Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022: Quy hoạch mở “đường băng” phát triển
Hoàng Anh - 27/06/2022 07:52
 
Tầm nhìn quy hoạch mở ra nhiều dư địa lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng, hàng loạt nhà đầu tư lớn sẵn sàng rót vốn triển khai những dự án tầm cỡ tại Thành phố.
TIN LIÊN QUAN
Những quyết sách quan trọng của Trung ương đã mở rộng dư địa đầu tư của TP. Đà Nẵng 	ảnh: huỳnh văn truyền
Những quyết sách quan trọng của Trung ương đã mở rộng dư địa đầu tư của TP. Đà Nẵng        Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Thay ““chiếc áo”” chật

Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn bùng nổ thu hút dòng vốn đầu tư. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rót vào thành phố bên sông Hàn.

Lũy kế, Đà Nẵng thu hút được 716 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng; có 914 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD… Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp đã tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đưa Đà Nẵng trở thành địa phương có mức tăng trưởng cao trong nhiều năm.

Nhưng, như con tàu vươn ra biển lớn, hành trình phát triển của Đà Nẵng cũng trải qua bão giông. Do cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào thương mại - dịch vụ, nên tác động của đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua khiến tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng chững lại. Bên cạnh đó, sau nhiều năm, các cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng trở nên “chật chội”; các lĩnh vực thu hút đầu tư của Thành phố cũng hẹp dần.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra một không gian phát triển mới, đầy triển vọng cho Đà Nẵng.

Định hướng phát triển Đà Nẵng tập trung vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển. Trong 3 trụ cột đó, sẽ chú trọng vào 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền.

TS. Trần Du Lịch từng nhận định, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng cho Đà Nẵng. Bởi Trung ương nhìn nhận Đà Nẵng là một vùng đô thị bao gồm chuỗi đô thị từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An, mà hạt nhân lan tỏa là đô thị Đà Nẵng. Với quan điểm này, Đà Nẵng không bị bó trong dải đất hẹp, mà được nhìn nhận như vùng đô thị rộng lớn, tiềm năng. Các nhà đầu tư không chỉ nhìn thấy cơ hội từ Đà Nẵng, mà là cả vùng đô thị Đà Nẵng. Bên cạnh đó, với định hướng như vậy, Đà Nẵng có nhiều dư địa phát triển trên 5 lĩnh vực then chốt.

“Thành phố đáng đầu tư”

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra một “đường băng lớn” cho Đà Nẵng cất cánh. Nhiệm vụ của Đà Nẵng là làm sao để cụ thể hóa chính sách quan trọng ấy, tạo xung lực phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy, chính quyền Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Đồ án Quy hoạch chung, Đà Nẵng hình thành 2 vành đai kinh tế, gồm: vành đai phía Bắc là vành đai “công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics”; vành đai phía Nam là vành đai “đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Đặc biệt, đô thị Đà Nẵng sẽ hình thành 12 phân khu chức năng.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, nhà đầu tư hiện rất quan tâm đến việc triển khai quy hoạch 12 phân khu. Bởi quy hoạch phân khu là cơ sở để các dự án đi vào quy hoạch chi tiết hơn, xác định ranh giới rõ ràng hơn của từng dự án; nhà đầu tư có thể thực hiện quy hoạch 1/500 để tiến đến đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Thành phố đang đẩy nhanh thực hiện phân khu 12 chức năng; dự kiến trong năm 2022 sẽ phê duyệt xong một số phân khu lớn, như Phân khu Đổi mới sáng tạo, Phân khu Cảng biển; năm 2023 sẽ phê duyệt hết các phân khu còn lại. Tôi tin rằng, khi những quy hoạch phân khu hình thành, mục tiêu đến năm 2030 thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư của Thành phố sẽ thành hiện thực. Những dự án có vốn đầu tư lớn như Tổ hợp Pháo hoa quốc tế, Dự án Không gian sáng tạo Hòa Xuân, Dự án Cảng Liên Chiểu, Trung tâm tài chính… sẽ được triển khai xây dựng”, bà Phương nói.

Mỗi quy hoạch phân khu sẽ gắn liền với loạt dự án lớn, tạo ra nhiều động lực và dư địa phát triển cho Đà Nẵng. Ví dụ, Phân khu Ven sông Hàn và bờ Đông là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Phân khu Cảng biển Liên Chiểu có trọng tâm là phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics và khu đô thị cảng biển. Phân khu Công nghệ cao sẽ chú trọng phát triển khu công nghệ cao, các khu công nghiệp hiện hữu và các khu công nghiệp mới. Phân khu Đô thị sườn đồi sẽ là phân khu không gian xanh được phân bố dọc theo khu vực đồi núi phía Tây…

Thông tin từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, nhiều tập đoàn lớn đã đề xuất nghiên cứu ý tưởng đầu tư vào 12 phân khu quy hoạch của Đà Nẵng. Trong đó, IPPG được Đà Nẵng thống nhất tiếp nhận ý tưởng quy hoạch Phân khu Đô thị sườn đồi (khoảng 2.729 ha). Bên cạnh đó, IPPG còn đề xuất ý tưởng quy hoạch Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan (khoảng 850 ha) và đề nghị tài trợ chi phí quy hoạch Phân khu Khu đô thị sân bay.

Tập đoàn Sun Group cũng tham gia ý tưởng với Dự án Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan với diện tích 1.110 ha (thuộc Phân khu Đô thị sườn đồi). Sun Group còn đề xuất tham gia nghiên cứu và đầu tư Khu đô thị ven sông Tây Nam Nhà máy nước Cầu Đỏ (khoảng 50 ha).

Tập đoàn BRG đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch phân khu khu vực khoảng 11.573 ha và đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch tổng thể phát triển không gian 9 xã phía Nam Hòa Vang, khoảng 25.042 ha. Đối với khu dự trữ phát triển, bên cạnh Tập đoàn Vingroup tự khảo sát khoảng 450 ha tại xã Hòa Châu - Hòa Tiến, cũng có sự tham gia của Công ty cổ phần Phát Đạt...

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG nhận định, Đà Nẵng là thành phố có đầy đủ tiềm năng để đầu tư. Vì vậy, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam) đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng để thảo luận về các dự án mà hai tập đoàn đề xuất. Năm 2021, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh đã trao biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG.

“Ban lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo rất quyết tâm với định hướng đầu tư tại Đà Nẵng, thể hiện qua việc nhiều lần cử đoàn công tác đến làm việc tại Đà Nẵng, với mục tiêu đầu tư một dự án hiện đại, mang tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế tại Đà Nẵng”, bà Nga chia sẻ.

Dự báo, dòng vốn đầu tư lớn sẽ tiếp tục được doanh nghiệp, nhà đầu tư rót vào Đà Nẵng, khi các quy hoạch được triển khai xong. Bởi vậy, Đà Nẵng đang ráo riết đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch giai đoạn mới.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đang chủ động xây dựng, hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt một số chính sách, quy hoạch lớn, mang tính chiến lược. Thành phố cũng đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính pháp lý liên quan đến việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, các bản án của tòa án, các kiến nghị của kiểm toán…

Bên cạnh đó, Thành phố chủ động đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương triển khai thành lập Trung tâm Tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng; Đề án Thành lập Khu phi thuế quan; xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực, trọng điểm như cảng Liên Chiểu; Khu đô thị Đại học Đà Nẵng; tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan); nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…

“Tất cả các hoạt động trên sẽ tạo nền tảng, tiền đề để hướng tới mục tiêu đến năm 2045, TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.

Đà Nẵng đã khẳng định mình với thương hiệu “đáng sống”, “đáng đến” và giờ đây, với những dư địa lớn trên các lĩnh vực, thành phố biển này sẽ trở thành “thành phố đáng đầu tư”.

Danh mục Dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025 gồm 57 dự án ở 9 lĩnh vực

- Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại gồm các dự án: Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo (vốn đầu tư dự kiến: 400 tỷ đồng); Trung tâm Mua sắm giải trí ngầm (vốn đầu tư dự kiến: 910 tỷ đồng); Trường đua ngựa và trang trại nuôi ngựa (vốn đầu tư dự kiến: 4.554 tỷ đồng)…

- Lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghiệp có 10 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, 3 dự án khu công nghiệp (KCN) đều có vốn đầu tư lớn, gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn II (vốn đầu tư dự kiến: 2.232 tỷ đồng); KCN Hòa Ninh (vốn đầu tư dự kiến: 6.083 tỷ đồng); KCN Hòa Nhơn (vốn đầu tư dự kiến: 5.657 tỷ đồng).

- Lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics có 10 dự án, gồm: Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị (vốn đầu tư dự kiến: 12.636 tỷ đồng), các trung tâm logistics như: Trung tâm Logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm Logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Logistics khu công nghệ cao…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư