Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Điện lực miền Bắc cấp tập chống quá tải
Thanh Hương - 30/04/2016 13:38
 
Với dự báo trong các tháng mùa nóng năm 2016, công suất cực đại thuộc khu vực Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý sẽ lên tới trên 8.000 MW, có thể gây quá tải cục bộ tại một số khu vực, hàng loạt chương trình đầu tư đã được khẩn trương thực hiện.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc EVNNPC cho hay, do tác động của El Nino, có thể, mùa hè năm 2016 sẽ nắng nóng khốc liệt hơn năm 2015, tác động bất lợi cho không chỉ ngành điện mà cả các khách hàng dùng điện.

“Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trong quý I/2016 tại 27 tỉnh miền Bắc (ngoại trừ Hà Nội) mà EVNNPC quản lý đã đạt 14,37%, cao nhất trong số 5 tổng công ty phân phối điện của cả nước. Với địa hình có nhiều khu vực sẽ chịu nhiệt độ cao ở mức 38-40 độ C trong những tháng mùa hè tới như vùng phía Tây và các tỉnh Bắc miền Trung, cũng như tốc độ phát triển xây dựng - công nghiệp vài năm gần đây cao, dự báo tăng trưởng phụ tải điện mùa hè 2016 ở EVNNPC có thể lên trên 15%, tác động bất lợi tới tình hình cấp điện”, ông Tuấn nói.

.
.

Năm 2015, công suất cực đại của EVNNPC quản lý đã đạt tới 7.676 MW. Trong quý I/2016, công suất cực đại này đã có lúc lên đạt 7.426 MW. Bởi vậy, dự báo trong những tháng nắng nóng sắp tới, công suất cực đại của EVNNPC có thể đạt trên 8.000 MW.

Để đối phó với tình hình này, hàng loạt công trình đầu tư chống quá tải đã được EVNNPC triển khai từ cuối năm 2015 đã và đang được khẩn trương hoàn thành, với mục tiêu xong trước mùa nắng nóng, tức là trước tháng 5/2016.

Ông Tuấn cho biết, ngay từ cuối năm 2015, EVNNPC đã bố trí 2.530 tỷ đồng để triển khai 312 tiểu dự án trung áp nhằm chống quá tải, với 1.526 trạm biến áp phân phối có tổng công suất 312 MW; 1.100 km đường dây trung thế và 1.701 km đường dây hạ thế, với mục tiêu hoàn thành trong tháng 4/2014. Cho tới nay, 728 máy biến áp trên địa bàn 24 tỉnh được đóng điện, số còn lại đang chuẩn bị đóng điện theo đúng kế hoạch.

Ngoài 10 trạm biến áp 110 kV đang được triển khai nâng công suất mà hiện đã đóng điện gần toàn bộ theo đúng kế hoạch trước ngày 30/4/2016, EVNNPC lại tiếp tục đầu tư nâng công suất, lắp đặt 14 máy biến áp T2 phục vụ chống quá tải với mục tiêu hoàn tất trong quý II/2016.

Trước đó, theo kế hoạch đầu tư năm 2016, EVNNPC cũng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao khởi công 94 dự án, với quy mô 1.021 km đường dây 220 kV, 110 kV; đầu tư và nâng công suất 65 trạm biến áp 220 - 110 kV, với dung lượng 2.704 MVA. Tổng mức đầu tư các công trình được giao này là 7.351 tỷ đồng. Tính đến nay, EVNNPC cũng đã thực hiện đóng điện 90 dự án.

Hiện EVNNPC đang tập trung rà soát lại năng lực truyền tải của lưới điện và hoạt động của các trạm biến áp để lựa chọn phương thức vận hành thích hợp, đáp ứng điều kiện khắc nghiệt của thời tiết được dự báo là sẽ có nắng nóng, nhiệt độ cao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra vận hành, kiểm tra đêm để phát hiện sự cố sớm. Cùng với đó là bố trí lực lượng ứng trực sẵn sàng để xử lý sự cố khi xẩy ra một cách nhanh nhất.

Đơn cử như Điện lực Nam Định. Tới ngày 20/4/2016 đã đóng điện đưa vào khai thác vận hành thêm 102 trạm biến áp phân phối mới với mục tiêu đảm bảo mùa khô năm 2016 không có trạm biến áp, đường dây trung, hạ thế nào bị quá tải, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện lưới sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh.

Có lượng điện tiêu thụ khoảng 12 triệu kWh điện với số tiền cỡ 20 tỷ đồng/năm, chi phí điện trong sản xuất tại Công ty cổ phần Ống đồng Toàn Phát, có Nhà máy đóng tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên) chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Điều hành cho hay, hiện khá yên tâm với việc cung ứng điện. “Trước đây 3-4 năm, Công ty phải đầu tư mua máy phát điện công suất 1.000 KVA để đảm bảo hoạt động mỗi khi bị mất điện đột xuất. Tuy nhiên, 2 năm nay, máy phát điện chỉ nằm một chỗ, kế hoạch cắt điện được thông báo với doanh nghiệp rõ ràng và không bị mất điện ngoài kế hoạch”, ông Khôi nói và cho biết thêm, bản thân Công ty cũng đã làm kiểm toán năng lượng với sự hỗ trợ của ngành điện, sau đó đã thực hiện một số khuyến nghị để tiết kiệm lượng điện tiêu hao như lắp biến tần, lắp công tơ theo dõi các bộ phận, có khen thưởng rõ ràng, nhờ vậy đã giảm được 10% chi phí điện so với năm 2015.

Không chỉ hài lòng hơn với việc cấp điện, Công ty cổ phần Ống đồng Toàn Phát hiện đã thuê ngành điện dịch vụ quản lý vận hành trạm biến áp của mình. “Chúng tôi yên tâm hơn vì ngành điện có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong vấn đề này, còn người của công ty tập trung được vào việc quản lý điện trong nội bộ doanh nghiệp”, ông Khôi cho hay.

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong những năm vừa qua hệ thống điện đã được đầu tư quan tâm. Hiện nay, tổng công suất nguồn cả nước là 38.642 MW, phụ tải mới đạt 25.000 MW nên hệ thống có dự phòng. Với phương án cung cấp điện năm 2016 do Bộ Công thương phê duyệt, dự kiến phụ thải sẽ đạt hơn 26.000 MW, hệ thống vẫn có dự phòng và khu vực miền Bắc có mức dự phòng cao.

98% người dân Việt Nam được sử dụng điện từ hệ thống điện quốc gia
“Kể từ năm 1990, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 14% lên 98%, con số này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư