinh doanh của Vinamilk từng chịu ảnh hưởng tiêu cực do giá nguyên liệu tăng đột biến trong khi nhu cầu giảm, cạnh tranh gay gắt… Tuy nhiên, đại diện từ hãng sữa này tin tưởng giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Chi phí vận hành tiếp tục được kiểm soát tốt tương tự giai đoạn khó khăn, biên lợi nhuận gộp hồi phục trực tiếp cải thiện kết quả kinh doanh cuối năm cũng như giúp Công ty chi trả thêm cho hoạt động bán hàng để củng cố thị phần.

Tương tự, hai doanh nghiệp đứng đầu ngành nhựa là Nhựa Bình Minh (mã BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) tiếp tục có quý hồi phục mạnh lợi nhuận so với mức nền so sánh thấp cùng kỳ. Nguyên nhân chính cũng đến từ sức bật của biên lợi nhuận gộp. Doanh thu bán hàng quý III của Nhựa Bình Minh giảm 37,6%, nhưng giá vốn hàng bán giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu tăng từ 28% (quý III/2022), lên 43% (quý III/2023). Nhờ đó, Nhựa Bình Minh báo lãi trước thuế riêng quý này đạt gần 209 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả tích cực ở cả nửa đầu năm giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng của doanh nghiệp này tăng tới 75% so với cùng kỳ, dù doanh thu đi lùi giảm gần 16%.

Theo chuyên gia phân tích từ khối phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), sự phục hồi của lợi nhuận được hỗ trợ bởi sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn.

Trong khi đó, biên lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong bật lên mạnh 30% trong quý III/2023 từ mức 20% cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế nhờ đó tăng 77% lên 148 tỷ đồng, góp khoảng 37,5% trong tổng lợi nhuận 9 tháng. Giải trình tới cổ đông, Tổng giám đốc Chu Văn Phương cho biết, giá thành nguyên vật liệu chính đã giảm sâu trong quý III, tác động chính tới tăng trưởng lợi nhuận kỳ này.

“Ông lớn” ngành thép Hòa Phát cũng công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực với lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 38% so với quý liền trước, đồng thời phục hồi đáng kể từ khoản lỗ 1.785 tỷ đồng cùng kỳ quý III/2022. Theo chuyên gia phân tích từ khối phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), sự phục hồi của lợi nhuận được hỗ trợ bởi sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn. Biên lợi nhuận cải thiện đạt 12,6% ở quý III, trong khi chỉ ở mức 10,8% quý trước và 2,9% cùng kỳ năm 2022. Giá than cốc giảm hơn 20% và sản lượng tiêu thụ cải thiện 11,3% so với quý trước đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh chính.

Thấp thỏm theo giá hàng hóa

Hòa Phát cùng một số doanh nghiệp là điểm sáng về xu hướng phục hồi những quý gần đây. Dù vậy, giá hàng hóa có thể xuất hiện những biến động trái chiều. Như tại Hòa Phát, yếu tố thuận lợi từ giá than có thể sẽ không còn, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực trở lại. Theo quan sát của SSI Research, giá than luyện kim tăng vọt trong thời gian gần đây với mức tăng hơn 25% kể từ cuối tháng 9 và 40% kể từ đầu tháng 9 do nhu cầu từ Ấn Độ tăng lên trong bối cảnh nguồn cung hạn chế từ Australia và chính sách kiểm soát an toàn tại các mỏ than trong nước của Trung Quốc dự kiến duy trì đến cuối năm 2023.

Ở phía đầu ra, giá thép đã điều chỉnh trong 2,5 năm qua kể từ mức đỉnh đầu năm 2021. Biên lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất Trung Quốc giảm xuống mức thấp, dẫn đến việc thu hẹp sản lượng. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam. Do đó, chuyên gia phân tích từ SSI dự báo giá thép có khả năng sẽ phục hồi hoặc ổn định trong thời gian ngắn.

Trong khi tương lai diễn biến giá các yếu tố đầu vào và đầu ra của ngành thép khó đoán định, đại diện Vinamilk tự tin hơn về xu hướng giá sữa bột nguyên liệu. “Xu hướng sữa bột nguyên liệu neo ở vùng giá thấp có thể diễn ra trong thời gian tương đối bởi 2 yếu tố, bao gồm nguồn cung nhập khẩu New Zealand ổn định và nhu cầu tại Trung Quốc giảm mạnh. Công ty chưa thấy sự đảo chiều về giá sữa bột, trừ khi có thêm những tình huống bất ngờ như dịch bệnh xảy ra một lần nữa”, Trưởng ban Quan hệ nhà đầu tư Vinamilk nhận định. Ngoài việc có thể hưởng lợi từ nguyên liệu nhập khẩu, ông Trung cho biết, Công ty cũng đang tự chủ nhiều hơn nguyên liệu có thể tự cung cấp như sữa tươi để tránh bị ảnh hưởng bởi giá đầu vào.

Đối với các doanh nghiệp thương mại hay sản xuất, yếu tố giá hàng hóa trực tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính quan trọng như doanh thu, giá vốn... Giá hàng hóa thay đổi trong môi trường vĩ mô nhiều biến động khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó dự báo hơn. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang phải linh động hơn để ứng phó với những thay đổi của thị trường.

Vinamilk: Biên lợi nhuận quý II/2022 cải thiện, doanh thu kênh hiện đại tiếp tục đà tăng
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – HoSE: VNM) công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư