Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Điện mặt trời áp mái nhà xưởng công nghiệp thu hút nhà đầu tư Oman
Như Loan - 03/12/2020 15:53
 
Thị trường năng lượng mặt trời áp mái công nghiệp Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, và thu hút được nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tham gia vào cuộc đua khốc liệt.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn điện lực (EVN) đã huy động 7,27 tỷ kWh năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời đạt 6,39 tỷ kWh, tăng gấp 2,94 lần cùng kỳ năm 2019. Tổng công suất thiết kế hòa lưới trong riêng 2 năm 2019-2020 của toàn Việt Nam dự kiến đạt khoảng gần 12 GWph, góp phần thúc đẩy đóng góp năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện của Việt Nam lên gần 12%.

Tuy tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, nhưng tổng sản lượng năng lượng mặt trời áp mái còn rất khiêm tốn và mới chỉ đạt mức lũy kế chưa tới 800 MWph vào thời điểm tháng 8/2020, mặc dù công suất tiềm năng của mảng thị trường năng lượng mặt trời áp mái công nghiệp và thương mại (C&I) có thể đạt trên 20 GWph tại thời điểm hiện nay.

.
VOI và CME ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sau một số tên tuổi lớn như Sembcorp (Singapore), Total (Pháp), TPG (Mỹ), ngày 24/11/2020, thị trường năng lượng mặt trời áp mái Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tham gia của một định chế tài chính lớn trên thế giới là Oman Investment Authority (OIA).

Thông qua liên doanh của mình với chính phủ Việt Nam là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) - OIA đã thực hiện khoản đầu tư chiến lược vào Công ty Năng lượng Copper Mountain (CME) và ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với sự chứng kiến của Ngài Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri - Đại Sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ô-man tại Việt Nam.

Theo Thỏa thuận này, VOI và CME sẽ tập trung phát triển thị phần cung cấp năng lượng mặt trời áp mái C&I, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo lớn và áp dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng. Phía Oman sẽ hỗ trợ CME về cả vốn và mở rộng thị trường để trở thành một nền tảng cung cấp năng lượng tái tạo không chỉ ở các doanh nghiệp có vốn của Oman tại Việt Nam, mà còn mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN.

Phát biểu tại lễ ký, Ngài Đại sứ cho biết: “chúng tôi kỳ vọng vào các khoản đầu tư của VOI vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở nói chung và vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, vì giải pháp năng lượng này không chỉ là xu thế toàn cầu và giúp giảm thiểu phác thải CO2, mà còn góp một phần trực tiếp giảm áp lực thiếu điện của Việt Nam và vì thế các khoản đầu tư như thế này nên được khuyến khích mạnh mẽ”.

Trong lĩnh vực năng lượng, với kinh nghiệm thành công tại Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh với công suất 66 MW và các Dự án Điện mặt trời mặt đất tại Long An với công suất 141 MWp, việc mở rộng đầu tư hợp tác với với CME vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái, VOI hướng đến việc tham gia đầy đủ vào tất cả các phân khúc khác của thị trường năng lượng thân thiện môi trường khác như điện gió và các tổ hợp điện khí LNG.

.
Lãnh đạo Quỹ VOI và Công ty CME thăm dự án do CME đầu tư tại Tổng Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn SCSC - thuộc địa phận sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Tp HCM.

Ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư của VOI cho biết: “VOI luôn mong muốn có được các đối tác địa phương đáng tin cậy và có đầy đủ năng lực để có thể đồng hành trên chặng đường dài, vì đầu tư trong cơ sở hạ tầng đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và năng lực thực thi chuyên nghiệp. Ở CME chúng tôi tìm thấy các yếu tố thành công và sự cam kết vững vàng cho một mối quan hệ hợp tác đầu tư chiến lược, sau khi phát triển thành công với cụm 2 dự án điện mặt trời mặt đất ở Thạnh Hóa - Long An”.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường điện mặt trời áp mái, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù xu thế giảm giá mua điện của EVN đối với năng lượng tái tạo nói chung do chi phí sản xuất ngày càng giảm, nhưng do tính ưu việt như về giải tỏa công suất phụ tải tại chỗ cho những khu vực công nghiệp thiếu điện trầm trọng, giảm lãng phí thất thoát truyền tải, giảm áp lực cho mạng lưới truyền tải chưa kịp nâng cấp của EVN, và đặc biệt tạo nguồn năng lượng xanh trực tiếp với chi phí rẻ hơn cho các nhà sản xuất có trách nhiệm với môi trường, chính phủ sẽ tiếp tục có những ưu đãi với phân khúc thị trường điện mặt trời áp mái hơn các loại hình điện mặt trời khác.

Cùng với hỗ trợ chính sách của chính phủ Việt Nam và nhu cầu mua điện mặt trời trực tiếp của các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu gia tăng, thị trường này sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư mới, trong đó có cả các tập đoàn năng lượng và định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Doanh nghiệp e dè với điện mặt trời áp mái
Không ít doanh nghiệp phía Nam còn e ngại khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, dù lộ trình tìm kiếm nguồn năng lượng sạch là không thể tránh khỏi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư