Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: SSI "phi nước đại", tăng trưởng 9,66%
 
Tuần giao dịch khép lại, VN-Index tăng 28,97 điểm (+3%), lên 992,87 điểm; HNX-Index tăng 1,26 điểm (+1,1%), lên 115,75 điểm. Nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua/bán phần lớn chỉ tăng nhẹ 1-2%, nhưng điểm sáng lớn có HVN, SSI, HPG, khi đã bứt phá khá tốt.

BSC nhận định khả năng giá cổ phiếu SSI sẽ tiếp tục đà tăng

Nhận định: Sau khi chạm đỉnh ở mức 44.400 đồng, SSI đã điều chỉnh mạnh, liên tục mất các ngưỡng hỗ trợ và rơi thủng đường SMA200 xuống mức giá thấp nhất 27.500 đồng, tương đương với mức giảm 38%.

Hiện tại, SSI đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp, với khối lượng thanh khoản tăng qua các phiên. Đặc biệt trong phiên giao dịch hôm nay, SSI tăng trần vượt đường SMA200 và tiếp cận ngưỡng kháng cự ngắn hạn 32.200 đồng.

Chỉ báo MACD có xu hướng hội tụ và cắt đường tín hiệu từ dưới lên sau khi giảm sâu, kết với đà tăng chỉ báo RS sau khi rơi vào vùng quá bán, cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong các phiên tới.

Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu có thể xuất hiện các phiên giằng co khi tiếp cận các ngưỡng kháng cự.

 

Trong tuần này, cổ phiếu SSI có phiên giảm mạnh đầu tuần (-6,8%), sau đó cả 4 phiên còn lại dều tăng, với 2 phiên tăng kịch trần (6,9%; 1,9%; 6,8%; 1,1%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 9 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cũng có hơn 5 triệu đơn vị.

Chốt tuần, SSI tăng từ 29.500 đồng lên 32.350 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,66%.

MBS cho rằng cổ phiếu HVN hiện đang giao dịch ở mức multiple hợp lý

Chúng tôi đánh giá kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) là hợp lý với diễn biến giá nhiên liệu tăng cao gây bất lợi không chỉ với Vietnam Airlines mà toàn ngành vận tải hàng không.

Tuy nhiên việc sở hữu danh mục các công ty con hoạt động trong ngành dịch vụ hàng không với mức sinh lời cao, chiếm thị phần lớn trong ngành sẽ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Danh mục các công ty con của HVN đáng chú ý có Skypec – dẫn đầu cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam, TCS – thị phần lớn nhất tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, NCT – dẫn đầu thị phần hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Dịch vụ Mặt đất Sân bay Việt Nam VIAGS, Suất ăn Hàng không Việt Nam VACS, …

Lợi nhuận từ công ty con sẽ bù đắp một phần thiệt hại từ ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu lên lợi nhuận hợp nhất Tổng công ty.

Định giá: Cổ phiếu HVN hiện đang giao dịch ở mức multiple hợp lý so với các hãng hàng không dịch vụ đầy đủ trong khu vực với EV/EBITDAR trượt 12 tháng 4,4x và P/E trượt 12 tháng 16,5x.

Trong tuần này, cổ phiếu HVN có phiên giảm mạnh đầu tuần (-11,1%), sau đó liên tục tăng tốt trong cả 4 phiên còn lại (8,8%; 2%; 3,7%; 6%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất gần 1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 280.000 đơn vị.

Chốt tuần, HVN tăng từ 29.790 đồng lên 31.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +7,08%.

FPTS khuyến nghị khả quan cho trung và dài hạn đối với cổ phiếu DPM

Năm 2018, DPM đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.577 tỷ đồng (+ 7,3% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 371 tỷ đồng (- 47,6% yoy).

Quý I/2018, DPM đã ghi nhận doanh thu tăng 5,3% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước,do ảnh hưởng từ giá khí nguyên liệu tiếp tục tăng.

Tuy vậy, DPM đã hoàn thành được 24% kế hoạch doanh thu và trên 49% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Nhà máy NPK Phú Mỹ - công nghệ hóa học đã bắt đầu đưa vào vận hành, chạy thử. Đến thời điểm kết thúc quý I/2018 đã sản xuất được 11,3 nghìn tấn NPK chất lượng.

Theo nhu cầu vụ hè thu sắp tới, nhà máy đang tập trung sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm NPK Phú Mỹ 16-16-8 + 13S +TE, NPK Phú Mỹ 16-8-16 +TE. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN cho mục tiêu trung và dài hạn đối với cổ phiếu DPM, với những luận điểm:

- Là thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, DPM luôn đứng đầu thị phần tiêu thụ phân đạm.

- Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, DPM đã có thị phần nhất định trong mảng NPK từ năm 2015, làm tiền đề cho sản phẩm NPK Phú Mỹ từ nhà máy hóa học của DPM.

- Năm 2018, mảng hóa chất tăng trưởng mạnh do đóng góp từ việc nâng công suất dây chuyền NH3 thêm 20%.

Các yếu tố cần theo dõi: Giá khí nguyên liệu năm 2018 tiếp tục xu hướng tăng; Rủi ro vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ; Chi phí khấu hao tăng mạnh từ nhà máy NPK hóa học.

Trong tuần này, cổ phiếu DPM có phiên giảm mạnh đầu tuần (-3,5%), sau đó đứng tham chiếu 2 phiên tiếp theo, trước khi phục hồi 2 phiên còn lại (0,6%; 1,8%). Thanh khoản khớp lệnh có 3 phiên hơn 1,2 triệu đơn vị, phiên đầu tuần hơn 600.000 đơn vị.

Chốt tuần, DPM giảm từ 17.100 đồng xuống 16.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,16%.

VCSC giữ khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu NKG

Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Thép Nam Kim (NKG) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu còn 22.100 đồng, do bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn và giá HRC (thép cuộn cán nóng) đầu vào tăng mạnh gây tác động đến lợi nhuận. – Báo cáo cập nhật ngày 25/5

Dù chúng tôi điều chỉnh giảm 37% giá mục tiêu (22.100 đồng) giá cổ phiếu cũng đã giảm 36% từ báo cáo cập nhật gần nhất của chúng tôi.

Về KQKD quý I/2018 của NKG, doanh thu đã tăng 41% nhưng biên LN giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, tương ứng với các công ty khác trong ngành thép.

Nhà máy thép mới Nam Kim 3 và 4 bắt đầu đóng góp lợi nhuận trong khoảng thời giàn quý 3/2017 - quý I/2018, hỗ trợ cho giả định tăng trưởng sản lượng 23% và 20% của chúng tôi lần lượt cho tấm thép và ống thép.

Biên LN giảm mạnh hơn dự kiến do chi phí đầu vào tăng khiến chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 25% còn 568 tỷ đồng, giảm 20% so với mức cơ sở cao năm 2017.

Việc Mỹ vừa áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến NKG.

Với P/E trượt 3,3 lần, định giá của NKG tỏ ra khá rẻ so với mức trung bình ngành 14,1 lần, nhưng chúng tôi lưu ý rằng cổ phiếu NKG thường giao dịch với mức chiết khấu lớn so với các công ty cùng ngành trong vài năm qua.

Trong tuần này, cổ phiếu NLK có phiên giảm xuống mức giá sàn (-6,9%) ngày đầu tuần, nhưng sau đó lại phục hồi trong cả 4 phiên còn lại (4,5%; 0,8%; 2,5%; 2%).

Thanh khoản khớp lệnh phiên giảm sàn hơn nửa triệu đơn vị. Các phiên khác từ 129.000 đến 245.000 đơn vị.

Chốt tuần, NKG tăng nhẹ từ 20.300 đồng lên 20.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,46%.

FPTS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu NLG

EPS trượt 12 tháng (tính đến quý I/2018) đã điều chỉnh (trừ quỹ khen thưởng, phúc lợi) đạt 3.405 đồng/cổ phiếu và mức P/E trailing khoảng 10,7x (trong khoảng 2 năm trở lại đây P/E trailing của NLG luôn dao động quanh mức 10x).

Tiềm năng tăng trưởng trong các năm tới của NLG hiện đang phụ thuộc vào tiến độ thực hiện và mức độ hấp thụ của thị trường đối với 3 đại dự án Mizuki, Akari City và Waterpoint.

Ngoài ra, các diễn biến vĩ mô đang có những biến động khó lường, theo chiều hướng không thực sự thuận lợi cho ngành bất động sản nói chung.

Kết hợp với những thông tin về rủi ro pha loãng, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu NLG tại thời điểm hiện tại.

Trong tuần này, cổ phiếu NLG có 2 phiên tăng (0,3%; 4%) cùng 3 phiên giảm xen giữa (-4,2%; -3,5%; -1,3%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 158.000 đơn vị.

Chốt tuần, NLG giảm từ 31.000 đồng xuống 29.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,83%.

VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) với tổng mức sinh lời 52,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9% (giá mục tiêu báo cáo ngày 25/5 là 47.900 đồng/cổ phiếu).

Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận từ 15,6% YoY lên 20,8% YoY nhờ hoàn nhập dự phòng cho QTP và dự báo cao hơn cho một số nhà máy thủy điện (TBC, TMP và VSH) với KQKD quý I/2018 mạnh mẽ, bù đắp cho dự báo thấp hơn cho mảng Cơ điện (M&E) và mảng cho thuê văn phòng.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn có thể vượt dự báo hiện tại của chúng tôi nhờ kế hoạch đầu tư 130 triệu USD trong năm 2018, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, cho mảng điện, nước và BĐS.

REE hiện đang giao dịch với tỷ lệ P/E hấp dẫn 6,1 lần và P/B 1,1 lần cho năm 2018, với ROE 16,6%, quỹ đất lớn và các tài sản giá trị trong ngành điện.

Trong tuần này, cổ phiếu REE có 2 phiên giảm (-5,2%; -1,8%), cùng 3 phiên tăng xen giữa (5,8%; 3%; 0,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 350.000 đến 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, REE tăng từ 32.500 đồng lên 33.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,84%.

MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VGG

Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn nhất Việt Nam, doanh thu năm 2017 của Tổng Công ty đạt 8.458 tỷ đồng, chỉ đứng sau Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex. 

Thị trường xuất khẩu của Việt Tiến đa dạng bao gồm Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khác với tỷ trọng tương đối đồng đều.

Doanh thu và lợi nhuận của VGG sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ các động lực sau:

(i) VGG chủ động đón đầu xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam

(ii) nhà máy mới với quy mô lớn nhất và hiện đại nhất của Tổng công ty sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất của VGG.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VGG với mức chênh lệch giá dự kiến 27% so với thị giá hiện tại 49.000 đồng/cổ phiếu.

Mức thị giá hiện tại của VGG là hấp dẫn đối với một doanh nghiệp đầu ngành, có nội lực tăng trưởng, tiềm lực tài chính mạnh tạo ra dòng tiền mạnh và ổn định cũng như mức giá so sánh thấp hơn so với các doanh nghiệp tương đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu VGG có 1 phiên giảm đầu tuần (-1,2%), sau đó là 2 phiên tăng (0,4%; 3,9%), và 2 phiên đứng tham chiếu xen giữa. Thanh khoản khớp lệnh khá thấp, có phiên chỉ có 1.000 đơn vị được sang tay, phiên cao nhất có hơn 15.000 đơn vị.

Chốt tuần, cổ phiếu VGG tăng từ 48.500 đồng lên 49.200 đồng, tương đương +1,44%.

BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu VNM

Nhận định: Sau khi không chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 250.000 đồng giá cổ phiếu VNM đang trong mô hình “2 đỉnh”.

Hiện tại, VNM đã điều chỉnh khoảng 33% từ vùng đỉnh và đang được hỗ trợ ở ngưỡng Fibonaccy 78,6%.

Hai lần VNM chạm ngưỡng hỗ trợ này đều xuất hiện lực cầu giúp giá cổ phiếu tăng mạnh ngay phiên sau đó, mặc dù chưa có đột biến về khối lượng thanh khoản để xác nhận xu hướng phục hồi của đường giá.

Chỉ báo MACD giảm xuống mức sâu nhất từ trước tới nay, và đang có xu hướng đi ngang hội tụ với đường tín hiệu, kết hợp xu hướng đi ngang của chỉ báo RSI, cho thấy khả năng cổ phiếu sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng hỗ trợ này.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu xung quanh ngưỡng hỗ trợ 162.000 đồng.

Trong trường hợp, giá cổ phiếu tiếp tục giữ được ngưỡng hỗ trợ này, đi kèm với việc xuất hiện các phiên đột biến thanh khoản, xu hướng phục hồi sẽ được xác nhận.

Ngược lại, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ là 147.000 đồng, tương đương với mức tích lũy dài hạn trước đó.

Trong tuần này, cổ phiếu VNM có 3 phiên giảm (-0,6%; -1,8%; -0,8%) và xen giữa là 2 phiên tăng (2,2%; 2,4%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có hơn 2,2 triệu đơn vị, phiên thấp nhất hơn 460.000 đơn vị.

Chốt tuần, VNM tăng từ 166.000 đồng lên 168.200 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,32%.

VCSC giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu PVS

Chúng tôi giữ khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) với tổng mức sinh lời 1,2%.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 37,2% (16.400 đồng) vì điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận 2018-2022 do triển vọng mảng cơ khí dầu khí xấu đi khi không còn dự án Cá Rồng Đỏ và giá thuê ngày kho nổi FSO Biển Đông giảm.

Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2018 sẽ giảm 21,9% do mảng cơ khí dầu khí dự kiến sẽ đạt kết quả thấp với ít dự án hơn, trong khi tình hình mảng kho nổi sẽ kém đi do giá thuê ngày giảm.

Dự án Sao Vàng – Đại Nguyên từ năm 2018, cùng với Lô B và Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2 khởi công năm 2019 dự báo sẽ hỗ trợ lợi nhuận tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2018-2022.

PVS hiện đang giao dịch tại P/E 2018 hợp lý 13,7 lần, trong khi P/B 0,7 lần cao hơn trung vị các công ty trong ngành vì có chỉ số tài chính lành mạnh hơn.

Trong tuần này, cổ phiếu PVS có phiên giảm sàn đầu tuần (-9,8%), sau đó phục hồi mạnh (7,6%) trong phiên tiếp theo trước khi bị đẩy lui (-2,4%) phiên kế tiếp.

2 Phiên còn lại đều tăng (3%; 2,4%). Thanh khoản khớp lệnh duy trì trong top đầu HNX, từ 2,8 triệu đến hơn 7 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, thị giá PVS không đổi ở mức 17.400 đồng/cổ phiếu.

VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 185.100 đồng

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) với giá mục tiêu 185.100 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 23,8%.

Chúng tôi tiếp tục giả định lượng hàng hóa vận chuyển quốc tế năm 2018 sẽ tăng 15% với dự báo lượng hàng hóa vận chuyển sẽ tăng mạnh từ quý II sau khi đạt kết quả thấp trong quý I.

Chúng tôi dự báo năm 2018, doanh thu sẽ tăng 16,7% so với năm 2017 lên 687 tỷ đồng và LNST sẽ tăng 24,7% lên 429 tỷ đồng. Việc niêm yết trên sàn HOSE nhiều khả năng sẽ được thực hiện trước khi diễn ra ĐHCĐ vào cuối tháng 6.

Chúng tôi tiếp tục lạc quan về SCS vì:

(1) nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam rất cao (tăng 15%/năm, theo Cục Hàng không Việt Nam),

(2) SCS chỉ có một đối thủ trên thị trường trong khi rào cản đầu tư vào Sân bay Tân Sân Nhất cao

(3) nhu cầu vốn đầu tư XDCB thấp, tỷ lệ đòn bẩy tài chính tấp và tỷ lệ chuyển đổi tiền 90%.

Rủi ro chính đối với SCS vẫn là công suất Sân bay Tân Sơn Nhất bị hạn chế,  và dòng thương mại mang tính chu kỳ, cùng khả năng M&A các công ty có lợi suất thấp.

Trong tuần này, SCS chỉ có 1 phiên tăng duy nhất vào 30/5, còn lại 4 phiên đều giảm (-7,5%; -1,9%; -0,7%; -0,1%). Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi có phiên khớp hơn 41.000 đơn vị, có phiên chỉ có 1.930 đơn vị.

Chốt tuần, SCS giảm từ 162.000 đồng xuống 150.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -7,34%.

BSC cho rằng, giá cổ phiếu VGC dao động trong “Regression chanel” theo xu hướng tăng trong dài hạn

Sau 2 lần chạm ngưỡng trên của “Regression chanel”, VGC đã điều chỉnh về đường giữa, tích lũy trong biên độ 22.5 – 26, và được hỗ trợ bởi SMA 200, trước khi có một phiên giảm mạnh thủng ngưỡng hỗ trợ trên và chạm biên dưới của “Regression chanel”.

Trong 2 phiên giao dịch gần đây, mô hình giá cổ phiếu VGC xuất hiện cây nến doji và một cây nến tăng ngay sau đó, với thanh khoản tương đối tốt, cho thấy khả năng xuất hiện tín hiệu hồi phục.

Tuy nhiên, thân nến tăng điểm chưa đủ lớn để xác nhận xu hướng hồi phục của giá cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu VGC có phiên giảm sàn đầu tuần (-6,9%) và tiếp tục mất (-2,3%) phiên tiếp theo, trước khi tăng trở lại trong 2 phiên (3,3%; 4,5%), và đứng tham chiếu phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh từ 1,9 triệu đến hơn 3,1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VGC giảm từ 24.300 đồng xuống 23.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,93%.

VSCS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG

Ngày 13/6/2018 tới là ngày chốt quyền cho cổ tức cổ phiếu năm 2017. Trong đó, 10 cổ phần hiện hữu sẽ nhận 4 cổ phiếu mới.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với giá mục tiêu 74.100 đồng, tương ứng với tổng mức sinh lời 40% (báo cáo ngày 30/5).

Trong tuần này, cổ phiếu HPG có phiên giảm mạnh đầu tuần (-6,5%), và tăng 4 phiên còn lại (6,8%; 1,5%; 6,3%; 1,6%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất 9 triệu đơn vị, phiên thấp nhất gần 5 triệu đơn vị.

Chốt tuần, HPG tăng từ 52.100 đồng lên 57.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,4%.

VSCS cho rằng, định giá cổ phiếu VHC tỏ ra hấp dẫn so với các công ty khác trong ngành

Thị trường Mỹ tiếp tục là nguồn doanh thu lớn nhất của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), một phần nhờ không có thuế chống bán phá giá, trong khi Trung Quốc dự kiến sẽ là trụ cột mới thúc đẩy tăng trưởng.

Khan hiếm nguồn cung cá tươi và nhu cầu tại Trung Quốc gia tăng dự kiến sẽ khiến giá xuất khẩu tăng 23,4% và sản lượng tăng 8,8% so với năm 2017.

Việc giảm tỉ lệ sở hữu ở công ty con Vạn Đức Tiền Giang (25% tổng doanh thu) đã khiến sản lượng năm 2018 giảm ít nhất 15% nhưng bù lại tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm và hiệu suất hoạt động tăng.

Vì vậy, doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS 2018 dự kiến sẽ tăng lần lượt 8,6% và 11% so với năm 2017.

Định giá tỏ ra hấp dẫn so với các công ty khác trong ngành. Hiện VHC đang giao dịch tại mức P/E trượt 12 tháng là 7,7 lần, thấp hơn 45% so với trung vị các công ty trong ngành (14,1 lần).

Trong tuần này, cổ phiếu VHC có phiên mất điểm mạnh đầu tuần (-6,1%), và cũng có 4 phiên tăng sau đó (3,5%; 0,2%; 3,7%; 0,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 100.000 đến 550.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VHC tăng từ 52.300 đồng lên 53.100 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,52%.

Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh đăng ký mua 500 nghìn cổ phiếu VJC
Giám đốc điều hành của Vietjet đăng ký mua 500.000 cổ phiếu VJC, theo như giá phiên chiều qua có trị giá hơn 75 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư