Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Điện - thước đo của sự phát triển
Thanh Hương - 24/05/2019 16:03
 
Câu chuyện giá điện tăng 2 tháng trước đây đã làm nóng nghị trường Quốc hội ngay trong những ngày làm việc đầu tiên.
.
.

Tuy nhiên, những bức xúc về tiền điện cao trong mùa nắng nóng, hay những tranh luận về giá điện phải trả thực tế cao hơn mức 8,36% công bố, mới chỉ là biểu hiện của bên ngoài của ngành kinh tế quan trọng này. Nhìn vào báo cáo giải trình về giá điện của Chính phủ, có những điều đáng giật mình và có vẻ như lấn át sức nóng của tăng giá điện.

Trong số 25,890 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt đang được ngành điện quản lý, có tới gần 4 triệu hộ hàng tháng chỉ dùng dưới 50 kWh, chiếm tỷ trọng 15,1%. Với mức tiêu thụ này, loại trừ các trường hợp nhà để không vì đang ở chỗ khác, thì câu hỏi cần trăn trở ở đây phải là, “người dân đã sử dụng những thiết bị điện nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình khi khối khách hàng này chỉ tiêu thụ bình quân có 26 kWh/tháng”.

Ngay cả các hộ dùng từ 51 - 100 kWh/tháng cũng có tỷ trọng không nhỏ, với 5,317 triệu hộ - chiếm 20,5% số hộ dùng điện sinh hoạt, với mức bình quân tiêu thụ là 77 kWh/tháng.

Trên thực tế, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Tiết kiệm điện bao giờ cũng là công việc tối cần thiết, bởi tài nguyên cho sản xuất điện không phải là vô tận.

Với đặc điểm này, rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua các biện pháp đánh vào kinh tế, mà cụ thể là giá.

Tuy nhiên, tiêu dùng điện hợp lý và tiết kiệm điện khác với không có điều kiện có các thiết bị sử dụng điện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tái tạo sức lao động.

Bởi vậy, chỉ số mức tiêu thụ điện sinh hoạt bình quân của hơn 15,1% số hộ tiêu thụ điện trên toàn quốc chưa đến 1 kWh/ngày hay có 20,5% số hộ dùng bình quân chỉ nhỉnh hơn 2 kWh/ngày (nếu tính theo giá bán lẻ điện ở bậc thang này đang là 1.600 đồng/kWh - chưa VAT, thì chi phí điện mới chỉ là 4.000 đồng/ngày), một mặt cho thấy đời sống của người dân chưa cao, mặt khác không đủ sức đóng góp tái đầu tư cho sản xuất.

Trên tổng thể cả nền kinh tế, với mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ hơn 2.000 kWh/người/năm hiện nay, rõ ràng, còn nhiều thách thức cũng như nhiều việc phải làm trong quá trình tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Việt Nam đang phấn đấu tăng trưởng cao để tránh bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2035, GDP bình quân đầu người là 10.000 USD/người/năm, gấp hơn 3 lần so với mức 2.587 USD/người/năm vào thời điểm cuối năm 2018, thì việc đầu tư phát triển điện với tư cách là ngành cơ sở hạ tầng của nền kinh tế là rất cần thiết.

Tuy nhiên, với thực tế đầu tư vào ngành điện đang có dấu hiệu chững lại trong 3 năm trở lại đây, nhiều công trình lớn đã không thể triển khai được khiến việc cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế đang bị đe dọa, thiết nghĩ, minh bạch giá điện là yêu cầu cấp thiết và chính đáng, nhưng câu chuyện đầu tư cho điện - phát triển kinh tế xã hội mới thực sự là vấn đề cấp thiết và cần phải quan tâm nhiều hơn.

Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện về tăng giá điện, xăng
Chính phủ được yêu cầu làm rõ cơ sở tăng giá bán lẻ điện, xăng dầu cũng như tác động từ những đợt điều chỉnh này tới CPI.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư