Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 01 tháng 08 năm 2024,
Diện mạo khi Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương
Thái Hòa - 01/08/2024 09:31
 
Năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương sẽ là bước ngoặt lớn đối với diện mạo địa phương, trong đó có hệ thống hạ tầng.
Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng
Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng

Khẳng định vị thế

Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Định hướng này cũng được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ, tỉnh có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vị thế bằng những cách làm mới, sáng tạo và khác biệt.

“Thừa Thiên Huế xác định xây dựng và phát triển phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng”, ông Lưu khẳng định.

Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, sau nhiều năm chuẩn bị, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh, hình hài của thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai đã lộ rõ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

Phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển.
Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, quần thể di tích Cố đô Huế....

(Trích ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 6/4/2024)

Theo ông Phương, Thừa Thiên Huế được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”.

“Chính những tên gọi đó sẽ là thách thức đặt ra cho tỉnh trong quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà Thừa Thiên Huế đã dày công xây dựng và định vị”, ông Phương nói.

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước…

Đánh giá mục tiêu này, ông Phương cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên Huế là xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển, xây dựng công viên đầm phá quốc gia.

“Tỉnh sẽ là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thông minh, bảo đảm hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của đô thị Huế; đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền Trung, vùng động lực miền Trung; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế”, ông Phương nói.

Bước đột phá về hạ tầng

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ có sự thay đổi tích cực về hình hài khi có 3 trung tâm đô thị, gồm: TP. Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà. Với quy hoạch này, quận phía Bắc và quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục - thể thao, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.

Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.

Quy hoạch cũng nêu cụ thể những phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị, ông Phương cho rằng, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế, mà là của cả nước. Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu.

“Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư”, ông Phương nói.

Hành trang trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 đã được Thừa Thiên Huế cụ thể hóa mạnh mẽ thông qua các công trình trọng điểm triển khai đồng bộ để sớm hoàn thành trong năm 2025 như: cầu qua cửa biển Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, cùng các dự án mở rộng, phát triển đô thị Huế và các thị xã…

Theo báo cáo, đến nay, công trình cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng (TP. Huế), với kinh phí đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng đang dần thành hình. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế. Ngoài ra, cầu còn giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây TP. Huế; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.

Nói đến Thừa Thiên Huế, không thể bỏ qua Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đây được xem là động lực phát triển tỉnh trong những năm tới. Theo Quy hoạch, Chân Mây sẽ được đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III.

Đồng thời, Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế rộng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích khoảng 27.108 ha, gồm 5 khu chức năng chính, gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Cuối năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tập trung phát triển khu kinh tế này, chuẩn bị từng bước cho Chân Mây lên thành phố.

Tính đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 57 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm gần 4.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô như Khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu), quy mô 420 ha, vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) quy mô hơn 43 ha, vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 71 ha, vốn đầu tư 2.130 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có Dự án Khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An rộng gần 20 ha, với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120 ha, với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng… Tổng số vốn các dự án này lên đến 59.620 tỷ đồng.

Cùng với đó là Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 3), quy mô 1.525 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 4), quy mô 1.450 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 2 Chân Mây, quy mô 800 tỷ đồng; Dự án Đầu tư bến số 4, 5, quy mô 1.600 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây, với diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng hơn 26 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.700 tỷ đồng chính thức khởi công. Dự kiến, bến số 4 hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm; với các tàu container, sản lượng dự kiến 80.000 TEU mỗi năm.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế giao đầu mối thực hiện xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư