Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điện tử, máy tính - mặt hàng xuất khẩu tiềm năng
Minh Nhung - 16/01/2016 15:23
 
Năm 2015, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu đồ điện tử, máy tính, linh kiện ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 4,26 tỷ USD so với năm 2014, chiếm 1/3 mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ thua mặt hàng điện thoại (tăng khoảng 6,5 tỷ USD).
.
Tính gia công, lắp ráp trong lĩnh vực điện tử, máy tính còn rất lớn

Việc tăng cao của mặt hàng này, cùng với các mặt hàng như điện thoại…, đã góp phần làm cho tổng kim ngạch tăng khá và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng có kỹ thuật, công nghệ cao.

Trước đó, từ năm 2003 trở về trước, quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính còn rất nhỏ, tốc độ tăng bình quân năm chỉ đạt 14,6%. Đến năm 2004, sau khi vượt qua mốc 1 tỷ USD, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng tốc và đạt quy mô lớn. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã cao gấp 133,7 lần so với năm 2003.

Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố. Số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học là 630, với tổng số lao động khoảng 240.000 người. Tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong toàn ngành công nghiệp, cũng như trong toàn bộ nền kinh tế của cả nước, nhưng các doanh nghiệp này lại có năng suất lao động cao, hiệu quả đầu tư khá, nên chỉ số phát triển sản xuất tăng cao hơn chỉ số phát triển sản xuất của toàn ngành công nghiệp (năm 2014 tăng 35,2% so với 7,6%, 11 tháng 2015 tăng 38,7% so với 9,7%).

Một yếu tố quan trọng là, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm tới 98,2%, thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ có 1,8%. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng điện tử, máy tính sản xuất tại Việt Nam như: Hoa Kỳ, CHND Trung Hoa, Hồng Kông, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Malaysia, Singapore.

Tuy đạt được kết quả khả quan như trên, nhưng xuất nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng đặt ra một số vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn nhất là tính gia công, lắp ráp trong lĩnh vực này rất lớn. Trong khi xuất khẩu năm 2015 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 38,2%, thì nhập khẩu mặt hàng này đã lên đến 23,274 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Cân đối giữa xuất và nhập khẩu về mặt hàng này, Việt Nam đã ở vị thế nhập siêu khá lớn, lên tới hơn 7,4 tỷ USD, bằng khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, cần phải phát triển nhanh hơn công nghiệp phụ trợ, vừa để khắc phục tình trạng gia công, đại lý, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu, vừa giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm tính lan tỏa của kỹ thuật - công nghệ hiện đại, vừa tăng thị phần của khu vực kinh tế trong nước.

Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu
Trong Nghị quyết mới ban hành, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương trong năm 2016 chủ trì tổ chức nghiên cứu, dự báo tình hình thị trường xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư