Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: DRC của Cao su Đà Nẵng bật tăng 11%
 
Thị trường tăng tuần thứ 6 liên tiếp nhờ nỗ lực của bên mua nhằm giữ xanh thị trường, trong khi bên bán không quá quyết liệt và chỉ lựa giá cao để chốt lời. Nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị tuần này trở lại lình xình, nhưng khá tích cực có bluechip SBT, REE, PLX cùng những cái tên ít được chú ý như TCM, DRC, HT1.

BSC: TNG cần thêm xác nhận vượt qua vùng 11.900 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương

- Khối lượng giao dịch tăng 268% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: TNG đang tích lũy trên nền giá 11.500 đồng trong 1 tháng và có phiên bứt phá về giá và khối lượng trong phiên 17/8.

Tuy nhiên cổ phiếu chưa qua được đỉnh ngắn hạn 11.900 đồng lần đầu tiên và cần thêm xác nhận vượt qua vùng này để nhà đầu tư có thể tham gia mở vị thế.

Khuyến nghị chỉ mua TNG khi giá vượt qua ngưỡng 12.000 đồng với thanh khoản trên 500.000 cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu TNG giao dịch khá ảm đạm, khi chỉ có 1 phiên tăng nhẹ 1,7%, 2 phiên đứng tham chiếu và 2 phiên giảm nhẹ (-0,9%; -0,9%).

Thanh khoản khớp lệnh trong tuần trung bình có từ từ 170.000 đến hơn 350.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, cổ phiếu TNG không đổi ở mức 11.600 đồng/cổ phiếu.

VCSC đưa ra giá mục tiêu điều chỉnh 31.000 đồng cho PC1

CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) cho biết hiện đang đàm phán để mua lại một khu đất rộng 6.000m2 tại đường Minh Khai, Hà Nội (cách trung tâm thành phố 20 phút và gần Vinhomes Times City) để phát triển dự án BĐS năm 2020.

Công ty vẫn chưa công bố giá trị vốn đầu tư nhưng dự kiến doanh thu của dự án sẽ là 40 triệu USD, phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Dự kiến việc chuyển nhượng sẽ được hoàn tất trong Quý III/2018 và dự án sẽ được khởi công năm 2019. PC1 hiện đang giao dịch tại mức P/E 8 lần theo dự báo EPS 2018 chúng tôi đưa ra.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu điều chỉnh 31.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 24%.

Trong tuần này, cổ phiếu PC1 đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó tăng/giảm đan xen trong 4 phiên còn lại (-0,4%; 0,8%; -0,8%; 2,4%).

Thanh khoản phiên cuối tuần cao nhất với gần 270.000 đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 26.000 đơn vị.

Chốt tuần, PC1 tăng nhẹ từ 25.000 đồng lên 25.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +2%.

ACBS khuyến nghị BÁN cổ phiếu SAB

Chúng tôi tin rằng triển vọng tương lai của SAB vẫn khả quan nhờ vào (i) thịtrường vẫn còn khả năng tăng trưởng và (ii) việc tái cơ cấu đang diễn ra.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa dự phóng sự cải thiện đáng kể sẽ diễn ra ngay trong kỳ dự báo, do nhà đầu tư chiến lược mới có thể sẽ cần khá nhiều thời gian để tạo ra những tác động rõ ràng lên tình hình hoạt động của SAB.

Chúng tôi sẽ cập nhật dự phóng khi có các dấu hiệu tích cực hơn. Vừa qua, nhân sự từ Thai Beverage cũng đã dần thay thế vịtrí chiến lược như Tổng giám đốc điều hành và các vị trí trong Hội đồng quản trị.

Do đó, có thể những sự thay đổi đến từ Thai Beverage sẽ thể hiện trong thời gian tới.

Cho năm 2018, chúng tôi hạ dự phóng doanh thu và LNST của SAB về tương ứng là 37.453 tỷ đồng (+9,5% n/n) và 4.967 tỷ đồng (+0,4% n/n).

Sử dụng kết hợp phương pháp định giá DCF và P/E, giá khuyến nghị của chúng tôi cho cổ phiếu SAB là 152.829 đồng/ cp. Khuyến nghịBÁN.

Trong tuần này, cổ phiếu SAB giao dịch tương đối lình xình, khi 3 phiên liên tiếp từ đầu tuần đứng giá tham chiếu, sau đó giảm nhẹ -0,2% trong phiên kế tiếp và phục hồi nhẹ +0,2% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh không phiên nào quá 100.000 đơn vị.

Chốt tuần, SAB không đổi ở mức 213.000 đồng/cổ phiếu.

ACBS  nâng khuyến nghị lên MUA đối với cổ phiếu MWG

Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu thuần cho MWG trong 2018 lên 90.273 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế lên 3.083 tỷ đồng, tương ứng tăng 36,1% và 39,7% n/n.

Giá mục tiêu mới của chúng tôi là 141.073 đồng/cổ phiếu, dự trên phương pháp DCF và P/E, và nâng khuyến nghị lên MUA.

Trong tuần này, cổ phiếu MWG có 3 phiên tăng (2,5%; 0,8%; 0,2%), và 2 phiên giảm (-0,2%; -0,7%).

Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MWG tăng từ 118.100 đồng lên 121.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,45%.

FPTS: Khuyến nghị MUA HPG với giá mục tiêu 50.000 đồng

Nhà máy tôn mạ màu sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ Quý II/2018. Với hệ thống phân phối trải rộng, FPTS nhận định HPG có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường tôn mạ. Ước tính doanh thu mảng này trong 2018 có thể đạt 3.000 tỷ.

Dây chuyền cán của giai đoạn I Dung Quất sẽ vận hành sớm hơn dự kiến. Đây là bước đệm để Hòa Phát có thể thâm nhập thị trường miền Trung và miền Nam.

Kết thúc quá trình bàn giao nhà của dự án Mandarin Garden II, với doanh thu và lợi nhuận dự kiến lần lượt là khoảng 1.500 tỷ và 500 tỷ.

Bắt đầu cung cấp các sản phẩm trứng gà tươi ra thị trường, với số lượng dự kiến là khoảng 20 triệu quả. Thịt heo cũng sẽ bắt đầu được bán ra sau 2 năm gây đàn.

Khuyến nghị: MUA với giá mục tiêu trong dài hạn là 50.000 VNĐ/CP Theo dự phóng FPTS, doanh thu năm 2018 của HPG có thể đạt 60.900 tỷ đồng (+32% yoy).

Tỷ suất lợi nhuận gộp dự phóng giảm từ mức 23% năm 2017 xuống còn 21% cho năm 2018 do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, và dây chuyền cán mới sẽ chỉ nhập phôi để cán nên tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

LNST ước tính đạt 9.175 tỷ (+15% YoY), tương đương với EPS năm 2018 vào khoảng 4.320 đồng/cp.

Theo đó, chúng tôi cập nhật kết quả định giá và khuyến nghị các nhà đầu tư nên duy trì trạng thái MUA đối với cổ phiếu HPG với vùng giá mục tiêu 50.000 VNĐ/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu HPG chỉ có 1 phiên giảm đầu tuần (-1,2%), sau đó tăng cả 4 phiên còn lại (0,7%; 1,3%; 0,3%; 0,7%).

Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ hơn 3 triệu đến 6 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, HPG tăng từ 37.700 đồng lên 38.350 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,72%.

BSC: TCM cần tích lũy ngắn tại vùng 22.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương, tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 170% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: TCM hôm nay tiếp tục có một phiên bứt phá sau khi kiểm tra lại vùng giá 19.500 đồng với khối lượng giao dịch thấp.

Với phiên bứt phá hôm nay, cổ phiếu này tạo ra những điểm tích cực trong cả trung hạn do dòng tiền lớn tham gia.

Tuy nhiên, ngay phía trên là vùng cản tại giá 22.000 đồng và TCM cần tích lũy ngắn tại vùng này trước khi tiếp tục xu hướng tăng.

Trong tuần này, cổ phiếu TCM có 1 phiên giảm ngày cuối tuần (-1,4%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu ngày 21/8, còn lại 3 phiên đều tăng (5,5%; 1,4%; 2,8%).

Thanh khoản trung bình trên dưới 300.000 đơn vị/phiên, riêng phiên đầu tuần có hơn 730.000 đơn vị.

Chốt tuần, TCM tăng từ 19.900 đồng lên 21.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,54%.

VSCS: dự kiến duy trì khuyến nghị MUA dành cho POW

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2018 trong đó doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 53.6% dự phóng cả năm của chúng tôi.

LNST báo cáo và cốt lõi tăng lần lượt 26,7% và 14,4%, đạt 47% và 43% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi chủ yếu là nhờ sản lượng tăng mạnh từ nhiệt điện than Vũng Áng và chi phí khấu hao giảm từ nhiệt điện khí Cà Mau, qua đó bù đắp cho việc lợi nhuận NT2 giảm 20,7% do sự cố đường ống dẫn khí.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2018 sẽ cao hơn đầu năm do khấu hao cũng như chi phí đại tu bảo dưỡng sẽ thấp hơn.

Chúng tôi dự kiến duy trì khuyến nghị MUA nhưng có thể giảm dự phóng lợi nhuận 2018 khoảng 5%, chủ yếu do ảnh hưởng từ sự cố đường ống khí và chi phí nhân công cao hơn ước tính trước đây.

Trong tuần này, cổ phiếu POW có 3 phiên giảm (-1,5%; -0,8%; -0,8%), cùng 1 phiên tăng (0,8%), còn lại 1 phiên ngày 22/8 đứng tham chiếu.

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, POW giảm nhẹ từ 13.200 đồng xuống 13.100 đồng/cổ phiếu.

FPTS: Giữ khuyến nghị MUA SBA với giá mục tiêu là 18.397 đồng

Tổng doanh thu nửa đầu năm 2018 đạt 118,4 tỷ đồng (-16% yoy). Lợi nhuận sau thuế đạt 45,6 tỷ đồng (-16% yoy), theo đó EPS đạt 757 đồng. Doanh nghiệp đã vượt 6,3% kế hoạch doanh thu và 17,3% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong nửa đầu năm 2018.

Doanh thu tăng mạnh chủ yếu do lượng nước về hai hồ tăng đáng kể (La Nina đạt đỉnh mức vừa phải vào cuối năm 2017 tạo ra mưa lớn tại Nam Trung Bộ). Riêng Quý 2/2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 37,9 tỷ đồng (-34% yoy), 6,8 tỷ đồng (-62%).

So với kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm -9,3% và -30%. SBA đã thực hiện trả cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 7% vào ngày 24/4/2018.

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu SBA với giá mục tiêu là 18.397 đồng trong trung và dài hạn theo phân tích tình hình thực tế

Trong tuần này, cổ phiếu SBA giao dịch thiếu tích cực, khi có tới 3 phiên đứng tham chiếu và 2 phiên giảm (-0,3%; -0,3%). Thanh khoản thấp, phiên cuối tuần còn trắng thanh khoản.

Chốt tuần, SBA giảm nhẹ từ 14.600 đồng xuống 14.500 đồng/cổ phiếu.

BSC: Đây là điểm mua đáng tin cậy của DRC

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương, tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 360% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: DRC đã xuất hiện phiên bứt phá qua ngưỡng kháng cự 25.000 đồng sau hơn 2 tháng tích lũy.

Liên tục kiểm tra nguồn cung tại ngưỡng kháng cự này trong 2 tháng, mô hình biến động thu hẹp đã kết thúc với phiên tăng trần cùng khối lượng cao đột biến lên hơn 1 triệu cổ phiếu.  

Đây là điểm mua đáng tin cậy của DRC.

Trong tuần này, cổ phiếu DRC có 2 phiên tăng, và đều là tăng kịch trần vào ngày 21 và 23/8 (6,8%; 6,6%), và 2 phiên giảm (-0,6%; -2%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu ngày đầu tuần.

Thanh khoản khớp lệnh 2 phiên tăng trần cao nhất với hơn 760.000 và 1 triệu đơn vị. 2 phiên giảm hơn 382.000 đơn vị.

Chốt tuần, DRC tăng từ 24.200 đồng lên 26.850 đồng/cổ phiếu, tương đương +10,95%.

VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho VJC

CTCP Hàng không VietJet (VJC) sẽ tạm ứng cổ tức đợt đầu cho năm 2018 tại mức 20% mệnh giá (mệnh giá bằng 10.000VND/cổ phiếu) hay tương ứng mức cổ tức tiền mặt là 2.000VND/cổ phiếu, lợi suất cổ tức 1,3% theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 05/09 và ngày trả cổ tức là 19/09. ĐHCĐ 2018 đã thông qua mức cổ tức 50% cho năm nay nhưng không đưa ra cụ thể thời điểm trả cổ tức hay tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 6,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%. (Báo cáo ngày 20/8).

Trong tuần này, cổ phiếu VJC có phiên đầu tuần đứng tham chiếu, sau đó tăng nhẹ (0,7%), và điều chỉnh liên tiếp sau đó 2 phiên (-0,1%; -0,6%), trước khi phục hồi nhẹ +0,5% phiên cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 500.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VJC tăng nhẹ từ 151.000 đồng lên 151.800 đồng/cổ phiếu.

VCSC giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho PLX

Chúng tôi giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9,1% do điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng dài hạn trong khi tỷ lệ chiết khấu tăng.

Chúng tôi dự báo EPS 2018 sẽ tăng 13,6% nhờ sản lượng nội địa tăng 7,2% và biên lợi nhuận tăng nhờ sản lượng xăng E5 và RON95 tăng.

Dự báo EPS 2018 này tăng so với báo cáo trước vì sản lượng nội địa cao hơn dự kiến và tình hình giá xăng dầu diễn biến thuận lợi trong Quý 2.

Chúng tôi dự báo EPS 2018-2022 sẽ tăng 6,7%/năm, chủ yếu nhờ sản lượng bán ra trong nước và bán lẻ tăng lần lượt 5,6% và 6%.

Yếu tố hỗ trợ: Rủi ro liên quan đến biến động giá đầu vào giảm nhờ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, lợi nhuận bất thường nhờ sáp nhập HDB-PGB (giúp LNST tăng 34% theo giá hiện nay của HDB là 35.900VND/cổ phiếu).

Trong tuần này, cổ phiếu PLX chỉ có 1 phiên giảm duy nhất vào ngày giữa tuần (-0,3%), còn lại 4 phiên tăng (2%; 0,5%; 0,5%; 3,2%).

Thanh khoản khớp lệnh phiên cuối tuần vọt lên với hơn 2,1 triệu đơn vị, phiên đầu tuần hơn 1,1 triệu đơn vị, và 3 phiên còn lại trên dưới 600.000 đơn vị.

Chốt tuần, PLX tăng từ 64.200 đồng lên 68.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +5,91%.

ACBS thay đổi khuyến nghị từ MUA sang GIỮ cổ phiếu DXG

Điểm đáng lo ngại chính của chúng tôi là nếu Lux Riverview và Lux Star không thể bàn giao kịp vào cuối năm 2019 và không có lợi nhuận bất thường thì KQKD năm sau sẽ giảm đáng kể so với năm nay.

Do nợ ròng tăng gấp đôi lên 1.735 tỷ đồng trong quý II/2018 và giá thị trường của cổ phiếu công ty liên kết LDG giảm 30% kể từ báo cáo của chúng tôi vào ngày 3/5/2018 nên chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ MUA sang GIỮ cổ phiếu DXG với giá mục tiêu 30.347 đồng/cổ phiếu, sử dụng phương pháp định giá từng phần.

Trong tuần này, cổ phiếu DXG có 2 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần (2,6%; 0,9%), và 1 phiên đứng tham chiếu ngày 23/8, và 2 phiên còn lại giảm (-0,7%; -0,4%).

Thanh khoản khớp lệnh trung bình từ 2 triệu đến gần 3 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DXG tăng nhẹ từ 27.150 đồng lên 27.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,39%.

BSC: Mở vị thế với HT1 với giá mục tiêu ngắn hạn 14.500 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương, tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 450% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: HT1 sau khi tạo đáy tại vùng giá 11.000 đồng đã hồi phục lên ngưỡng 12.000 đồng và tích lũy trong 1 tháng tại vùng này.

Phiên hôm nay là phiên bứt phá về giá và khối lượng tạo ra mô hình vai đầu vai ngược ngắn hạn và là điểm mua đáng tin cậy của cổ phiếu này.

BSC: mở vị thế với HT1 với giá mục tiêu ngắn hạn 14.500 đồng và cắt lỗ tại 11.700 đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu HT1 có 3 phiên tăng (0,4%; 5,4%; 1,5%), một phiên đứng tham chiếu ngày 21/8, và giảm nhẹ phiên cuối tuần (-1,6%).

Thanh khoản khớp lệnh cao nhất có hơn 11, triệu đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 200.000 đơn vị.

Chốt tuần, HT1 tăng từ 11.900 đồng lên 12.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +5,88%.

PHS Khuyến nghị MUA cổ phiếu SBT

Với những lợi thế cạnh tranh về thị phần, năng lực sản xuất cũng như khả năng đa dạng hóa các sản phẩm, dự kiến SBT sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng, đặc biệt trong bối cảnh giá đường được kỳ vọng sẽ hồi phục, doanh thu SBT ước tính đạt 14,636 tỷ đồng (+41% YoY) và LNST đạt 775 tỷ đồng (+ 42% YoY), với giả định biên lợi nhuận gộp tương đương năm trước ở mức 13%.

Bên cạnh đó, kỳ vọng trong năm 2018 – 2019 SBT sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư từ cổ đông chiến lược nước ngoài sau khi nới room thành công, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ được hỗ trợ.

Bằng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của SBT vào khoảng 25,137 đồng/ cổ phiếu, tương đương với mức P/E forward là 18.x. Từ đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu SBT có 3 phiên tăng (1,9%; 2,7%; 2,9%), và 2 phiên ngày 23 và 23/8 đứng tham chiếu.

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 3 triệu đến 6 triệu cổ phiếu/phiên, riêng phiên đầu tuần có 8,2 triệu đơn vị.

Chốt tuần, SBT tăng từ 18.350 đồng lên 19.750 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,63%.

VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho DHG

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cho biết đối tác chiến lược Taisho đã mua lại thành công 9,2 triệu cổ phiếu (7% cổ phần), qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 32%. Giá mua là 120.000VND/cổ phiếu theo công bố trước đó.

Việc Taisho tăng tỷ lệ sở hữu và có thể tiếp tục cho đến khi nắm cổ phần kiểm soát của công ty không khiến chúng tôi thay đổi quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng của DHG.

Chúng tôi cho không kỳ vọng rằng trong trung hạn, Taisho có thể hỗ trợ được DHG về mặt sản phẩm, một yếu tố cạnh tranh trọng yếu.

Thứ nhất, Taisho chuyên về nghiên cứu và phát triển các loại thuốc sáng chế trong khi DHG chuyên về sản xuất thuốc gốc thì có nghĩa rằng nếu DHG sản xuất thuốc cho Taisho thì cần nâng cấp đáng kể về kỹ thuật, đòi hỏi sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực.

Thứ hai, danh mục sản phẩm của Taisho và DHG có nhiều sự trùng khớp nên khả năng mở rộng của cả hai cũng sẽ hạn chế.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho DHG với giá mục tiêu 85.500VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời -7,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,1%. (Báo cáo ngày 21/8).

Trong tuần này, cổ phiếu DHG có 1 phiên tăng duy nhất vào giữa tuần (0,9%), 2 phiên giảm (-3,5%; -0,9%), và 2 phiên đứng tham chiếu.

Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 150.000 đơn vị/phiên, riêng 2 phiên đầu tuần hơn 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DHG giảm từ 99.500 đồng xuống 96.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,51%.

VCSC khuyến nghị MUA dành cho MBB

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với giá mục tiêu được điều chỉnh giảm 6% do chi phí vốn tăng, tổng mức sinh lời là 40,2%, bao gồm lợi suất cổ tức. NIM 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4,5%, vượt dự báo trước đây của chúng tôi.

Nếu MBB có thể duy trì NIM cả năm 2018 tại mức 4,5% (tăng 30 điểm cơ bản so với năm 2017), chúng tôi cho rằng dự báo thu nhập lãi thuần sẽ không chịu áp lực dù tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh giảm xuống 15%, phù hợp với hạn ngạch của NHNN.

Trong tuần này, cổ phiếu MBB có 3 phiên tăng (2,4%; 0,2%; 0,2%), và 2 phiên giảm đan xen (-2,1%; -0,2%). Thanh khoản khớp lệnh trung bình 5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MBB tăng nhẹ từ 23.400 đồng lên 23.500 đồng/cổ phiếu.

KIS giữ khuyến nghị TĂNG TỶ TRỌNG đối với cổ phiếu SCS

Chúng tôi giữ kỳ vọng tích cực đối với tăng trưởng của SCS vì những lợi thế cạnh tranh sẽ có thể hỗ trợ cho tăng trưởng 20%/năm đến 2022.

Chúng tôi định giá cổ phiếu của SCS ở mức 193,200 đồng/cp vào cuối 2019.

Với cổ tức tiền mặt 5,000 đồng/cp, lợi nhuận kỳ vọng đạt 17% so với thị giá hiện tại 170k/cp. Do đó, chúng tôi giữ mức khuyến nghị: TĂNG TỶ TRỌNG đối với cổ phiếu SCS.

Trong tuần này, cổ phiếu SCS đứng tham chiếu trong 4 phiên liên tiếp từ đầu tuần, và giảm nhẹ (-0,3%) trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản trồi sụt, khi phiên cao nhất có hơn 35.000 đơn vị, có phiên chỉ có hơn 2.700 đơn vị.

Chốt tuần, SCS giảm từ 170.000 đồng xuống 169.500 đồng/cổ phiếu.

BSC: REE cần tích lũy tại vùng kháng cự 40.000 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương, tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 200% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: REE sau quá trình tích lũy gần 1 tháng thì cổ phiếu này đã vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh là SMA200 với khối lượng cao đột biến.

Đây là tín hiệu rất tích cực cho trung và dài hạn do đây mà một trong những cổ phiếu đầu tiên bám lên SMA200 trên thị trường.

Tuy nhiên cổ phiếu này sẽ gặp kháng cự rất mạnh vùng 40.000 đồng và cần tích lũy tại đây.

Trong tuần này, cổ phiếu REE giảm nhẹ phiên đầu tuần (-0,4%), sau đó 3 phiên liên tiếp tăng (0,9%; 2,2%; 3,4%) và đứng tham chiếu phiên cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 1,8 triệu đơn vị, phiên thấp nhất đầu tuần có hơn 180.000 đơn vị.

Chốt tuần, REE tăng từ 34.300 đồng lên 36.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,12%.

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho CTD

CTD là một công ty cơ bản tốt và chúng tôi nhận thấy mức giá hiện tại của công ty đã khá hấp dẫn (P/E và P/B forward 2018 lần lượt ở mức 8,48x và 1,45x) sau khi điều chỉnh mạnh 32% từ mức giá đỉnh vào tháng 11 năm 2017.

Những chuyển biến tâm lý tích cực gần đây là nhờ thông tin về các dự án VinCity. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cho CTD với mức giá mục tiêu cho năm 2018 là 185.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E forward 2018 là 10,1x và mức lợi nhuận kỳ vọng là 17,4%.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị này dựa trên 1) Dự án Vincity đảm bảo cho backlog của CTD trong dài hạn, 2) Mở rộng chuỗi cung ứng và mô hình D&B dựa trên các tham vọng M&A nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận, 3) Vị thế tài chính vững chắc của CTD và 4) Những nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa doanh thu để giảm thiểu tác động từ tính chu kỳ của thị trường bất động sản và ngành xây dựng.

Rủi ro giảm giá: 1) rủi ro pha loãng tiềm tàng, 2) các giao dịch M&A kéo dài và 3) thị trường bất động sản sụt giảm nhiều hơn dự kiến.

Trong tuần này, cổ phiếu CTD có 2 phiên tăng (2%; 3,2%), và 2 phiên giảm (-0,3%; -0,7%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu ngày 23/8.

Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 430.000 đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 55.000 đơn vị.

Chốt tuần, CTD tăng từ 153.500 đồng lên 160.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,23%.

VCSC giữ khuyến nghị MUA dành cho FRT

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9% chủ yếu do lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro chủ sở hữu tăng.

Định giá hấp dẫn với PEG 3 năm là 0,7. Mảng điện thoại di động của FRT đang có tiến triển tốt nhờ chương trình F.Friends và trợ giá nhà mạng. Tuy nhiên, việc định giá lại của cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào bước tiến của chuỗi nhà thuốc mới.

LNST 2018 dự báo tăng mạnh 33% so với năm 2017 nhờ mở thêm cửa hàng mới, chương trình F.Friends và trợ giá nhà mạng tăng trưởng mạnh hơn, và biên lợi nhuận gộp tăng nhờ cơ cấu doanh thu cải thiện, đồng thời chi phí quản lý giảm.

Chúng tôi dự báo LNST mảng điện thoại di động sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 21% giai đoạn 2018-2020 nhờ đẩy mạnh các chương trình F.Friends và trợ giá nhà mạng, trong khi biên lợi nhuận gộp mảng phụ kiện dự kiến sẽ tăng nhờ nhập khẩu trực tiếp.

Trong tuần này, cổ phiếu FRT có 2 phiên giảm ngày đầu tuần và cuối tuần (-0,5%; -3,9%), 1 phiên đứng tham chiếu ngày 23/8, còn lại 2 phiên tăng (3,3%; 1,3%).

Thanh khoản khớp lệnh phiên thấp nhất chỉ có vỏn vẹn 260 đơn vị, phiên cao nhất có 28.000 đơn vị.

Chốt tuần, FRT không đổi ở mức 74.000 đồng/cổ phiếu.

VCSC giữ khuyến nghị MUA dành cho QNS

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) với giá mục tiêu gần như không đổi. Chúng tôi cho rằng cổ phiếu này đang bị định giá thấp tại mức PER 2018 là 8 lần khi 76% LNST được đóng góp bởi mảng sữa đậu nành có thị phần lớn nhất.

Tuy nhiên, việc phân bổ vốn kém hiệu quả cho mảng đường đang ảnh hưởng đến việc tạo ra giá trị cho cổ đông.

Chúng tôi dự báo ROIC (thu nhập trên vốn đầu tư) sẽ giảm dần từ mức đỉnh 36% năm 2015 xuống 19% năm 2020.

LNST 6 tháng đầu năm 2018 tăng 15% dù doanh thu đi ngang, nhờ đóng góp của mảng điện sinh khối, sản lượng và khả năng sinh lời mảng đường được cải thiện, và biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành tăng.

Chúng tôi dự báo LNST 2018 sẽ tăng trưởng 17% vì lợi nhuận mảng đường nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm so với mức thấp cùng kỳ năm ngoái, khi bị ảnh hưởng bởi giá bán thấp trong khi chi phí sản xuất cao.

Các sản phẩm mới được tung ra thị trường trong tháng 9 sẽ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng dài hạn của mảng sữa đậu nành. Chúng tôi giữ thái độ thận trọng và dự báo EPS của QNS sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 6% giai đoạn 2018-2020.

Yếu tố hỗ trợ lợi nhuận: Các sản phẩm sữa đậu nành mới sẽ được tung ra trong Quý 3 có triển vọng tích cực, các biện pháp bảo hộ nếu được ban hành có thể hỗ trợ giá đường trong nước.

Trong tuần này, cổ phiếu QNS giao dịch kém tích cực khi giảm trong cả 4 phiên liên tiếp từ đầu tuần (-0,2%; -0,5%; -0,5%; -1,8%), và chỉ phục hồi 1,8% trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 220.000 đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 74.000 đơn vị.

Chốt tuần, QNS giảm từ 40.500 đồng xuống 40.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,23%.

Vinalines chào bán gần 490 triệu cổ phần
Ngày 5/9 tới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - công ty TNHH một thành viên (Vinalines) sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 488,8 triệu cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư