Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Điện gió đổ bộ, điện tiếp tục thừa
Thanh Hương - 05/11/2021 08:55
 
Sau khi nỗ lực hết sức để về đích trước ngày 1/11/2021, nhiều nhà máy điện gió đối mặt với việc giảm phát do nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế vẫn ở mức thấp.

 

Lỡ làng khi không kịp về đích

Trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương ngày 2/11 đã nhắc tới tên của 62 dự án điện gió không vận hành trước ngày 1/11/2021, dù đã có Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Trong số 62 dự án này, ngoài những dự án chưa “động đậy” nhiều trên thực tế, thì có 4 dự án điện gió được ghi chú kèm theo dòng chữ “đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm để COD”.  Điều này nghĩa là dự án chưa hoàn tất các thử nghiệm theo quy định để đủ điều kiện công nhận vận hành thương mại (COD), đồng nghĩa với việc không kịp hưởng chính sách được mua điện với giá cố định là 8,5 UScent/kWh (trong đất liền), hay 9,8 UScent/kWh (trên biển) theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ở thời điểm hết ngày 31/10/2021.

Cũng trong báo cáo của EVN còn có danh sách 15 dự án điện gió khác được liệt kê là mới COD được một phần dự án. Trong số này có Dự án điện gió Hưng Hải Gia Lai mới COD được 4 MW; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 mới COD được 4,5 MW, hay Nhà máy điện gió Bình Đại mới COD được 4,2 MW… Lớn nhất trong đó là Nhà máy điện gió Tân Phú Đông đã COD được 50 MW, nhưng vẫn còn khá xa so với mức công suất 150 MW đã ký PPA.

Như vậy, trong số 106 dự án điện gió có công suất 5.755,5 MW đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD ở thời điểm đầu tháng 8/2021, chung cuộc đã có 3.298,95 MW công suất đã được COD trước ngày 1/11/2021.

Như vậy, với những dự án “đã động đậy” trong số 62 dự án không thể vận hành trước ngày 1/11, hay với 15 dự án mới COD được một phần công suất so với đăng ký, việc triển khai tiếp sau ngày 1/11/2021 đã nhìn thấy có những thách thức lớn.

Ông Nguyễn Bình, người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn và đã tham gia triển khai các dự án năng lượng tái tạo cho hay, sau khi kết thúc việc mua điện gió theo mức giá cố định (FIT) từ ngày 1/11/2021, thì ai cũng hiểu sắp tới sẽ phải đấu giá. Nhưng đấu như thế nào, quy trình và các bước cụ thể ra sao để được huy động phát điện thì lại chưa có phương án đưa ra để nhà đầu tư nghiên cứu.

“Nhìn sang thực tế các dự án điện mặt trời dở dang thì có vẻ đường đi cho điện gió cũng chưa có gì sáng trong thời gian trước mắt. Trên thực tế, giá FIT cho điện mặt trời đã kết thúc vào ngày 31/12/2021 theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, nhưng tới nay, gần 1 năm đã trôi qua vẫn chưa có cách thức nào được đưa ra để các dự án dở dang có hướng xử lý tổng thể. Có những dự án đã hoàn tất xong, được COD, nhưng lại không có chính sách giá để mua điện nên gặp phải cảnh đi mắc núi, ở mắc sông”, ông Bình nói.

Lẽ dĩ nhiên, các dự án điện gió đang triển khai đầu tư dở dang mà chưa được COD toàn bộ nhà máy, chắc chắn rơi vào tình trạng khó khăn trong tính toán hiệu quả tài chính, bởi nhiều khoản đặt cọc mua vật tư nguyên vật liệu đã trả, nhưng dự án lại không thể hoàn thành đúng hẹn để được hưởng giá mua điện hấp dẫn, thay vào đó là sự mông lung trong việc xác định giá điện và dòng tiền để hoàn vốn đầu tư đã bỏ ra.

Đối mặt với cắt giảm

Ngày 3/11, khi mà các dự án điện gió đã chốt sổ danh tính lẫn công suất được COD, thì con số dự báo huy động điện gió được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) công bố cho ngày này có thể khiến nhiều nhà đầu tư ngộp thở. 

Theo công bố của A0, công suất điện gió lắp đặt có trên hệ thống là 3.980 MW. Tuy nhiên, mức công suất dự kiến huy động trong khung giờ buổi trưa (bức xạ mặt trời lớn nhất, nhưng công suất tiêu thụ điện thấp) với điện gió chỉ vỏn vẹn có… 95 MW. Vào thời điểm khung giờ chiều - tối (công suất tiêu thụ điện cao nhất, nhưng bức xạ mặt trời rất thấp) thì mức công suất điện gió được dự kiến huy động cũng chỉ có 980 MW.

Con số này so với mức xấp xỉ gần 4.000 MW công suất đặt của điện gió cũng cho thấy sự khó khăn của các nhà đầu tư.

Trên một số nhóm về năng lượng tái tạo đã có sự chia sẻ về cảnh các cột gió đứng yên tại nhà máy điện gió đã được công nhận COD, bởi phải giảm phát điện do phía mua điện không có nhu cầu tiêu dùng.

Theo báo cáo của EVN với Bộ Công thương, khả năng giải tỏa công suất của một số nhà máy điện gió gặp khó khăn chủ yếu vào thời gian ban ngày (khoảng 4-5 tiếng ban ngày), là thời điểm điện mặt trời phát cao tại một số khu vực. Ngược lại, đảm bảo giải tỏa tốt tại buổi tối, là thời điểm điện mặt trời không có công suất phát.

Lẽ dĩ nhiên, các nhà đầu tư cũng khó có thể trách cứ được gì, khi nhìn tổng thể, tiêu dùng điện của nền kinh tế đang giảm sút mạnh so với công suất nguồn điện đặt.

Về phần mình, EVN cũng cho hay, trong quá trình thực hiện thỏa thuận đấu nối với các chủ đầu tư, căn cứ vào tiến độ các công trình lưới điện giải tỏa và chỉ đạo của Bộ Công thương tại Văn bản số 3943/BCT-ĐL ngày 2/5/2018 về việc cho phép thỏa thuận đấu nối có điều kiện, các bên đều thống nhất đưa vào thỏa thuận đấu nối điều khoản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện giảm/dừng công suất nhà máy khi có quá tải lưới điện hoặc thừa nguồn.

“Trên cơ sở đó, EVN đã ký PPA với các chủ đầu tư đều có bổ sung yêu cầu này. Như vậy, với các thỏa thuận trên giữa EVN và chủ đầu tư, việc vận hành nhà máy điện gió sẽ đảm bảo lưới điện an toàn, ổn định, tin cậy, không gây quá tải đường dây và trạm biến áp theo đúng nguyên tắc nêu tại Văn bản số 2134/ĐLKH&QH ngày 26/10/2021”, báo cáo của EVN nêu rõ.

Chính thức danh tính 62 dự án điện gió không kịp về đích trước ngày 1/11/2021
Theo báo cáo của EVN với Bộ Công thương, có 62 dự án điện gió với công suất 3479,45 MW đã không vận hành trước ngày 1/11/2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư